Sáng 22/11, Sở Giao thông vận tải Hà Nội phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức tọa đàm "Hướng đến hệ thống giao thông Hà Nội thông minh và bền vững".
Theo Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội, trong định hướng Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, sông Hồng là trục xanh, cảnh quan, trục Hồ Tây - Ba Vì kết nối giữa đô thị trung tâm với các đô thị vệ tinh và Nhật Tân - Nội Bài là trục đô thị thông minh.
Bên cạnh 3 trục phát triển gồm sông Hồng, Hồ Tây - Ba Vì và Nhật Tân - Nội Bài, thành phố cũng định hướng hai thành phố trực thuộc Thủ đô: thành phố phía Bắc (Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn) thiên về dịch vụ, thông minh và hội nhập, thành phố phía Tây (Hòa Lạc, Xuân Mai), định hướng đây sẽ là thành phố khoa học công nghệ và giáo dục - đào tạo.
Thực tế hiện nay, thành phố Hà Nội mới có 7 tuyến vành đai; 19 tuyến hướng tâm (7 tuyến cao tốc hướng tâm, 8 tuyến quốc lộ, 4 tuyến hướng tâm kết nối đô thị trung tâm với đô thị vệ tinh); mạng lưới đường sắt đô thị theo quy hoạch có 10 tuyến (tương ứng 417 km), hiện nay mới hình thành và đưa vào khai thác được 12,5/417 km theo quy hoạch (tuyến số 2A Cát linh - Hà đông).
Tại tọa đàm, đại diện Sở GTVT Hà Nội cho biết, hệ thống giao thông được coi là huyết mạch của nền kinh tế, là bộ mặt của đô thị. Vì vậy, lãnh đạo TP Hà Nội luôn rất quan tâm đến phát triển hệ thống giao thông sao cho hiện đại, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.
Trước thực tế này, UBND TP Hà Nội đã giao Sở GTVT chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan trong công tác tổ chức, quản lý điều hành giao thông; ứng dụng khoa học, công nghệ trong quản lý, điều hành giao thông, xây dựng hệ thống giao thông thông minh trong TP thông minh.
Sau đó Sở đã chọn Trường Đại học Giao thông vận tải là đơn vị tư vấn: "Xây dựng đề án giao thông thông minh trên địa bàn TP Hà Nội".
Tại tọa đàm, GS.TS. Lê Hùng Lân, Chủ nhiệm Đề án nghiên cứu "Giao thông thông minh trên địa bàn thành phố Hà Nội" khẳng định, Hà Nội cần nhanh chóng trở thành thành phố thông minh, trong đó phát triển hệ thống giao thông thông minh là một trong các trụ cột chính.
Theo GS Lân, ITS (Hệ thống giao thông thông minh) sẽ gồm 4 phần chính: Người dùng ITS, phương tiện giao thông tích hợp thiết bị thông minh, cơ sở hạ tầng giao thông thông minh và trung tâm điều hành, giám sát giao thông thành phố.
Trong đó, người dùng ITS chính là người dân tham gia giao thông và người quản lý, điều hành giao thông. Người dùng không những là đối tượng thụ hưởng dịch vụ ITS mà còn là chủ thể tham gia, đóng góp thông tin cho ITS. Giao thông thông minh thành phố Hà Nội sẽ lấy người dân làm trung tâm, ông Lân chia sẻ.
Tuy nhiên, những thách thức với giao thông thông minh của Hà Nội theo GS Lân tới từ chính tới từ việc tỷ lệ đất dành cho giao thông còn ít (chưa được một nửa so với yêu cầu). Vận tải hành khách công cộng chưa phát triển, chủ yếu dựa vào xe buýt và mới đáp ứng chưa được 20%. Phương thức giao thông xanh (đi bộ, xe đạp, xe động cơ điện…) chưa phát triển.
Đồng thời, công tác quản lý, điều hành thiếu kết nối, chia sẻ. Dữ liệu giao thông chưa được chú trọng thu thập. Các ứng dụng giao thông thông minh ít. Cơ sở hạ tầng như trung tâm điều khiển, thiết bị ngoại vi còn thiếu.
Trước thực tế trên, GS.TS Lê Hùng Lân cho rằng, lộ trình phát triển giao thông thông minh ở Hà Nội nên chia thành 3 giai đoạn.
Trong đó, giai đoạn 1 từ năm 2024-2026 sẽ xây dựng trung tâm quản lý và điều hành giao thông thành phố; đầu tư lắp đặt hệ thống thiết bị ngoại vi ITS; kết nối nguồn dữ liệu; thẻ vé liên thông.
Giai đoạn 2 từ năm 2027-2030 sẽ triển khai thu phí nội đô. Cùng đó, xây dựng trung tâm điều hành giao thông thông minh; đổi mới phương thức quản lý; phát triển các ứng dụng ITS cơ bản; đầu tư lắp đặt hệ thống thiết bị ngoại vi ITS.
Giai đoạn 3 đến năm 2045 sẽ triển khai thu phí nội đô giai đoạn 2, đồng thời vận hành, khai thác hiệu quả ITS thành phố; hoàn thiện cơ sở hạ tầng ITS và tăng cường các ứng dụng khai thác dữ liệu giao thông số.
Góp ý đề án, đại diện World Bank cho rằng, giai đoạn 1 là quan trọng nhất cho dự án và cần phải mua sắm nhiều trang thiết bị. Sau khi được phê duyệt thì sẽ cần nghiên cứu kỹ tính khả thi, thi công, xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật, hồ sơ mời thầu, khi xây dựng sẽ cần thiết kế các nút thi công.
Phát biểu tại tọa đàm, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Phi Thường cho biết, TP Hà Nội rất quan tâm dành nguồn lực nâng cao hạ tầng, nhưng tốc độ phát triển hạ tầng chưa theo kịp tốc độ phát triển phương tiện.
Qua nghiên cứu, thiệt hại do ùn tắc giao thông đối với Hà Nội dao động từ 1-1,2 tỉ USD/năm. Đó còn chưa kể đến tình trạng ùn tắc giao thông còn gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người dân…
Thu Trang (T/h)