Bài liên quan |
Đề xuất cho phép ngân hàng thu giữ tài sản đảm bảo của khoản nợ xấu |
Nhiều “ông lớn” muốn bán trái phiếu không cần tài sản đảm bảo |
Trong bối cảnh đó, Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) đã đề xuất luật hóa ba chính sách cụ thể, nhằm tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho hoạt động thu giữ tài sản bảo đảm trong xử lý nợ xấu, đồng thời đảm bảo sự minh bạch và công bằng giữa các bên.
Thứ nhất, dự thảo luật quy định rõ: Tổ chức tín dụng, tổ chức mua bán và xử lý nợ được quyền thu giữ tài sản bảo đảm chỉ khi hợp đồng bảo đảm có thỏa thuận trước, nêu rõ bên bảo đảm đồng ý để bên nhận bảo đảm thu giữ tài sản trong trường hợp phát sinh nghĩa vụ xử lý. Đây là nguyên tắc cốt lõi, khẳng định quyền thu giữ không thể áp đặt một cách đơn phương, mà phải dựa trên cơ sở thỏa thuận dân sự, có sự đồng thuận của các bên liên quan.
![]() |
Đề xuất luật hóa 3 chính sách về thu giữ tài sản đảm bảo cho nợ xấu |
Thứ hai, việc thu giữ tài sản bảo đảm phải tuân thủ nghiêm ngặt về phạm vi, giới hạn và điều kiện được quy định trong luật. Trình tự thực hiện cần đảm bảo tính công khai, minh bạch và công bằng, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bên có nghĩa vụ, cũng như tạo sự tin tưởng trong quan hệ tín dụng giữa người vay và tổ chức cho vay. Việc thu giữ vì vậy không còn là công cụ hành chính cưỡng chế đơn thuần, mà trở thành một quá trình pháp lý có trách nhiệm, đặt trong khuôn khổ luật định.
Thứ ba, các tổ chức tín dụng không được sử dụng các biện pháp vi phạm pháp luật hoặc trái với đạo đức xã hội trong quá trình thu giữ tài sản. Đồng thời, hoạt động ủy quyền thu giữ tài sản bị giới hạn: chỉ được phép ủy quyền cho công ty quản lý nợ và khai thác tài sản thuộc tổ chức tín dụng. Đối với các trường hợp tổ chức tín dụng bị chuyển giao bắt buộc, quyền này chỉ được chuyển cho tổ chức nhận chuyển giao hoặc công ty quản lý nợ của tổ chức đó. Các tổ chức có thẩm quyền thu giữ cũng bắt buộc phải ban hành quy định nội bộ, bao gồm quy trình cụ thể và điều kiện ủy quyền, nhằm tăng tính minh bạch và trách nhiệm giải trình.
Mặc dù đồng thuận với việc luật hóa quyền thu giữ tài sản bảo đảm, Ủy ban Kinh tế - Tài chính của Quốc hội đã nêu rõ một số băn khoăn trong báo cáo thẩm tra. Theo đó, cơ quan thẩm tra cho rằng cần cân nhắc kỹ lưỡng phạm vi áp dụng của ba chính sách nêu trên, nhằm tránh tình trạng tổ chức tín dụng lợi dụng quy định mới để nới lỏng điều kiện cho vay, buông lỏng công tác thẩm định tín dụng. Nếu không kiểm soát tốt, điều này có thể dẫn đến việc cấp tín dụng sai quy định, nhưng vẫn hợp pháp hóa việc thu giữ tài sản bảo đảm, gây tổn hại đến quyền lợi chính đáng của người vay và các bên liên quan khác.