Ngành công nghiệp ô tô tại Việt Nam đang ở trong giai đoạn chuyển giao quan trọng. Trên toàn thế giới, xu hướng điện khí hóa ngành ô tô đang ngày càng rõ rệt và Việt Nam không nằm ngoài xu thế này. Mặc dù tiềm năng tăng trưởng cho các dòng xe thân thiện với môi trường tại Việt Nam được củng cố bởi cam kết trong các thỏa thuận quốc tế về bảo vệ môi trường và phòng chống biến đổi khí hậu, song quá trình chuyển giao trong ngành ô tô vẫn đang gặp nhiều khó khăn, bao gồm sự suy giảm kinh tế sau đại dịch Covid-19, các căng thẳng địa chính trị, sự phát triển thiếu đồng bộ của cơ sở hạ tầng cũng như nguồn phát tải điện và sự cạnh tranh tiềm tàng từ các nhà sản xuất xe điện giá rẻ nước ngoài.
Ngày 8/6/2024, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 129/2024/QH15 về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024. Theo đó, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi đã được đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024) và thông qua tại kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025).
Với mục tiêu nhận diện, đánh giá tác động của dự thảo quy định sửa đổi về Thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phối hợp với Hội tư vấn thuế (VTCA) và Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô (VAMA) tổ chức Hội thảo “Dự thảo quy định sửa đổi về thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe ô tô: Tác động và kiến nghị”. Hội thảo cũng tạo diễn đàn thảo luận, nhận diện thực trạng, đề xuất mức thuế suất đối với ô tô tiết kiệm nhiên liệu và thân thiện với môi trường (cụ thể là xe ô tô chạy bằng xăng kết hợp năng lượng điện – xe hybrid), xe ô tô pick-up chở hàng cabin kép và lộ trình áp dụng phù hợp, khả thi với bối cảnh phát triển, thực trạng sản xuất và nhu cầu tiêu dùng.
Tại hội thảo, các diễn giả tham dự đều cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, thị trường ô tô đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, vì vậy các động thái điều chỉnh chính sách thuế phí đều có ý nghĩa rất quan trọng, tác động trực tiếp tới doanh nghiệp, người dân và sự ổn định của kinh tế xã hội hướng tới sự phát triển bền vững. Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt có nhiều tác động nghiêm trọng tới tình hình sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu ô tô trong nước. Trong những nỗ lực ứng phó biến đổi khí hậu, hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 tới năm 2050, việc triển khai đồng bộ, tổng thể các chính sách thuế, phí và ngành công nghiệp ô tô, bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính và giảm tiêu hao nhiên liệu nhằm thực hiện chuyển đổi xanh cần bảo đảm phát triển đồng đều, duy trì nguồn lực của doanh nghiệp và nguồn thu của đất nước.
Nhận thấy tầm quan trọng và ảnh hưởng của các đề xuất trên tới lộ trình phát triển của ngành ô tô trong giai đoạn chuyển giao, Công ty TNHH Thuế và Tư vấn KPMG (KPMG), phối hợp cùng Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam, đã thực hiện Báo cáo nghiên cứu này với mục tiêu đánh giá tác động của các đề xuất thay đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ngành công nghiệp ô tô, các mục tiêu của Chính phủ và người tiêu dùng tại Việt Nam. Báo cáo cũng tổng kết kinh nghiệm thực tiễn về chính sách của một số quốc gia trên thế giới, từ đó đề xuất hướng xây dựng chính sách hỗ trợ liên quan đến thuế, phí phù hợp với thực trạng và mục tiêu của ngành công nghiệp ô tô tại Việt Nam.
Trên cơ sở đó, sau khi nghiên cứu, đánh giá thực trạng và tác động, VAMA – KPMG đã đưa ra kiến nghị đóng góp vào dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi; cụ thể như sau:
Thứ nhất, kiến nghị ưu đãi cho xe điện Hybrid tự sạc (HEV) bằng 70% mức thuế suất áp dụng cho xe chạy bằng xăng, dầu cùng loại (hiện tại là 100%) và xe điện Hybrid sạc điện riêng (PHEV) bằng 50% mức thuế suất áp dụng cho xe chạy bằng xăng, dầu cùng loại (hiện tại là 70%).
Thứ hai, kiến nghị giữ nguyên mức thuế suất thuế Tiêu thụ đặc biệt như hiện nay đối với dòng xe pick-up chở hàng cabin kép (15%, 20% và 25% tùy dung tích xi lanh).
Liên quan đến 2 đề xuất này, chia sẻ với phóng viên bên lề hội thảo, ông Đào Công Quyết - Trưởng Tiểu ban Truyền thông Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam cho rằng: "Đối với dòng xe Hybrid, về cơ bản sẽ chia ra 2 loại, là HEV và xe PHEV. Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt hiện tại thì chưa có chính sách hỗ trợ cho xe HEV, nhưng đã có hỗ trợ cho dòng PHEV là bằng 70% của dòng xe động cơ đốt trong tương đương. Trong đợt dự thảo này, cùng với những cam kết của Chính phủ về vấn đề bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính, thì việc giảm phát thải từ các ô tô là một mục tiêu rất quan trọng bởi phần lớn phát thải từ phương tiện giao thông là từ ô tô. Việc chuyển đổi xe điện hóa là xu hướng chung trên thế giới, và đương nhiên Việt Nam cũng sẽ theo xu hướng chung đó. Như vậy, từ phía nhà sản xuất, chúng tôi đề nghị hỗ trợ thêm cho dòng xe điện hóa. Đối với xe HEV, chúng tôi đề nghị hỗ trợ thuế tiêu thụ đặc biệt bằng 70% của dòng xe tương đương. Còn đối với xe PHEV, thì chúng tôi đề nghị hỗ trợ là bằng 50% so với xe động cơ đốt trong tương đương. Theo đánh giá của tôi, cả 2 dòng xe này rất phù hợp cho quá trình chuyển đổi xe điện hóa tại Việt Nam. Không chỉ ở Việt Nam, mà tại các nước trên thế giới đều có ưu đãi riêng đối với 2 dòng xe này. Do vậy từ góc độ nhà sản xuất và từ góc độ kỹ thuật, VAMA đã đề nghị hỗ trợ thêm cho dòng HEV và PHEV. Nếu chúng ta thực sự nâng mức hỗ trợ cho 2 dòng xe này thì sẽ thúc đẩy việc đạt mục tiêu chung, trong đó, khách hàng có thể được mua với mức giá giảm, qua đó tăng cơ hội tiếp cận các xe công nghệ mới và đối với xã hội sẽ giúp giảm phát thải môi trường".
Sự kết hợp giữa động cơ xăng và động cơ điện hiện nay đã cho ra đời những chiếc xe ô tô vừa đảm bảo hiệu suất vận hành không thua kém xe xăng, vừa tiết kiệm nhiên liệu, giảm được lượng khí thải CO2.
Vì lẽ đó, gần đây, nhiều hãng ô tô tại Việt Nam đã mở rộng dải sản phẩm với các phiên bản xe lai (hybrid) bên cạnh các phiên bản xe động cơ đốt trong và xe điện. Nổi bật là hãng Toyota với loạt mẫu Corolla Cross 1.8 HV, Camry 2.5 HV, Corolla Altis 1.8 HEV, Yaris Cross HEV. Kế đến là Honda CR-V e:HEV RS; Kia Sorento HEV và PHEV; Hyundai Santa Fe HEV; Suzuki Ertiga MHEV; Nissan Kicks e-Power; Haval H6 HEV, Volvo XC90 recharged PHEV,...
Cùng là xe hybrid nhưng có nhiều tên gọi khác nhau như HEV hay PHEV. HEV là lựa chọn phổ biến nhất trên thị trường xe hybrid. Đây là loại xe hybrid tự sạc hoàn toàn, đơn giản nhưng rất hiệu quả với cơ chế động cơ đốt trong và động cơ điện hoạt động độc lập hoặc kết hợp với nhau tuỳ từng điều kiện vận hành.
Trong khi đó, xe PHEV về cơ bản là loại ô tô có thể hoạt động bằng động cơ xăng hoặc động cơ điện. Tuy nhiên pin của động cơ điện thường phải nạp đầy tại trạm sạc tương tự như xe điện hoặc cắm điện ở nhà.
Thông tin thêm về 2 dòng xe lai này, ông Nguyễn Ngọc Thái – Thành viên Điều hành, Bộ phận tư vấn Thuế của KPMG Việt Nam ở văn phòng Hà Nội chia sẻ: "Mức tiêu thụ nhiên liệu của 2 dòng xe đều khác nhau. So với dòng xe động cơ đốt trong, dòng xe HEV có mức tiêu thụ nhiên liệu giảm đi từ 30-40%. Trong khi đó, dòng xe PHEV, thì mức tiêu thụ nhiên liệu giảm tới 50%. Với những sự khác biệt, đây được coi là cơ sở để cả VAMA lẫn KMPG đưa ra kiến nghị trong đóng góp vào dự thảo Luật tiêu thụ đặc biệt sửa đổi".
Theo ông Thái, tác động của xe hybrid hiện trong Dự thảo Quy định sửa đổi về Thuế tiêu thụ đặc biệt đang đón nhận được sự quan tâm lớn không chỉ từ VAMA, KPMG mà còn của cả cộng đồng, bao gồm cả người tiêu dùng lẫn doanh nghiệp. Hiện nay, việc dự thảo Luật đưa ra ưu đãi cho xe PHEV bằng 70% xe chạy bằng động cơ đốt trong tương đương. Tuy nhiên, theo phân tích của KPMG và VAMA, so chiếu với quốc tế thì thực sự mức đề xuất như vậy là cao và không giúp nhiều cho việc chuyển đổi của người tiêu dùng từ xe chạy xăng sang xe điện.
Ông Thái đánh giá thêm, việc đưa thêm ưu đãi thuế cho dòng xe hybrid (bao gồm cả HEV và PHEV) tốt hơn thì sẽ khuyến khích việc chuyển đổi với tốc độ nhanh hơn. KPMG cũng đưa ra những tác động của việc đưa thêm ưu đãi thuế này đối với ngân sách nhà nước cũng như đối với môi trường. Chúng tôi thấy được rằng, việc giảm mức thuế suất xuống đương nhiên làm nguồn thu từ thuế giảm xuống, tuy nhiên nguồn thu giảm xuống đó sẽ được bù đắp hoàn toàn bởi các lợi ích khác liên quan đến giảm khí thải carbon, đồng thời giảm mức tiêu thụ nhiên liệu, qua đó giảm ngân sách nhà nước trong việc nhập khẩu dầu thô.
"Việc chúng ta vẫn giữ nguyên mức thuế đề xuất do Bộ Tài chính đưa ra sẽ tác động đến ngành ô tô Việt Nam. Nếu đưa ra mức thuế suất cao, sẽ làm cho người tiêu dùng e dè trong việc chuyển đổi từ dòng xe động cơ đốt trong sang dòng xe thân thiện môi trường. Ngoài ra cũng sẽ làm ảnh hưởng đến việc đầu tư của các hãng xe trong việc cải tiến kĩ thuật cũng như công nghệ mới, tạo ra một chuỗi doanh nghiệp phụ trợ liên quan đến việc sản xuất dòng xe đó cũng bị ảnh hưởng. Điều này đi ngược với xu thế của thế giới. Thế giới hiện nay đang muốn khuyến khích các dòng xe xanh, thân thiện môi trường nhưng hiện nay chính sách thuế của Việt Nam chưa thực sự phụ trợ cho xu hướng đó, chưa phụ trợ cho cam kết của Việt Nam về việc chuyển đổi sang năng lượng xanh. Về việc việc thay đổi được hành vi người tiêu dùng để chuyển sang dòng xe thuần điện, với những bất cấp liên quan đến trạm sạc, liên quan đến cơ sở hạ tầng thì sẽ khiến người dùng rất e dè. Lúc này, dòng xe hybrid chắc chắn sẽ là dòng xe kết nối cho quá trình chuyển đổi đó", ông Thái bày tỏ.
Cùng bàn về 2 kiến nghị chính của VAMA và KPMG, chia sẻ với phóng viên, bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam cho biết thêm: "Bên cạnh việc giảm thuế đối với 2 dòng xe HEV và PHEV, thì kiến nghị cũng đang đề cập đến dòng xe pick up chở hàng cabin kép. Hiện nay, xe pickup tại Việt Nam thường ở dung lượng nhỏ, khoảng từ 3 xi-lanh trở xuống và đang áp dụng mức thuế suất 15%, rồi 25%. Trong tương lai đang dự kiến mức thuế suất sẽ cao hơn. Tuy nhiên phía VAMA, các Hiệp hội và các doanh nghiệp cũng đang đề nghị nghiên cứu để giữ mức thuế suất hiện hành. Bởi thực tế chỉ ra rằng, xe pickup ảnh hưởng nhiều đến nghề sản xuất. Đối với Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, tỉ trọng sử dụng ít, chỉ khoảng 30%; nhưng đối với những hộ nông dân nhỏ lẻ ở những vùng miền núi xa xôi họ sử dụng loại xe này rất nhiều. Vì vậy, theo các nhà phân tích, khi mức thuế tăng lên sẽ làm ảnh hưởng đến nhà sản xuất, ảnh hưởng đến những người lao động liên quan tới nhà sản xuất và có thể gián tiếp ảnh hưởng tới những hộ kinh doanh sử dụng xe này vào mục đích kinh doanh nông sản, hoặc những hộ kinh doanh nhỏ lẻ. Chính sách thuế sẽ làm ảnh hưởng đến rất nhiều yếu tố, như: môi trường, ngân sách, nhà sản xuất, người tiêu dùng... Vì vậy, chúng tôi nghĩ rằng, nhiệm vụ của ban soạn thảo cùng các bên liên quan là cân nhắc để lựa chọn ra bản sửa đổi thuế sao cho đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên,đảm bảo nguồn thu ngân sách nhà nước, đảm bảo giảm thiểu ô nhiễm môi trường nhưng cũng không làm ảnh hưởng quá nhiều tới các hoạt động sản xuất kinh doanh do có sự thay đổi về thuế".
Theo bà Cúc, chính sách thuế rất quan trọng, có vai trò định hướng, điều tiết sản xuất kinh doanh, định hướng người tiêu dùng và cũng có tác động không nhỏ đến quyết định mua - bán của người tiêu dùng.
Tại hội thảo, các chuyên gia cho biết, trên thế giới, nhất là những nền kinh tế có đặc điểm tương đồng và trình độ phát triển như Việt Nam (Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Phillippines v.v.), thị trường và nhu cầu ô tô như Việt Nam đều có những chính sách ưu đãi cho xe thân thiện môi trường và xe pickup chở hàng cabin kép trong giai đoạn chuyển đổi xanh, tạo ra lợi thế cạnh tranh khác biệt. Thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt hiện nay tại Việt Nam đối với xe pickup chở hàng cabin kép còn tương đối cao so với các nước trong khu vực; và cũng chưa có nhiều ưu đãi với xe PHEV và HEV.
Các chuyên gia nhận định, trong bối cảnh khó khăn chung của toàn bộ thị trường của ngành ô tô hiện nay, kiến nghị của VAMA về việc duy trì mức thuế suất thiêu thụ đặc biệt đối với xe pickup chở hàng cabin kép và thêm ưu đãi cho xe hybrid có ý nghĩa quan trọng góp phần duy trì và phát triển ngành công nghiệp ô tô tại Việt Nam, việc làm và an sinh cho người lao động.
Bảo Bảo