Việc bãi bỏ được cho là cần thiết nhằm đảm bảo sự phù hợp với hệ thống pháp luật hiện hành và tránh chồng chéo quy định.
![]() |
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý đối với dự thảo Thông tư bãi bỏ Thông tư liên tịch số 72/2011/TTLT-BTC-BGTVT, hướng dẫn cơ chế quản lý tài chính trong đào tạo lái xe cơ giới đường bộ. |
Theo Bộ Tài chính, Thông tư liên tịch số 72/2011 được ban hành trên cơ sở các văn bản pháp lý nay đã hết hiệu lực, đồng thời nội dung của Thông tư này đã được thay thế bằng các quy định có hiệu lực pháp lý cao hơn hoặc văn bản hướng dẫn chuyên ngành.
Cụ thể, ngày 18/12/2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 160/2024/NĐ-CP, quy định rõ cơ sở đào tạo lái xe là doanh nghiệp, hợp tác xã hoặc cơ sở giáo dục. Theo đó, cơ chế tài chính của các đơn vị này được thực hiện theo pháp luật về doanh nghiệp, hợp tác xã hoặc giáo dục, giáo dục nghề nghiệp.
Bên cạnh đó, các quy định về học phí và chương trình đào tạo cũng đã được điều chỉnh, bổ sung tại các văn bản mới như: Luật Giá, quy định việc định giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục – đào tạo; Nghị định 81/2021/NĐ-CP, quy định cơ chế thu, quản lý học phí và chính sách hỗ trợ chi phí học tập; Thông tư số 35/2024/TT-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải, quy định về đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe.
Ngoài ra, các quy định liên quan đến cơ chế quản lý tài chính đối với cơ sở đào tạo lái xe công lập và ngoài công lập hiện đã được quy định rõ tại Nghị định 60/2021/NĐ-CP về cơ chế tài chính đơn vị sự nghiệp công lập, cùng với các quy định pháp luật chuyên ngành tương ứng.
Từ thực tiễn trên, Bộ Tài chính khẳng định, việc bãi bỏ toàn bộ Thông tư liên tịch số 72/2011 là cần thiết và không gây khoảng trống pháp lý hay ảnh hưởng đến hoạt động đào tạo lái xe cơ giới đường bộ hiện nay.