Tỷ trọng thuế nhập khẩu giảm nhưng phần thu nội địa đang gia tăng hàng năm |
FTA thế hệ mới tạo áp lực lớn hơn
Tổng số Hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã tham gia và đang đàm phán là 20 Hiệp định, trong đó 12 hiệp định đang thực thi, 2 hiệp định có hiệu lực trong năm 2019, 2 hiệp định đã ký kết nhưng chưa có hiệu lực, 3 hiệp định đang đàm phán, Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đã kết thúc đàm phán lời văn của 20 Chương và kết thúc cơ bản các vấn đề mở cửa thị trường (trừ Ấn Độ).
Đến nay, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành 12 Nghị định về các Biểu thuế ưu đãi cho các đối tác trong 12 Hiệp định này cho giai đoạn 2018 - 2022/2023. Riêng CPTPP là giai đoạn 2019 – 2022, và Việt Nam - Lào giai đoạn từ 01/9/2016 đến 03/10/2020.
Ông Hà Duy Tùng - Phó vụ trưởng phụ trách Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tài chính cho biết, với các FTA thông thường, mức độ cắt giảm thuế nhập khẩu của Việt Nam chỉ từ 87-92%, còn đối với các FTA thế hệ mới như CPTPP hoặc EVFTA, mức độ cắt giảm thuế quan mạnh hơn, lên đến trên 98% số dòng thuế khi kết thúc lộ trình và tốc độ cắt giảm cũng nhanh hơn.
Hai FTA thế hệ mới dự kiến sẽ gây tác động giảm thu cho NSNN từ 2 hướng. Thứ nhất, các FTA này đặt ra yêu cầu tương đối cao, cao hơn các FTA khác về xóa bỏ thuế nhập khẩu có thể lên suýt soát 100%. Thứ hai, các FTA này yêu cầu xóa bỏ thuế xuất khẩu vì coi đây là hình thức trợ cấp gián tiếp cho sản xuất trong nước, do thuế xuất khẩu giúp sản xuất trong nước mua được nguyên liệu với giá rẻ hơn giá thị trường thế giới. Do đó, dự kiến cả 2 FTA kết hợp lại sẽ có tác động lớn hơn các FTA khác.
Chẳng hạn, với EVFTA, Việt Nam cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu ngay khi Hiệp định có hiệu lực (sau khi Quốc hội thông qua, dự kiến vào tháng 6/2020), với 48,5% số dòng thuế, tương đương 64,5% kim ngạch nhập khẩu từ EU. Sau 7 năm, Việt Nam phải xóa bỏ 91,8% số dòng thuế, tương đương trên 97% kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ EU. Sau 10 năm, Việt Nam phải xóa bỏ thuế quan đối với 98,3% số dòng thuế, tương đương 99,8% kim ngạch nhập khẩu từ EU…
Với CPTPP, tốc độ cắt giảm còn nhanh hơn, với 65,8% số dòng thuế có thuế suất 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực; 86,5% số dòng thuế có thuế suất 0% vào năm thứ 4 kể từ khi Hiệp định có hiệu lực; 97,8% số dòng thuế có thuế suất 0% vào năm thứ 11 kể từ khi hiệp định có hiệu lực.
Lộ trình hợp lý, nuôi dưỡng nguồn thu
Bộ Tài chính cho biết, trước mắt, việc cắt giảm thuế quan sẽ không ảnh hưởng quá lớn đến số thu NSNN, vì các FTA chỉ cam kết cắt giảm thuế nhập khẩu, trong khi hàng hóa nhập khẩu vẫn phải chịu thuế giá trị gia tăng; nhiều loại hàng hóa như thuốc lá, rượu bia, xe ô tô... còn phải chịu cả thuế tiêu thụ đặc biệt; có loại như xăng dầu còn phải chịu thêm cả thuế bảo vệ môi trường…
Hiện nay, EU là thị trường nhập khẩu lớn thứ 5 của Việt Nam. Xét ở một khía cạnh khác, việc cắt giảm thuế quan theo EVFTA còn có tác động tích cực tới thu ngân sách do kim ngạch nhập khẩu từ EU sẽ tăng lên, như vậy số thu từ các loại thuế khác cũng tăng theo và bù vào số giảm thu từ thuế nhập khẩu. Hơn nữa, hiện tại các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu từ EU có thuế suất cao, Việt Nam giảm thuế nhập khẩu theo lộ trình, nên tác động giảm thu từ thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng này trong những năm đầu thực hiện EVFTA sẽ không lớn.
Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh phân tích thêm, nếu xét kỹ có thể thấy hiện nay trong số các nước đang tham gia đàm phán CPTPP, Việt Nam đã có quan hệ FTA với 7 nước là Singapore, Malaysia, Nga, Chile, Nhật Bản, Úc và New Zealand. Thuế nhập khẩu giảm theo CPTPP với các nước này chỉ là bước bổ sung cho mức thuế nhập khẩu theo các FTA đã ký kết trước đó. Vì vậy, tác động tăng thêm với nguồn thu từ hàng nhập khẩu từ các nước này sẽ không lớn. Với các nước còn lại, tác động từ thuế xuất nhập khẩu cũng là không lớn.
Mặc dù vậy, ông Khánh cũng lưu ý rằng tổng thu từ thuế xuất nhập khẩu trên tổng thu NSNN vẫn còn khá lớn, nên trong đàm phán các FTA vẫn cần lưu ý về mức độ giảm thu ngân sách để đưa ra lộ trình giảm thuế hợp lý, kiểm soát được tốc độ giảm thu. Đồng thời, cần áp dụng chính sách thuế có tác động cùng chiều với tăng trưởng xuất khẩu trong phát triển công nghiệp hỗ trợ. Như vậy mới có thể tái cơ cấu và nuôi dưỡng nguồn thu trong giai đoạn tiếp theo.
Tổng cục Hải quan cũng phân tích, dù tỷ trọng thuế nhập khẩu giảm nhưng phần thu nội địa có gia tăng hàng năm nhờ thực hiện các biện pháp điều hành chính sách phù hợp. Thu nội địa chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong tổng thu NSNN. Cụ thể, giai đoạn 2001-2010 bình quân đạt 55,2%, giai đoạn 2016-2018 bình quân đạt 74,8% (trong đó năm 2018 là 80,6%, dự kiến đến năm 2020 đạt khoảng 84%).
Mặc dù xu hướng giảm thu NSNN do tác động từ việc thực hiện cam kết cắt giảm thuế nhập khẩu của Việt Nam trong các FTA là không tránh khỏi nhưng với các biện pháp điều hành chính sách liên quan đến thuế nội địa một cách hợp lý và hoạt động xuất nhập khẩu tăng trưởng tốt, nguồn thu ngân sách nhà nước vẫn phát triển. So với năm 2017, thu NSNN từ hoạt động xuất nhập khẩu năm 2018 đạt 314.400 tỷ đồng, tăng 5,82%. Dự kiến năm 2019 số thu đạt 335.000 tỷ đồng, tăng 6,57%.
Bên cạnh đó, việc sửa đổi các luật để tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất kinh doanh và cải thiện môi trường đầu tư, cũng như cải cách, hiện đại hóa cơ quan thuế, cơ quan hải quan, tạo điều kiện cho DN hoạt động, giảm số giờ làm thủ tục hành chính, tiết kiệm chi phí. Đồng thời, cơ quan hải quan kiểm soát chặt chẽ điều kiện để hàng hóa nhập khẩu được hưởng thuế ưu đãi đặc biệt trong các FTA… cũng là những giải pháp nhằm hạn chế tác động của việc cắt giảm thuế xuất khẩu, nhập khẩu trong thực thi cam kết của Việt Nam tại các FTA.
Khanh Đoàn