“Tiền mà ngân sách nhà nước dành để đầu tư cho dự án này nên chuyển cho Ngân hàng Đầu tư phát triển cho các nhà đầu tư vay để họ có nguồn vốn để thực hiện phương án đầu tư PPP. Nhà đầu tư tự đầu tư, tự vận hành, tự thu phí sẽ hiệu quả hơn nhiều lần so với Nhà nước đầu tư xong cho người khác vận hành vào thu phí trở lại”, Đại biểu Hoàng Văn Cường phát biểu.

Về công tác giải phóng mặt bằng, Đại biểu Trần Đình Gia – Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh cho rằng, tái định cư là yếu tố hết sức quan trọng để đảm bảo tiến độ dự án, gần như các dự án hiện nay chậm nguyên nhân chính vẫn là do giải phóng mặt bằng. Do đó, cần hết sức quan tâm đến việc giải phóng mặt bằng của dự án này. Đồng thời, đồng tình cao với phương án là bàn giao cho các tỉnh thực hiện dự án giải phóng mặt bằng tách ra thành một dự án độc lập.

“Cần phải bố trí ngân sách trung ương đảm bảo để thực hiện dự án giải phóng mặt bằng; cần có cơ chế đặc thù trong các dự án giải phóng mặt bằng như là các công trình tái định cư”, Đại biểu Trần Đình Gia nói.

Tuy nhiên, Đại biểu cũng lưu ý rằng, trên tuyến đường này có nhiều công trình thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng… nếu chỉ giao cho các tỉnh thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng mà các bộ, ngành trung ương không vào cuộc thì rất khó khăn.

“Chính phủ phải quyết liệt chỉ đạo sự vào cuộc của các địa phương, các bộ, ngành trung ương mới có thể đáp ứng được tiến độ giải phóng mặt bằng”, Đại biểu Trần Đình Gia kiến nghị.

Kết luận nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, trên cơ sở ý kiến thảo luận tại Tổ và Hội trường của các đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra và các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu, hoàn chỉnh Nghị quyết về chủ trương đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 trình Quốc hội xem xét, thông qua./.