Đắk Lắk quyết tâm ngăn chặn hiệu quả dịch bệnh Covid- 19

19:37 25/07/2021

Tính từ 24/4 đến 6h sáng 25/7, tỉnh Đắk Lắk đã phát hiện 95 người ở 13/15 huyện, thành phố, thị xã dương tính với Covid-19, nhiều nhất là huyện Cư Kuin 35 ca, thành phố Buôn Ma Thuột 18 ca, huyện Ea H’Leo 11 ca, huyện Ea Súp 8 ca… Ngay sau khi phát hiện các ca bệnh, tỉnh đã khẩn trương đưa các ca bệnh vào khu cách ly, điều trị, đồng thời tiến hành truy vết những người có liên quan để có biện pháp ngăn chặn sự lây lan của dịch.

Hiện tại, tỉnh đã có 4 người được điều trị khỏi bệnh và về nhà; 91 người đang điều trị; 8 người đang phải cách ly tại cơ sở y tế; 328 người đang phải cách ly tập trung; 24.181 người đang phải cách ly tại nhà hoặc nơi cư trú; 10 người đang phải cách ly tại nơi cách ly dành cho người có công.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đình Trung tặng qùa động viên các lực lượng chức năng đang làm nhiệm vụ tại Chốt kiểm soát dịch COVID-19 trên Quốc lộ 14 thuộc xã Hòa Phú, TP. Buôn Ma Thuột vào sáng 17-7. 

Trong thời gian qua, số người từ các tỉnh (nhất là thành phố Hồ Chí Minh) trở về Đắk Lắk khá đông, bình quân mỗi ngày khoảng 1.000 người, có ngày 3.000 - 4.000 người. UBND tỉnh đã phải ban hành văn bản về việc tạm dừng hoạt động vận tải hành khách đi/đến các địa phương có ca nhiễm trong cộng đồng để phòng chống dịch từ ngày 30/5. Cụ thể, các xe chạy theo tuyến cố định, hợp đồng, xe taxi, xe du lịch từ Đắk Lắk đi 30 tỉnh, thành phố (theo cập nhật đến ngày 19-7-2021) và ngược lại, gồm: Bến Tre, Bình Định, Bình Phước, Cà Mau, Cần Thơ, Đồng Tháp, Hậu Giang, Hòa Bình, Hưng Yên, Khánh Hòa, Lào Cai, Phú Yên, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bắc Giang, Bắc Ninh, Đồng Nai, Thái Nguyên, Sóc Trăng, Trà Vinh, Lâm Đồng, Hải Dương, Gia Lai, Kon Tum, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hải Phòng, Ninh Thuận, Hà Nội, Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh phải dừng hoạt động cho đến khi có thông báo mới.

Do số ca bệnh Covid-19 trên địa bàn ngày một tăng, nên từ 0h ngày 21/7, toàn tỉnh Đắk Lắk đã thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15/CT-TTg ngày 27-3-2020 của Thủ tướng Chính phủ đến hết ngày 03/8/2021. Cũng từ 00h00 ngày 21/7/2021 đến hết ngày 03/8/2021, tỉnh Đắk Lắk sẽ tiếp tục kiểm soát chặt chẽ người từ các địa phương đang thực hiện phong tỏa, giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về hoặc đến tỉnh Đắk Lắk (cập nhật hàng ngày theo thông báo của Bộ Y tế và UBND các địa phương) phải đến ngay trạm y tế gần nhất để được hướng dẫn thực hiện khai báo y tế bắt buộc; phải thực hiện cách ly y tế tại nhà trong thời gian 14 ngày kể từ ngày về địa phương, tiếp tục tự theo dõi sức khỏe trong thời gian 14 ngày tiếp theo. Đồng thời phải thực hiện xét nghiệm 03 lần vào ngày đầu, ngày thứ 7 và ngày thứ 13 trong thời gian cách ly y tế tại nhà. Trong thời gian tự theo dõi sức khỏe, yêu cầu hạn chế tiếp xúc với những người xung quanh, không tham gia các hoạt động tạp trung đông người. Nếu có dấu hiêụ sốt, ho, khó thở hoặc có biểu hiện mất vị giác phải báo ngay cho cơ sở y tế nơi gần nhất để được hướng dẫn xứ lý kịp thời, đúng quy định.

 Một điểm phong toả dịch Covid -19 tại phường Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột.

Cũng nhằm phục vụ cho công tác phòng, chống dịch hiệu quả, từ ngày 22/7, tỉnh Đắk Lắk yêu cầu tất cả người dân trở về hoặc đến Đắk Lắk từ các địa phương khác phải có giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên trong vòng 72 giờ kể từ khi lấy mẫu; đến trạm y tế gần nhất để thực hiện khai báo y tế, được hướng dẫn áp dụng ngay các biện pháp cách ly y tế theo đúng quy định của tỉnh và ký cam kết thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch với chính quyền địa phương. Những hành vi vi phạm quy định về phòng, chống dịch COVID-19 sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, kể cả xử lý về mặt hình sự.

Từ 0h ngày 24/7, riêng thành phố Buôn Ma Thuột và huyện Cư Kuin của tỉnh Đắk Lắk đã phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ cho đến hết ngày 7/8/2021.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đắk Lắk đã chỉ đạo quyết liệt các cấp ủy Đảng, chính quyền, các đơn vị, sở, ngành… trong tỉnh tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch, khống chế hiệu quả sự lây lan của dịch. Các ông Nguyễn Đình Trung - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Phạm Ngọc Nghị - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; bà H Jim KDoh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh… đã trực tiếp chỉ đạo công tác phòng, chống dịch trên toàn địa bàn tỉnh; đi kiểm tra các chốt kiểm soát dịch và các địa phương, các bệnh viện trong tỉnh…qua đó đã kịp thời có những quan tâm, động viên các lực lượng tham gia phòng, chống dịch và có những chỉ đạo sát với tình hình thực tế.

Để phòng và chống dịch hiệu quả, lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk đã xác định phải đặc biệt quan tâm đến sức khỏe và đời sống của nhân dân. Tỉnh đã xây dựng Phương án bảo đảm hoạt động sản xuất, kinh doanh và cung ứng hàng hóa thiết yếu ứng phó dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh. Mục tiêu đặt ra là bảo đảm cung ứng kịp thời các mặt hàng thiết yếu, nhu yếu phẩm phục vụ đời sống nhân dân khi xảy ra dịch COVID-19 trên địa bàn.

 Ông Huỳnh Văn Dũng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Bia Sài Gòn - Miền Trung trao 100 triệu đồng của công ty ủng hộ Quỹ vaccine phòng Covid-19 cho đại diện UBMTTQ Việt Nam tỉnh Đắk Lắk.

Song song với đó, phát huy vai trò của doanh nghiệp trong việc tổ chức tốt hoạt động sản xuất, kinh doanh xuyên suốt, liên tục; có kế hoạch điều tiết, luân chuyển hàng hóa kịp thời tại các điểm bán để phục vụ nhân dân; không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, tăng giá tại các điểm bán hàng cả trong và ngoài khu vực cách ly do dịch, bệnh.

Đồng thời, xây dựng các phương án lưu thông hàng hóa thuận lợi, bảo đảm cung ứng hàng hóa thiết yếu đến các địa phương bị cách ly, giãn cách xã hội trong mọi tình huống; hỗ trợ lưu thông, tiêu thụ hàng hóa sản xuất trên địa bàn tỉnh; kịp thời ngăn chặn các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, găm hàng, đầu cơ tích trữ, nâng giá cao hơn so với giá thị trường.

Đến chiều ngày 24-7, ngành Y tế Đắk Lắk đã kích hoạt thêm 4 cơ sở điều trị COVID-19 tại Bệnh viện Đa khoa khu vực 333 (huyện Ea Kar), Trung tâm Y tế huyện Krông Búk, Trung tâm Y tế huyện Cư Kuin và Bệnh viện Đa khoa Cao Nguyên (bệnh viện tư nhân trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột)

Bác sĩ Nguyễn Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở Y tế Đắk Lắk cho biết: đến thời điểm này, ngành Y tế tỉnh đã chuẩn bị 6 cơ sở điều trị bệnh nhân COVID-19 với khoảng 2.000 giường bệnh. Ngành cũng đang ráo riết chuẩn bị nhân lực, vật lực để đưa Bệnh viện dã chiến điều trị COVID-19 (quy mô 1.000 giường bệnh tại Ký túc xá Trường Cao đẳng Sư phạm Đắk Lắk) đi vào hoạt động trong những ngày tới.

Hiện nay, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Đắk Lắk đã có kế hoạch hỗ trợ đưa công dân của tỉnh từ các vùng dịch có nguyện vọng về địa phương. Theo đó, công dân của tỉnh đang tạm trú ở vùng dịch của các tỉnh, thành phố trên địa bàn cả nước, không thuộc đối tượng F0, gặp khó khăn do thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg có nguyện vọng trở về địa phương sẽ được tỉnh hỗ trợ đưa về. Dự kiến, đợt đón công dân đầu tiên diễn ra trong khoảng thời gian từ ngày 25 đến ngày 30-7-2021 với khoảng 500 người. Sau khi công dân về tỉnh sẽ được đưa về khu cách tập trung cấp huyện hoặc các điểm cách ly có thu phí để thực hiện cách ly tập trung 14 ngày.

Theo ông Nay Phi La, Giám đốc Sở Y tế Đắk Lắk: Ước tính sẽ có khoảng 10.000 công nhân, học sinh về địa phương trong thời gian tới, đây là những yếu tố khiến dịch tại Đắk Lắk phức tạp. Để ngăn chặn dịch, địa phương đã lập chốt tại cửa ngõ, kích hoạt 100% các tổ phòng chống Covid-19 trong cộng đồng. Lực lượng này sẽ tổng hợp số lượng người về từ vùng dịch để thông báo cho ngành y tế kịp thời thực hiện xét nghiệm, sàng lọc.

Hiện tại, cả hệ thống chính trị của tỉnh Đắk Lắk đang dồn sức ứng phó với dịch, chủ động trong việc thực hiện “4 tại chỗ” trong phòng, chống dịch kể cả việc thực hiện cách ly tập trung, mua sắm dụng cụ xét nghiệm nhanh kháng nguyên, đảm bảo nhu yếu phẩm cho người dân đặc biệt là tại các khu vực bị cách ly, phong tỏa. Các lực lượng phòng chống dịch tại cơ sở, bố trí, sắp xếp nhân sự hợp lý, đảm bảo sức chiến đấu lâu dài khi dịch bệnh diễn biến phức tạp; tỉnh cũng đang khẩn trương thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp, địa phương và người dân cũng đã và đang tích cực ủng hộ kinh phí phòng, chống dịch; quyên góp tiền và hiện vật để giúp đỡ người nghèo, người có hoàn cảnh neo đơn, đồng thời trao tặng quà, động viên các lực lượng nơi tuyến đầu chống dịch….     

Nói về nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đình Trung nhấn mạnh: Đây là nhiệm vụ khó khăn, gian khổ và lâu dài. Do đó, Sở Y tế tỉnh phải rà soát, ưu tiên tiêm chủng cho lực lượng y tế, quân đội, công an, thanh niên tình nguyện đang làm nhiệm vụ tại các chốt kiểm soát dịch trên địa bàn tỉnh. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh cần nghiên cứu, đề xuất bố trí lều, trại dã chiến để đảm bảo sức khỏe cho các lực lượng làm nhiệm vụ tại chốt, nhất là trong điều kiện mưa, bão hiện nay. Yêu cầu Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Đắk Lắk, hệ thống chính trị các cấp tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, đồng thời có cách làm sáng tạo, sát thực tế để kiềm chế đại dịch./.

Nguyễn Hiếu