Logistics điện tử (e-logistics) là toàn bộ các hoạt động nhằm hỗ trợ việc di chuyển hàng hóa từ nơi cung ứng đến nơi tiêu dùng thông qua các giao dịch mua bán điện tử. Trong sự bùng nổ của cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay thì E-logistics không còn là khái niệm đối với người dân và doanh nghiệp. Điểm khác biệt lớn nhất của E-logistics so với logistics truyền thống là việc thực hiện logistics đầu vào (procurement) và logistics đầu ra (fulfillment) đều được xử lý bằng công nghệ thông tin, các quy trình được tự động hóa để đáp ứng số lượng đơn hàng lớn lên đến hàng triệu đơn mỗi ngày, hàng trăm nghìn chủng loại hàng hóa với tiến độ giao hàng nhanh chỉ trong 1-2 giờ và có độ chính xác cao.
Sự sôi động của thị trường E-logistics là kết quả của việc các doanh nghiệp logistics áp dụng công nghệ thông tin vào hoạt động và coi đây là yếu tố vô cùng quan trọng quyết định năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các công ty công nghệ đang có các chuyển biến tích cực nhằm vào hệ thống dịch vụ logistics trong nước, cả với tư cách nhà cung cấp giải pháp công nghệ hoặc thậm chí là nhà cung cấp dịch vụ.
Hiện thị trường logistics Việt Nam ứng dụng công nghệ vào bốn mảng chính. Thứ nhất là các ứng dụng công nghệ thông tin trong vận tải đường bộ với mục đích tối ưu hóa năng lực phương tiện, hoạch định và kiểm soát tuyến đường, lịch trình, thời gian, nâng cao tỷ lệ đầy xe hàng. Đây cũng chính là một hình thái của kinh tế chia sẻ và sự nổi lên mạnh mẽ của các công ty như Grab, Be, Gojek32 đã thể hiện rõ dấu hiệu của làn sóng mới này. Thứ hai là các giải pháp tự động hóa kho hàng thương mại điện tử, giao hàng chặng cuối và chuyển phát nhanh. Các ứng dụng của Lazada là một ví dụ cụ thể của xu hướng này và đang tiếp tục thu hút sự chú ý và tham gia của nhiều công ty lớn trong nước. Thứ ba, một số công ty ra mắt những hệ thống điều hành kết hợp tự động hóa sản xuất với các nguyên tắc sản xuất tinh gọn, hoạt động rất hiệu quả. Điển hình như nhà máy sản xuất của Samsung đưa robot vào quá trình đưa linh kiện, bán thành phẩm, thành phẩm trong sản xuất và kiểm kê hàng bằng drone (một loại phương tiện bay không người lái). Thứ tư, một số nhà bán lẻ trong nước triển khai ứng dụng kết hợp giữa hệ thống thông tin - tự động hóa - trí tuệ nhân tạo trong quản lý chuỗi cung ứng từ khâu thu mua tới khâu phân phối và đến người tiêu dùng cuối cùng.
Trong ngành Logistics Việt Nam có hai mô hình trung tâm điển hình về ứng dụng công nghệ là: Trung tâm Logistics và cảng cạn quốc tế ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và kết nối công nghệ 4.0 và Trung tâm logistics phục vụ nông nghiệp.
Tuy nhiên nhiều chuyên gia cho rằng cuộc đua E-logistics là cuộc đua tốn kém hàng triệu USD rủi ro cho cả doanh nghiệp lớn.
Cuộc đua đầu tư e-logistics đang thể hiện rõ ở 2 yếu tố: diện tích kho xử lý, chia chọn hàng hóa và mạng lưới bưu cục.
"Nếu mình muốn đầu tư phát triển dài hạn thì thực sự đồng lời trong những năm đầu hầu như không có. Đối với chúng tôi, đã quyết định đầu tư vào Việt Nam thì sẽ "chơi tới cùng". Mình vẫn sẽ có cách để giảm thiểu các chi phí đó, bằng cách áp dụng công nghệ để có thể giảm thiểu tối đa những khâu không cần thiết", Giám đốc Thương hiệu J&T Express Việt Nam Phan Bình chia sẻ.
"Cái chính là chất lượng của hàng hóa trên thị trường phải khá hơn. Để lòng tin giữa người mua và người bán tốt hơn. Người mua thanh toán trước, nhân viên mang hàng tới để nhà là xong, quy trình mới đủ tinh gọn thì khi đó chi phí vận hành mới thấp", Giám đốc Vận hành Công ty Dịch vụ Giao Hàng Nhanh Nguyễn Hà Anh cho biết.
"Theo quy hoạch của Nhà nước, đã bắt đầu tập trung vào việc quy hoạch hạ tầng dùng chung, quy hoạch đường trục, quy hoạch các điểm trung tâm khai thác, để tạo ra được chi phí tối ưu nhất có thể hỗ trợ cho lĩnh vực e-logistics. Chúng tôi tin tưởng đến giai đoạn tiếp theo, chúng ta có thể giảm chi phí xuống mức 15 - 18% GDP", Giám đốc Chiến lược Viettel Post Cao Cẩm Linh cho hay.
Nếu thương mại điện tử là ngành công nghiệp tương lai, thì e-logistics (ngành kho vận, hậu cần thương mại điện tử) không khác gì "xương sống" cho ngành công nghiệp này. Khi cuộc đua đổ tiền đầu tư ngày càng gay gắt, khốc liệt, ngoài nỗ lực tự thân của doanh nghiệp, việc có những chính sách phù hợp để hỗ trợ doanh nghiệp nội giữ được thị phần là rất cần thiết. Bởi bối cảnh đại dịch đã chứng minh chỉ khi làm chủ được "xương sống" này mới tránh gãy đỗ chuỗi cung ứng.
Báo cáo "Chỉ số logistics thị trường mới nổi 2021" của Agility xếp hạng Việt Nam ở top 8 thị trường logistic tăng trưởng cao nhất toàn cầu. Với sức hấp dẫn này chắc chắn rằng cuộc đua E-logistics tại thị trường Việt Nam sẽ ngày càng sôi nổi, gay gắt và khốc liệt với sự góp mặt của nhiều doanh nghiệp năng động không chỉ trong nước mà còn là các doanh nghiệp nước ngoài. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp nước ta hoạt động trong lĩnh vực E-logistics cần có nhiều đột phá và đẩy mạnh hơn nữa việc ứng dụng công nghệ hiện đại, nâng cao năng lực quản trị, chất lượng nguồn nhân lực; tăng cường hợp tác, kết nối trong nước, khu vực và toàn cầu để nâng cao sức cạnh tranh, nâng cao chất lượng dịch vụ và giảm giá, phí các dịch vụ. Đồng thời Nhà nước cũng cần có các chính sách hỗ trợ giúp các doanh nghiệp E-Logistics trong nước có đủ sức cạnh tranh với các tập đoàn lớn của nước ngoài.
Thanh Hà