Siết quản lý thực phẩm chức năng trên sàn thương mại điện tử
Sáng 27/5, Cục An toàn thực phẩm (ATTP) – Bộ Y tế đã phát đi công văn gửi Công ty TNHH Shopee và Công ty TNHH Thương mại điện tử Lazada Việt Nam, yêu cầu hai sàn thương mại điện tử này khẩn trương tăng cường công tác kiểm soát, quản lý hoạt động kinh doanh thực phẩm chức năng trên nền tảng trực tuyến.
Theo Cục ATTP, qua quá trình hậu kiểm về việc đăng ký bản công bố và tự công bố sản phẩm, cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều sản phẩm thực phẩm chức năng được bày bán công khai trên các nền tảng thương mại điện tử lớn như Shopee và Lazada nhưng không có hồ sơ pháp lý hợp lệ. Cụ thể, các sản phẩm này chưa được cấp Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm theo quy định tại Nghị định 15/2018/NĐ-CP.
![]() |
Cục An toàn thực phẩm: Shopee và Lazada phải gỡ 5 sản phẩm thực phẩm chức năng vi phạm |
Danh sách 5 sản phẩm vi phạm bị yêu cầu gỡ bỏ
Cục An toàn thực phẩm đã chỉ đích danh 5 sản phẩm thực phẩm chức năng đang bị kinh doanh trái quy định:
Omega 3-6-9 1600mg: Quảng cáo là sản phẩm bảo vệ tim mạch, tăng cường trí nhớ, hỗ trợ miễn dịch, thị lực, giảm đau xương khớp, làm đẹp da và ngừa lão hóa.
Natto Kinase 4000fu: Được giới thiệu là viên uống hỗ trợ phòng ngừa đột quỵ.
Estroven – Complete Multi – Symptom: Sản phẩm hỗ trợ cân bằng nội tiết tố nữ.
Kirkland Glucosamine 1500mg & Chondroitin 1200mg: Quảng cáo có tác dụng làm chậm thoái hóa khớp, hỗ trợ xương khớp.
Glucosamine 1500mg with MSM 1500mg: Được quảng bá là tăng độ bền, độ đàn hồi sụn khớp, cải thiện vận động, giảm đau nhức xương khớp.
Các sản phẩm trên đều đang được rao bán và quảng cáo công khai trên Shopee và Lazada mà không có hồ sơ công bố hợp pháp – vi phạm nghiêm trọng các quy định về kinh doanh thực phẩm chức năng.
Cục ATTP yêu cầu hai sàn thương mại điện tử phải khẩn trương:
Rà soát toàn bộ các sản phẩm thực phẩm chức năng đang được rao bán;
Chỉ cho phép kinh doanh những sản phẩm đã được cấp Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm hoặc đã được công bố hợp lệ trên hệ thống dữ liệu cập nhật của cơ quan chức năng;
Ngừng ngay việc kinh doanh và gỡ bỏ khỏi nền tảng 5 sản phẩm nêu trên;
Báo cáo kết quả thực hiện bằng văn bản gửi về Cục An toàn thực phẩm trước ngày 30/5/2025.
Động thái này được đánh giá là bước đi quyết liệt của cơ quan quản lý nhằm siết chặt hoạt động kinh doanh thực phẩm chức năng trên không gian mạng, trong bối cảnh nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm hỗ trợ sức khỏe tăng cao, nhưng công tác kiểm soát chất lượng, nguồn gốc và tính pháp lý của sản phẩm vẫn còn nhiều lỗ hổng.
Ông Chu Quốc Thịnh – Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm nhấn mạnh: “Việc kinh doanh thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc, chưa công bố theo quy định không chỉ vi phạm pháp luật mà còn tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng. Các sàn thương mại điện tử cần nâng cao trách nhiệm, chủ động phối hợp với cơ quan quản lý để bảo vệ quyền lợi và sức khỏe người tiêu dùng”.
Song song với đó, Cục ATTP cũng khuyến cáo người tiêu dùng cần tỉnh táo, chủ động tìm hiểu kỹ thông tin sản phẩm trước khi mua, chỉ nên lựa chọn các thực phẩm chức năng đã được công bố hợp pháp, có nguồn gốc rõ ràng và được niêm yết công khai trên hệ thống thông tin của Bộ Y tế.