COP28: Việt Nam hướng đến nền kinh tế xanh

15:59 04/12/2023

Việt Nam khẳng định những nỗ lực trong ứng phó biến đổi khí hậu tại COP28. Một lần nữa cho thế giới thấy sự quyết tâm và nỗ lực mạnh mẽ của Việt Nam trong việc đồng hành cùng thế giới chống biến đổi khí hậu, góp phần phát triển xanh và bền vững.

Một trong các hoạt động ngoại giao quan trọng cuối năm 2023 là việc Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham gia Hội nghị Các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp quốc (LHQ) về Biến đổi khí hậu (BĐKH) lần thứ 28 (COP28), khai mạc ngày 30/11 tại Dubai - Các tiểu vương quốc Ả-Rập thống nhất (UAE) và thăm Thổ Nhĩ Kỳ. Các hoạt động của đoàn Việt Nam tại COP28 cho thấy trách nhiệm, nỗ lực và cam kết của chúng ta với thách thức toàn cầu trong chống BĐKH.

Tổng thống UAE Mohamed bin Zayed Al Nahyan và Tổng Thư ký LHQ António Guterres đón Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị Thượng đỉnh hành động khí hậu thế giới trong khuôn khổ Hội nghị các bên tham gia Công ước khung về biến đổi khí hậu lần thứ 28 (COP28) - Ảnh: TTXVN
Tổng thống UAE Mohamed bin Zayed Al Nahyan và Tổng Thư ký LHQ António Guterres đón Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị Thượng đỉnh hành động khí hậu thế giới trong khuôn khổ Hội nghị các bên tham gia Công ước khung về biến đổi khí hậu lần thứ 28 (COP28) - Ảnh: TTXVN.

Việt Nam nỗ lực đồng hành cùng thế giới chống biến đổi khí hậu

COP28 được đánh giá là hội nghị lớn nhất trong lịch sử, với sự tham dự của gần 140 nguyên thủ, người đứng đầu Chính phủ và khoảng 90.000 đại biểu. COP28 sẽ thúc đẩy kết quả đánh giá nỗ lực toàn cầu lần đầu tiên theo quy định của Thỏa thuận Paris về BĐKH.

Sự tham gia và đóng góp của Đoàn Việt Nam cho thấy trách nhiệm và cam kết của Việt Nam trong tham gia xử lý một trong những thách thức toàn cầu lớn nhất hiện nay là BĐKH. Tại Hội nghị, Việt Nam cũng đã tham gia một số sáng kiến hợp tác đa phương mới nhằm mở ra một số cơ hội hợp tác mới về chuyển đổi năng lượng và tăng trưởng xanh.

Năm 2021, tại Hội nghị lần thứ 26, Các bên tham gia Công ước khung của LHQ về BĐKH (COP 26) diễn ra tại TP Glasgow (Anh), Việt Nam đã tuyên bố đạt NetZero vào năm 2050, thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của Việt Nam trong việc đẩy mạnh giảm phát thải khí nhà kính góp phần giải quyết khủng hoảng khí hậu, đạt mục tiêu của Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.

Ngay sau COP26, Chính phủ Việt Nam đã quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành khẩn trương nghiên cứu, xây dựng Chương trình, Kế hoạch triển khai thực hiện các cam kết của Việt Nam. Bộ Tài nguyên - Môi trường (TM-MT) đã trình Chính phủ ban hành Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị COP26; Chiến lược quốc gia về BĐKH giai đoạn đến năm 2050; Kế hoạch hành động quốc gia về Tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030; Kế hoạch hành động giảm phát thải khí mê-tan đến năm 2030; Kế hoạch hành động của các ngành thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26…, cùng hàng loạt các nghị định liên quan được ban hành.

Năm 2022, dấu ấn quan trọng nhất của Việt Nam trong hành trình chống BĐKH là việc đàm phán và thông qua Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) cùng với Nhóm các đối tác quốc tế (IPG), bao gồm: Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản, Vương quốc Anh, Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu, Đan Mạch và Na Uy. Thông qua JETP, các đối tác quốc tế sẽ giúp Việt Nam thực hiện mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Tại COP27 diễn ra tại Ai Cập vào tháng 11/2022, Việt Nam một lần nữa tái khẳng định cam kết đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050 và thể hiện rõ nỗ lực của Việt Nam trong cuộc chiến chống BĐKH. Tại đây, Việt Nam đã nộp Báo cáo Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) cập nhật lần thứ 2, trong đó phản ánh các hành động cụ thể cần thực hiện từ nay tới năm 2030 phù hợp với lộ trình đạt phát thải ròng bằng 0 và cam kết giảm 30% phát thải khí mê-tan. NDC cập nhật lần 2 của Việt Nam đã tăng nỗ lực đáng kể so với NDC nộp năm 2020. Đồng thời, Việt Nam khẳng định, chuyển đổi năng lượng là yếu tố then chốt để Việt Nam đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ Việt Nam thực hiện thành công quá trình chuyển đổi năng lượng, đảm bảo giá thành hợp lý cho tất cả mọi người có thể tiếp cận.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm G77 về Biến đổi khí hậu nhân dịp Hội nghị COP28 - Ảnh: TTXVN
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm G77 về Biến đổi khí hậu nhân dịp Hội nghị COP28 - Ảnh: TTXVN.

Đến COP28, Việt Nam sẽ một lần nữa cho thế giới thấy sự quyết tâm và nỗ lực mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, người dân trong việc thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26 và đồng hành cùng thế giới chống BĐKH, góp phần phát triển xanh và bền vững đất nước.

Cam kết huy động nguồn lực ban đầu 15,5 tỷ USD

Trong khuôn khổ COP28, ngày 1-12, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ công bố kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện Tuyên bố JETP cùng với nhóm các đối tác quốc tế, gồm Liên minh châu Âu (EU), Vương quốc Anh và Bắc Ireland, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Đức, Pháp, Ý, Canada, Đan Mạch và Na Uy (IPG).

Theo đó, các đối tác cam kết huy động nguồn lực ban đầu 15,5 tỉ USD trong vòng 3-5 năm tới để giải quyết nhu cầu cấp bách, mang tính xúc tác cho chuyển đổi năng lượng công bằng của Việt Nam. Các khoản vốn này được IPG cam kết huy động với điều kiện vay vốn hấp dẫn, hỗ trợ tư nhân thông qua các khoản đầu tư. Với khoản tài trợ này, các đối tác quốc tế giúp Việt Nam hoàn thiện chính sách, chuyển giao công nghệ, hỗ trợ tài chính cho chuyển đổi năng lượng công bằng; thu hút đầu tư phát triển năng lượng tái tạo...

Các đối tác cam kết huy động nguồn lực ban đầu 15,5 tỷ USD trong vòng 3 đến 5 năm tới để giải quyết nhu cầu cấp bách, mang tính xúc tác cho chuyển đổi năng lượng công bằng của Việt Nam - Ảnh: TTXVN
Các đối tác cam kết huy động nguồn lực ban đầu 15,5 tỷ USD trong vòng 3 đến 5 năm tới để giải quyết nhu cầu cấp bách, mang tính xúc tác cho chuyển đổi năng lượng công bằng của Việt Nam - Ảnh: TTXVN.

World Bank (WB) cũng dự kiến dành khoản vay 5-7 tỷ USD cho Việt Nam trong 3 năm tới cho một số dự án thế hệ mới tiềm năng như thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo Việt Nam (REACH), dự án trồng 1 triệu ha lúa năng suất cao, phát thải thấp, dự án đường sắt cao tốc Hà Nội - Hoà Lạc, đầu tư cơ sở hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)…

Lãnh đạo cấp cao các nước thành viên IPG đánh giá cao việc Việt Nam ban hành kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện JETP, khẳng định sẵn sàng tiếp tục hỗ trợ Việt Nam về tài chính, kỹ thuật và nâng cao năng lực quản trị, đặc biệt nhấn mạnh kế hoạch do Việt Nam xây dựng và làm chủ, phù hợp với yêu cầu và hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam.

Phát biểu tại lễ công bố, Thủ tướng đề nghị các đối tác quốc tế ưu tiên hợp tác với Việt Nam trên 5 lĩnh vực chuyển đổi, bao gồm phát triển hệ sinh thái công nghiệp và dịch vụ về năng lượng tái tạo, truyền tải và lưu trữ năng lượng, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, chuyển đổi năng lượng xanh và giảm phát thải khí nhà kính của ngành giao thông vận tải. Thủ tướng đề nghị các bên liên quan nhanh chóng đạt được thỏa thuận để chuyển số tiền cam kết hỗ trợ Việt Nam trị giá 15,5 tỉ USD thành những dự án mang tính đột phá.

Trong nỗ lực tìm nguồn vốn để chuyển đổi năng lượng xanh, làm việc với ông Bill Winters, Tổng Giám đốc toàn cầu Ngân hàng Standard Chartered, đồng chủ trì sự kiện "Huy động tài chính thực hiện cam kết của Việt Nam về BĐKH", Thủ tướng cho biết, sau COP26, Việt Nam đang xây dựng chiến lược phát triển năng lượng đến 2050; chiến lược chống BĐKH đến 2050; Quy hoạch điện VIII; đề án xây dựng 1 triệu ha lúa năng suất cao, phát thải thấp; một loạt dự án về năng lượng xanh, sạch... Qua đó đề nghị Ngân hàng Standard Chartered cho vay với lãi suất ưu đãi phù hợp trong các lĩnh vực ưu tiên trên. Việt Nam cần có giai đoạn chuyển tiếp từ nhà máy điện than sang các nhà máy điện năng lượng tái tạo. Việt Nam là nền kinh tế đang phát triển, có độ mở cao, đang phải đối mặt nhiều khó khăn như cạn kiệt tài nguyên, BĐKH, già hóa dân số nhưng Việt Nam vẫn thực hiện cam kết quốc tế đến 2050 đưa phát thải ròng bằng 0.

Nhiều dự án năng lượng tái tạo

Về chuỗi các hoạt động kinh tế, Thủ tướng Chính phủ đã tiếp xúc lãnh đạo hàng chục doanh nghiệp (DN), tập đoàn và quỹ đầu tư lớn của Thổ Nhĩ Kỳ, UAE và nhiều nước khác như Anh, Đan Mạch, Na Uy, tham dự và phát biểu tại các diễn đàn DN được tổ chức với sự tham gia của gần 200 DN tại mỗi nước. Thông điệp quan trọng của Thủ tướng gửi các nhà đầu tư là Việt Nam hướng tới chính sách thông thoáng, hạ tầng thông suốt và quản lý thông minh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp ông Robert Helms, Thành viên Hội đồng quản trị Tập đoàn Copenhagen Infrastructure Partners - CIP (Đan Mạch) và ông Ian Hatton, Chủ tịch Tập đoàn Enterprize Energy (Anh). CIP là một trong những nhà phát triển điện gió ngoài khơi và quản lý quỹ toàn cầu hàng đầu thế giới có trụ sở chính tại Đan Mạch. Tại Việt Nam, CIP đã thành lập công ty liên doanh và 2 văn phòng đại diện để nghiên cứu phát triển các dự án điện gió ngoài khơi, bao gồm Dự án điện gió ngoài khơi La Gàn 3,5 GW tại tỉnh Bình Thuận, có tổng vốn đầu dự kiến là 10,5 tỷ USD.

Enterprize Energy (EE) là Tập đoàn đa ngành của Anh hoạt động trong lĩnh vực khai thác tài nguyên thiên nhiên biển và phát triển năng lượng (dầu khí, điện gió ngoài khơi, điện gió trên bờ và nhiệt điện). Tại Việt Nam, EE đã hợp tác với Societe Generale (Pháp), Vestas (Đan Mạch), ODE (Anh) để phát triển Tổ hợp Thăng Long Wind tại tỉnh Bình Thuận với 2 dự án cấu phần: Thăng Long Wind (TLW) để kết nối lưới điện quốc gia, công suất 3.400 MW, tổng mức đầu tư 11,9 tỷ USD; Thăng Long Wind 2 (TLW2) để sản xuất và xuất khẩu năng lượng hydrogen từ điện phân nước, tổng công suất 2.000 MW, tổng mức đầu tư 5 tỷ USD.

Thủ tướng đề nghị các tập đoàn tiếp tục đồng hành với Việt Nam trong phát triển ngành công nghiệp năng lượng tái tạo, góp ý xây dựng, hoàn thiện chiến lược, thể chế, triển khai các dự án cụ thể trên cơ sở quy hoạch, với các chính sách ưu tiên phù hợp. Thủ tướng cho rằng, cần phát triển đồng bộ cả về nguồn điện, tải điện, phân phối, sử dụng điện hiệu quả và bảo đảm giá điện phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh Việt Nam, khả năng chi trả của người dân và doanh nghiệp, hài hòa với các ngành khác.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp lãnh đạo Tập đoàn Equinor (Na Uy). Đây là tập đoàn năng lượng lớn nhất của Na Uy, do nhà nước nắm đa số cổ phần. Lợi nhuận năm 2022 của Equinor đạt 75 tỉ USD. Equinor là công ty hàng đầu trong lĩnh vực năng lượng, nhất là điện gió ngoài khơi. Equinor mong muốn đẩy mạnh hợp tác với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam để đóng góp vào sự phát triển của ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi ở Việt Nam, tham gia vào quá trình chuyển đổi xanh.

Nhiều công ty lớn về năng lượng tái tạo cũng cam kết đầu tư vào Việt Nam - quốc gia có tiềm năng năng lượng tái tạo hấp dẫn nhất ở châu Á. Cùng với kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện Tuyên bố JETP, huy động nguồn lực ban đầu 15,5 tỉ USD trong vòng 3-5 năm tới để giải quyết nhu cầu cấp bách, mang tính xúc tác cho chuyển đổi năng lượng công bằng của Việt Nam, quá trình xanh hóa nền kinh tế, chống BĐKH, mở ra nhiều hy vọng để Việt Nam có thể đạt NetZero vào năm 2050.

1 triệu ha lúa sản xuất xanh, phát thải thấp

Trong tình tình BĐKH tác động lớn đến ĐBSCL, Việt Nam vừa công bố Đề án "Phát triển bền vững 1 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030". Đây là một bước tiến lớn để nâng tầm giá trị gạo Việt và chống BĐKH. Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, đây là dự án duy nhất trên thế giới nhằm phát triển nông nghiệp xanh, phát thải thấp (nhất là khí mê-tan), bền vững, vừa bảo đảm an ninh lương thực, vừa giảm phát thải ngành nông nghiệp.

Sản xuất lúa theo kiểu truyền thống tốn nhiều chi phí từ giống đến phân, thuốc nhưng hiệu quả chưa cao, trong khi lại tạo ra nhiều khí nhà kính. Đề án sẽ hỗ trợ nông dân tổ chức sản xuất theo các kỹ thuật trồng lúa kiểu mới, qua đó giảm chi phí đầu vào và hạn chế phát thải khí nhà kính qua hình thức tưới khô - ướt xen kẽ, giảm lượng lúa giống sử dụng, giảm lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, sử dụng nước tiết kiệm... Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn tính toán, sản xuất lúa xanh dự kiến giá bán lúa sẽ tăng 10% so với canh tác truyền thống. Ước tính nếu trên phạm vi 1 triệu ha lúa vùng chuyên canh, lợi nhuận từ sản xuất lúa tăng lên khoảng hơn 16.000 tỉ đồng, hơn 1 triệu nông dân sẽ hưởng lợi.

Đề án này được tiếp cận các nguồn hỗ trợ kỹ thuật và tài chính không hoàn lại từ nguồn tài chính chuyển đổi tài sản carbon (Transformative Carbon Asset Facility - TCAF) của WB để hỗ trợ xây dựng, thiết lập hệ thống đo đạc, báo cáo, thẩm định (MRV) cho các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính ở cấp quốc gia, cấp ngành trong một số lĩnh vực, làm cơ sở cấp tín chỉ carbon cho các diện tích đã áp dụng quy trình canh tác lúa phát thải thấp, hướng tới thị trường tín chỉ carbon trong và ngoài nước để tăng thu nhập cho nông dân và nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm lúa gạo.

Vĩnh Hy