Tham dự buổi lễ có đại diện Tập đoàn Quốc tế Wanbang qua hình thức trực tuyến, ông Chen – Đại diện Tập đoàn Quốc tế Wanbang tại Việt Nam; ông Đặng Vũ – Đại diện Công ty Wanbang Việt Nam cùng đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, đại diện Bộ CôngTthương, Tổng cục Hải quan Việt Nam, đại diện Hiệp hội Macca Việt Nam và nhiều đơn vị khác.
Sau chặng đường hơn 10 năm phát triển, Tập đoàn Quốc tế Wanbang đã xây dựng mô hình sản nghiệp rộng lớn gồm các dịch vụ hoạt động vận hành nông sản, sản xuất nông nghiệp, chuỗi vận tải kho lạnh, thương mại xuất nhập khẩu và các khu thí điểm. Với phương châm “Mua toàn cầu, bán toàn cầu”, Tập đoàn Wanbang tiếp tục chuẩn hóa các kênh nội địa và đẩy nhanh chuỗi cung ứng xuyên biên giới, xây dựng chuỗi vận chuyển nông nghiệp hiện đại bắt đầu từ Trung Quốc hướng ra thế giới. Ngày nay, Wanbang sở hữu chuỗi kho lạnh có sức chứa 300 nghìn tấn, kho tươi lạnh 100 nghìn tấn và kho nhiệt độ thông thường lên đến 250 nghìn tấn. Đặt mục tiêu kết nối sản phẩm nông nghiệp trong nước và quốc tế, Wanbang đã trở thành trung tâm logistics lớn nhất Trung Quốc, nhận được nhiều danh hiệu như doanh nghiệp trọng điểm quốc gia, đứng đầu top 10 thị trường toàn diện và là đơn vị thí điểm về lưu thông nông sản hiện đại quốc gia, v.v..
Đến với Việt Nam, Tập đoàn Wanbang đặt nhiều kỳ vọng và niềm tin vào mối quan hệ thương mại song phương hai nước. Hiện Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất và là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của nước ta. Mặt khác, Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong khối ASEAN. Trong bối cảnh kinh tế hai nước không ngừng tăng tốc, Công ty Cổ phần Wanbang Việt Nam cam kết xây dựng trung tâm kép về thương mại nông sản Trung– Việt, cùng Việt Nam hợp tác sâu rộng trong nghiên cứu, phát triển, đầu tư vật tư nông nghiệp,...
Tại buổi lễ, đại diện Vụ hợp tác Quốc tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam chia sẻ, quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc luôn được đảng và nhà nước hai bên chú trọng. Hiện Trung Quốc là thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản lớn nhất chiếm 27% tổng kim ngạch xuất khẩu trong cả nước, 30% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa các loại của Việt Nam sang Trung Quốc. Tuy nhiên, đại diện phía Việt Nam cũng chỉ ra một số rào cản trong hoạt động trao đổi buôn bán giữa hai nước: “Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam và Trung Quốc đã kí nghị định về xuất khẩu đối với 10 mặt hàng rau củ như sầu riêng, chanh leo,... Do gián đoạn ảnh hưởng của dịch bệnh, chuyên gia nước bạn không thể sang đánh giá hiện trường, gây khó khăn cho quá trình hoàn tất thủ tục”. Đại diện Bộ Nông nghiệp nhấn mạnh lợi thế và định hướng tập trung vào hệ thống big data, kinh tế số của Wanbang cũng chính là những gì Việt Nam đang tìm kiếm trong lĩnh vực này.
Về tiến trình và mục tiêu phát triển của Wanbang Việt Nam, ông Đặng Vũ – Đại diện Công ty nhận định, Việt Nam và Trung Quốc có nhiều điều kiện thuận lợi, dễ thấy nhất là chi phí vận chuyển giữa hai quốc gia không tăng đáng kể so với các tuyến châu Âu tăng 10 lần, Hoa Kỳ tăng 13 lần. Mặc dù có vị trí chiến lược là cửa ngõ kết nối các nước ASEAN, nền nông nghiệp lâu đời và đa dạng,... nhưng Việt Nam vẫn chưa phát huy hết tiềm năng. Theo ông Vũ, điểm nghẽn lớn nhất là “nông dân tư duy mùa vụ, doanh nghiệp tư duy thương vụ, chính quyền tư duy nhiệm vụ, mọi thứ đều ngắn hạn”. Do đó, để ngành nông nghiệp nước nhà ngày càng vững chắc đi lên, cần có cái nhìn tổng quát về nhu cầu không chỉ của một thị trường Trung Quốc mà còn tìm hiểu thị hiếu, điểm mạnh yếu của các quốc gia có tiềm năng xuất khẩu như Thái Lan, Indo.
Đặt mục tiêu cao hơn bán hàng là nâng cao giá trị nông sản Việt Nam, ông Vũ cho biết, Công ty Wanbang thực hiện kế hoạch chiến lược gồm 5 mục tiêu và 3 giai đoạn. Thứ nhất, công ty sẽ tập trung sản xuất quy mô lớn với giám sát quy trình khép kín tại Việt Nam; thứ hai, ứng dụng công nghệ cao giảm chi phí tăng năng suất; thứ ba xây dựng hệ thống tiêu thụ ổn định; thứ tư, xây dựng chuỗi vận chuyển thông quan kép kín, tuân thủ chính sách hai đầu Trung – Việt; thứ năm, Wanbang đưa chuỗi kho lạnh hiện đại vào Việt Nam nhằm đảm bảo chất lượng hàng hóa. Về kế hoạch phát triển trong giai đoạn tới, Wanbang Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch các mặt hàng qua hệ thống chuỗi cung ứng của tập đoàn, cung cấp hàng phụ trợ cho thị trường Việt. Đồng thời, công ty xây dựng chuỗi hỗ trợ đảm bảo nâng cao giá trị, đặc biệt hình thành chuỗi nông nghiệp khép kín cũng như định hình trung tâm mậu dịch và phát triển tại Việt Nam.
Kết thúc buổi lễ, ông Chen – Đại diện Tập đoàn Quốc tế Wanbang tại Việt Nam bày tỏ niềm vui và vinh dự đồng thời khẳng định sự có mặt của Wanbang tại Việt Nam là một bước đà lớn trong chiến lược thâm nhập thị trường Đông Nam Á của tập đoàn. Ông hy vọng có thể áp dụng kinh nghiệm, cơ sở vật chất hiện đại như công nghệ, phương pháp quản lý chuỗi cung ứng,... của Wanbang, đưa nông sản Trung Quốc tới tay người dân Việt Nam và ngược lại, mong rằng ngành nông nghiệp hai nước ngày càng lớn mạnh, quan hệ thương mại ngày càng gắn kết.
TL