Theo thống kê mới công bố của Levels.fyi, công ty chuyên tổng hợp dữ liệu lương thưởng của người làm công nghệ, mỗi kỹ sư phần mềm AI tại Mỹ đang có lương trung vị 300.000 USD, trong khi lập trình viên và kỹ sư phần mềm không chuyên về trí tuệ nhân tạo là khoảng 100.000 USD. Theo lý thuyết xác suất và thống kê, trung vị là giá trị tách giữa nửa lớn hơn và nửa nhỏ hơn của một dãy số. Việc này giúp mô tả phân bổ của dãy số chính xác hơn so với cách tính trung bình, vốn có thể bị lệch khi dãy số có giá trị cao hay thấp bất thường.
Trong báo cáo của Levels.fyi, nhà phân tích dữ liệu Alina Kolesnikova nhận xét: "Chênh lệch mức lương giữa kỹ sư chuyên AI và người không có chuyên môn là khoảng 30% hồi giữa 2022, nhưng giờ tăng gần 50%. Rõ ràng các doanh nghiệp đề cao kỹ năng AI và sẵn sàng trả nhiều hơn hẳn, không cần xét đến phân loại công việc của người lao động".
Được biết, một số doanh nghiệp đang áp dụng mọi biết pháp để chiêu mộ nhân tài ngành trí tuệ nhân tạo như: Đề xuất mức lương triệu USD, mua lại startup, chiêu mộ nhân viên của đối thủ. Họ cũng đầu tư nguồn lực để huấn luyện thế hệ nhân viên AI tiếp theo.
Ví dụ, công ty taxi tự lái Cruise trả cho kỹ sư AI với vai trò quản lý 680.500 USD mỗi năm, trong khi đồng nghiệp ở vị trí tương tự không làm AI nhận khoảng 495.000 USD.
Nhiều hãng tin uy tín ở nước ngoài cho hay từ các công ty khởi nghiệp cho đến những tập đoàn công nghệ thông tin như Google, OpenAI (công ty sở hữu ChatGPT), Netflix (dịch vụ truyền dữ liệu video trên toàn cầu)… đang ra sức giành giật nhân tài trong lĩnh vực phần mềm, đặc biệt là kỹ sư AI.
Theo dữ liệu được tổng hợp bởi Levels.fyi, Mỹ là nơi có các công ty trả lương cao nhất cho kỹ sư phần mềm. Tại đây năm 2023, kỹ sư phần mềm thuộc các công ty được khảo sát nhận lương trung bình 308 nghìn USD, tăng hơn 2% so với mức 301 nghìn USD năm 2022.
Xếp hạng của Levels.fyi cũng cho thấy, OpenAI là nơi trả lương cao nhất, với 925 nghìn USD mỗi năm cho các kỹ sư phần mềm ở cấp độ L5, mức gần cao nhất trong thang xếp hạng của công ty. Mức chi trả này bao gồm lương cơ bản, cổ phiếu và thưởng. Con số này cao gấp rưỡi công ty đứng thứ hai là Coupang (600 nghìn USD) và Clubhouse (566 nghìn USD). Top 16 công ty trả cao nhất cho kỹ sư phần mềm ở cấp độ chuyên gia, ngoài OpenAI, phần lớn là đơn vị làm về tài chính hoặc công nghệ tài chính như Coinbase, Stripe và Hudson River Trading.
Theo Dice, việc kỹ sư OpenAI có thu nhập cao "không có gì ngạc nhiên" khi công ty này tạo ra ChatGPT và là đối tác quan trọng của Microsoft. Ngoài ra, quy mô nhân sự của họ nhỏ hơn nhiều so với các công ty Big Tech lên tới hàng chục nghìn, thậm chí hàng trăm nghìn người.
"Những công việc tại đây cần các tài năng chuyên môn cao và họ sẽ đòi hỏi nhiều hơn", trang này nhận xét. Ngoài ra, việc trả cao còn là cách để OpenAI giữ chân các chuyên gia, tránh việc bị lôi kéo bởi các đối thủ như Google.
Cơn khát nhân lực am hiểu AI ngày càng tăng lên, khi các tập đoàn công nghệ lớn đầu tư nhiều nguồn lực hơn cho các tiến bộ của trí tuệ nhân tạo.
Trao đổi với Wall Street Journal, Databricks, một công ty lưu trữ dữ liệu và AI cho hay, việc tìm kiếm các kỹ sư bình thường không phải là một thách thức nhưng việc tìm kiếm những người có kỹ năng AI nâng cao mới là điều khó khăn.
Wall Street Journal cũng cho hay, các công ty thuộc các lĩnh vực khác nhau đang tăng lương đột ngột để ngăn các chuyên gia AI tài năng chạy trốn sang các công ty khởi nghiệp.
AI được khởi phát từ năm 2015 khi OpenAI được thành lập bởi CEO Sam Altman và Elon Musk. Khi công ty ra mắt ChatGPT vào tháng 11/2022, ứng dụng này nhanh chóng trở thành một cái tên quen thuộc, đạt 100 triệu người dùng vào tháng 1/2023.
Sự tăng trưởng nhanh chóng này, mặc dù rất tốt cho các công ty nhưng lại đòi hỏi những nhân sự tài năng. "AI đã gây chấn động toàn ngành công nghệ, đồng thời nâng cao tiêu chuẩn về lương thưởng năm 2024. Đó là minh chứng cho hướng đầu tư của doanh nghiệp và cách họ cạnh tranh để giành những nhân tài hàng đầu", Kolesnikova cho hay.
Phương Hà (t/h)