Sau hơn một năm thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường kết nối và chia sẻ dữ liệu nhằm phát triển thương mại điện tử, ngăn chặn thất thu thuế và đảm bảo an ninh tài chính, các Bộ và ngành đã bắt đầu xây dựng cơ sở dữ liệu riêng để tiến tới việc kết nối, giúp ngăn chặn thất thu ngân sách.
Chỉ cần có một trong các thông tin như số điện thoại, tài khoản ngân hàng, căn cước công dân, hoặc mã số thuế, cơ quan thuế có thể phối hợp với các Bộ ngành để xác định danh tính của người bán hàng thương mại điện tử. Do đó, nhiều người bán hàng đã tự nguyện kê khai và nộp thuế để tránh vi phạm pháp luật.
Anh Phạm Văn Tuấn Anh, chủ thương hiệu An Café tại Bắc Ninh, chia sẻ: "Tất cả các thông tin về sản phẩm bán ra, doanh thu, và số lượng đều được gửi đến chi cục thuế. Việc đóng thuế là cần thiết vì có sự phối hợp rất chặt chẽ."
Cơ quan thuế sẽ kết nối dữ liệu với các cơ quan khác dựa trên cơ sở dữ liệu nội ngành đã xây dựng, tạo thành một cơ sở dữ liệu lớn để định danh từng doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử.
Đến nay, Bộ Công Thương đã cung cấp cho Bộ Tài chính thông tin về 929 sàn thương mại điện tử và 284 website. Bộ Thông tin và Truyền thông đã chia sẻ dữ liệu về 130 đơn vị viễn thông và quảng cáo phát thanh - truyền hình, trong khi Ngân hàng Nhà nước đã cung cấp gần 158 triệu tài khoản thanh toán. Tổng cục Thuế đang phối hợp với Bộ Công an để sử dụng mã số định danh công dân làm mã số thuế.
Bà Nguyễn Thị Lan Anh, Vụ trưởng Vụ Quản lý Thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh, cá nhân, Tổng cục Thuế cho biết: "Nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ ngành và nỗ lực quản lý của cơ quan thuế trong lĩnh vực thương mại điện tử, các tổ chức và cá nhân đã có ý thức tự giác kê khai theo quy định của pháp luật. Cơ quan thuế cũng đã cùng các Bộ ngành hướng dẫn người nộp thuế thực hiện theo đúng quy định."
Bộ Công Thương, với vai trò là cơ quan quản lý Nhà nước trong lĩnh vực kinh doanh thương mại điện tử, đang hoàn thiện cơ sở dữ liệu dùng chung về các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử và đã bước đầu kết nối với cơ sở dữ liệu của Tổng cục Thuế.
Theo quy định, cá nhân kinh doanh không phân biệt kinh doanh theo hình thức truyền thống hay kinh doanh thương mại điện tử có trách nhiệm tự kê khai, tự nộp thuế và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật thuế. Nếu có phát sinh doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở lên, các cá nhân kinh doanh đều thuộc diện chịu thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân.
Đồng thời, "trên cơ sở thông tin do sàn giao dịch thương mại điện tử cung cấp trên Cổng thông tin thương mại điện tử, cơ quan thuế khai thác thông tin về hoạt động kinh doanh của các tổ chức, cá nhân và thực hiện rà soát đưa vào diện quản lý, yêu cầu kê khai phù hợp thực tế hoặc điều chỉnh doanh thu nếu chưa phù hợp", đại diện Tổng cục Thuế nhấn mạnh.
Ngoài ra, với dữ liệu thông tin thu được, ngành thuế sẽ tổ chức phân tích dữ liệu dựa trên nền tảng cơ sở dữ liệu lớn, áp dụng trí tuệ nhận tạo (AI) để đưa ra các cảnh báo đối với trường hợp vượt ngưỡng rủi ro và đề xuất các biện pháp quản lý thuế phù hợp đối với hoạt động của từng người nộp thuế.
Theo đó, trường hợp cá nhân không thực hiện việc kê khai, nộp thuế hoặc kê khai không đầy đủ số thuế phải nộp theo quy định, tùy theo mức độ vi phạm của người nộp thuế, cơ quan thuế sẽ xử lý vi phạm theo quy định tại Luật Quản lý thuế và Nghị định số 125/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn.
Hải Anh t/h