Có nên dừng Dự án mỏ sắt Thạch Khê?

14:58 06/01/2022

Trong báo cáo gửi Chính phủ đầu 10/2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) đề nghị Thủ tướng cho dừng dự án tổ hợp khai thác, tuyển quặng sắt ba nhà máy luyện thép 2 triệu tấn/năm (do Công ty Cổ phần Sắt Thạch Khê (TIC) làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, kiến nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng như của UBND tỉnh Hà Tĩnh lại trái ngược với quan điểm của Bộ Công Thương và của 65 nhà khoa học của Hội Khoa học Công nghệ mỏ và của các nhà đầu tư.

Bộ Công Thương: Dự án mỏ sắt Thạch Khê đủ điều kiện để tiếp tục hoạt động!

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, dự án và thiết kế kỹ thuật do Công ty Cổ phần Tư vấn đầu tư mỏ và công nghiệp - TKV chủ trì, phối hợp với Viện Khoa học và Công nghệ mỏ - Luyện kim và Viện Tháo khô thoát nước mỏ (VIOGEM của Nga) lập. Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã thành lập các Hội đồng thẩm định, gồm các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành về địa chất mỏ, địa chất thuỷ văn, địa chất công trình khai thác mỏ, bảo vệ môi trường, biển đảo, trong đó có các chuyên gia Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA), Uỷ ban Khoa học Công nghệ Môi trường Quốc hội, đại diện UBND tỉnh Hà Tĩnh tham gia. Ngoài ra, trong quá trình thẩm định, Bộ Công Thương mời Viện Khoa học và Công nghệ mỏ Việt Nam; Tư vấn nước ngoài là Công ty TNHH CBM về tư vấn, kinh doanh và quản lý (Đức) thẩm định độc lập. Do dự án phức tạp, khối lượng tài liệu nghiên cứu rất lớn nên việc thẩm định gần một năm mới hoàn thành. Báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định, phê duyệt. Như vậy, có thể nói dự án đã được thành lập và thẩm định rất kỹ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ!

Ảnh minh họa
Thi công bóc đất cát mỏ sắt Thạch Khê. (Ảnh Hà TháiTTXVN). 

Vấn đề môi trường cũng đã được làm rõ trong báo cáo thẩm định TKKT Của Bộ Công Thương, các chuyên gia trong và ngoài nước. Về hiệu quả kinh tế của dự án, TIC đã cập nhật 3/2017 cao hơn so với dự án phê duyệt năm 2014. Cụ thể, tổng mức đầu tư giảm còn 12.192 tỷ đồng so với 14.517 tỷ đồng trước đó, thời gian hoàn vốn giảm xuống còn 7,5 năm so với 9,5 năm trước đó. Ngoài ra, dự án chưa tính đến một số nguồn thu lớn khác từ khoáng sản đi kèm; nguồn nước ngọt thu từ quá trình tháo khô mỏ với khối lượng lớn, qua xử lý sẽ là nguồn cung cấp nước sạch cho sinh hoạt. Vì vậy, dự án có hiệu quả là khả thi.

Về năng lực tài chính của Công ty CP Sắt Thạch Khê và tính khả thi trong việc tiêu thụ quặng sắt tại mỏ sắt Thạch Khê, Bộ Công Thương cho rằng, khi dự án được khởi động lại hoàn toàn có thể đáp ứng.

Với những cơ sở trên, Bộ Công Thương cho rằng, việc dừng dự án sẽ để lại những hệ lụy phức tạp, gây thiệt hại vô cùng lớn cho doanh nghiệp, địa phương và nhà nước; đặc biệt là người dân sống trong vùng dự án. Bộ Công Thương đề nghị Chính phủ cần cân nhắc kỹ về tính khoa học và thực tiễn, xem xét những vấn đề xã hội liên quan đến việc tiếp tục hay dừng dự án.

65 nhà khoa học đề nghị tiếp tục thực hiện dự án

Bản kiến nghị của Hội Khoa học và Công nghệ mỏ Việt Nam gửi lãnh đạo Đảng, Nhà nước liên quan đến Dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê kèm theo danh sách, chữ ký của 65 nhà khoa học về khai thác mỏ, địa chất, khoáng sản, môi trường, kinh tế mỏ… đưa ra đề xuất tiếp tục triển khai thực hiện dự án này, tránh trường hợp dự án bị tạm dừng kéo dài, gây bức xúc cho người dân, lãng phí nguồn lực. Việc tiếp tục thực hiện dự án là hoàn toàn khả thi. Bản kiến nghị đề cập đề cập đến một số nội dung sau:

Các giải pháp công nghệ được lựa chọn là hợp lý, an toàn:Công tác thăm dò, khảo sát và nghiên cứu điều kiện địa chất khu mỏ đã thực hiện từ năm 1960 bởi nhiều tổ chức trong và ngoài nước (Liên Xô - Nga, Đức, Úc, Nhật…) với nhiều công trình nghiên cứu khác nhau. Kết quả nghiên cứu qua nhiều thời kỳ cho thấy, các tài liệu về trữ lượng mỏ địa chất thủy văn, địa chất công trình là đầy đủ, đảm bảo độ tin cậy để tiến hành nghiên cứu, thiết kế và khai thác mỏ đến độ sâu âm 550m.

Ảnh minh họa
Đang có những quan điểm trái chiều về tiếp tục hay dừng Dự án mỏ sắt Thạch Khê (ẢnhDT). 

Là mỏ có trữ lượng lớn (544 triệu tấn quặng sắt), nằm trong khu vực có địa hình bằng phẳng, đất đai khô cằn, thưa dân cư, điều kiện giao thông thuận tiện, thân quặng lớn, tập trung và nằm dưới độ sâu so với mực nước biển không lớn (âm 34 đến âm 550m). Điều kiện địa chất mỏ phù hợp với việc khai thác bằng phương pháp lộ thiên, là phương pháp mà ngành khai thác mỏ ở trong nước có nhiều kinh nghiệm và trình độ đạt thế giới.

Trên cơ sở thừa kế các nghiên cứu của các tổ chức trong và ngoài nước, dự án đang tính toán, lựa chọn phương pháp và công nghệ khai thác, cụ thể như sau: Áp dụng phương pháp khai thác lộ thiên, đào sâu đáy mỏ đa cấp, công nghệ đổ bãi thải ngoài trên đất liền, vận tải bằng ô tô và bãi thải lấn biển, vận tải bằng ô tô và băng tải…

Qua kinh nghiệm thực tế của các mỏ lộ thiên lớn vùng Quảng Ninh từ nhiều năm nay và kết quả thử nghiệm công nghệ bóc đất tầng phủ tại mỏ Thạch Khê đã khẳng định: Phương pháp và công nghệ khai thác đã được lựa chọn tiên tiến, hiện đại, phù hợp với điều kiện địa chất của mỏ và điều kiện khí hậu của Việt Nam, đảm bảo hiệu quả, giảm thiểu tổn thất tài nguyên và tác động xấu tới môi trường.

Mỏ sắt Thạch Khê (huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) được đánh giá là mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á với trữ lượng khoảng 544 triệu tấn. Ngày 24 tháng 7 năm 2007, Công ty Cổ phần Sắt Thạch Khê (gọi tắt TIC) ra đời với 9 cổ đông là chủ đầu tư dự án khai thác và tiền quặng mỏ sắt Thạch Khê. Từ tháng 9/2009 đến 7/2011, TIC Cùng các nhà thầu trong Tập đoàn TKV đã bóc thử nghiệm trên 12,5 triệu m3, tới độ sâu âm 34m so với mực nước biển để xác định các yếu tố địa chất và lựa chọn công nghệ khai thác, vận tải mỏ.v.v. Từ năm 2011 đến nay, dự án tạm dừng hoạt động để tái cơ cấu lại cổ đông của TIC và giải quyết một số vướng mắc.

Việc khai thác mỏ Thạch Khê đã có các giải pháp bảo vệ môi trường như giải pháp tìm hiểu ảnh hưởng của hạ mực nước ngầm; giải pháp ứng phó với thiên tai, sự cố môi trường như động đất, mưa bão, nước biển dâng, giảm thiểu ảnh hưởng của cát bay, cát chảy, xử lý nước thải mỏ…

Bãi thải lấn biển cũng được thiết kế dài 5,2km dọc bờ biển và đổ đến cách bờ 1,6km, với điểm sâu nhất là âm 10m. Hệ thống đê chắn bãi thải lấn biển được thiết kế kiên cố, thân đê được làm bằng đá hộc chọn lọc, dưới đê được lót vải địa kỹ thuật, phía trong là đá cỡ nhỏ…

Qua đó, các nhà khoa học khẳng định, các giải pháp thiết kế đưa ra là có cơ sở khoa học và thực tế, đảm bảo an toàn theo tiêu chuẩn, quy chuẩn về đê chắn sóng và giảm thiểu ảnh hưởng môi trường.

Hiệu quả kinh tế cao:Bản kiến nghị của các nhà khoa học đánh giá cao về thị trường và hiệu quả kinh tế của dự án. Theo quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng sắt đến năm 2020, có xét đến năm 2030 tại Quyết định số 2185 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ, nhu cầu tinh quặng sắt đến năm 2020 là 18 triệu tấn, đến năm 2025 là 32 triệu tấn và đến năm 2030 là 41 triệu tấn. Hiện tại các nhà sản xuất thép trong nước đã cam kết sử dụng hết quặng sắt của dự án (10 triệu tấn/ năm).

Theo số liệu thống kê năm 2016, Việt Nam đã phải nhập khẩu 6,5 triệu tấn, năm 2017 khoảng 11,2 triệu tấn và nhu cầu tiếp tục tăng trong các năm tiếp theo. Do đó thị trường tiêu thụ quặng sắt không phải là vấn đề đối với dự án, Hội Khoa học và Công nghệ mỏ Việt Nam khẳng định.

Hiện nay, giá quặng sắt trên thế giới dao động khoảng 65-70 USD/tấn.Theo dự báo của các Tổ chức quốc tế, đến năm 2030 giá quặng sắt không dưới 60 USD/tấn. Như vậy hiệu quả kinh tế của dự án sẽ khả thi hơn và thời gian hoàn vốn sẽ sớm hơn.

Số liệu trên là của Hội Khoa học và Công nghệ mỏ Việt Nam đưa ra tại thời điểm 12/2018. Nhưng cuối năm 2019 đến đầu năm 2021, giá quặng sắt thế giới đã tăng trên 200 USD / tấn. Nếu không bị ngưng, tiến trình khai thác thực hiện đúng kế hoạch, thì năm 2020 đã khai thác 10 triệu tấn, lợi nhuận mang lại là 32 nghìn tỷ đồng, vượt mức thu hồi vốn đầu tư (tổng mức vốn đầu tư của dự án là 14.000 tỷ đồng).

Phản biện với những nghi ngại của tỉnh Hà Tĩnh:Trong văn bản gửi Bộ KHĐT, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã nhiều lần bày tỏ sự nghi ngại về vấn đề môi trường của dự án, đặc biệt sau thảm họa tại nhà máy Formosa. UBND tỉnh Hà Tĩnh cho rằng, sau hơn 10 năm triển khai thực hiện dự án đã để lại nhiều hệ lụy, khó khăn về kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh cho các xã vùng ảnh hưởng trực tiếp dẫn đến các địa phương trong vùng trở thành xã khó khăn nhất của huyện Thạch Hà, thậm chí là của tỉnh Hà Tĩnh. Vì vậy, UBND tỉnh Hà Tĩnh đề nghị Bộ KHĐT kiến nghị Thủ tướng xem xét kết thúc dự án, đồng thời chỉ đạo giải quyết tồn đọng, hoàn trả nguyên trạng, khôi phục sản xuất, ổn định đời sống nhân dân.

Phản biện với ý kiến trên của tỉnh Hà Tĩnh, các nhà khoa học Hội Khoa học và Công nghệ mỏ Việt Nam cho rằng, Hà Tĩnh là một tỉnh nghèo, tại khu mỏ sắt Thạch Khê đất đai cằn cỗi không phù hợp phát triển nông nghiệp, cũng không phù hợp cho canh tác và du lịch. Việc khai thác mỏ sắt Thạch Khê thời điểm này không chỉ phục vụ phát triển đất nước, phù hợp với quy hoạch mà còn tạo tiền đề cho phát triển công nghiệp, chuyển dịch cơ cấu địa bàn Hà Tĩnh, đóng góp nguồn thu lớn cho ngân sách và tạo hàng nghìn việc làm cho người dân. Nếu dừng dự án sẽ làm tổn thất hàng nghìn tỷ đồng của nhà nước và nhà đầu tư vào dự án và tác động rất lớn đến an sinh xã hội trên địa bàn gây nhiều hệ lụy…

Ý kiến của TIC - chủ đầu tư dự án

Tại các cuộc họp, hội thảo về dự án, Công ty Cổ phần Sắt Thạch Khê (TIC) cùng các nhà khoa học đã giải trình tất cả những băn khoăn của UBND tỉnh Hà Tĩnh và Bộ KHĐT trên cơ sở khoa học, thực tiễn và các tài liệu đã được thẩm định. Tuy nhiên, những giải trình của TIC và các nhà khoa học chưa được Bộ KHĐT ghi nhận trong báo cáo gửi Thủ tướng.

TIC cũng đã nhiều lần có các văn bản gửi UBND tỉnh Hà Tĩnh, Bộ KHĐT, Văn phòng Chính phủ, lãnh đạo Đảng và Nhà nước phản biện những lý do mà UBND tỉnh Hà Tĩnh và Bộ KHĐT nêu ra để đề nghị dừng dự án. Trong đó, TIC khẳng định: Chủ đầu tư đã thực hiện đầy đủ thủ tục pháp lý của dự án theo quy định, thực hiện đầy đủ các nội dung liên quan theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và đã giải trình, làm rõ những vấn đề quan ngại của địa phương, các Bộ, ban ngành về dự án; dự án hoàn toàn đảm bảo hiệu quả, khả thi. Từ đó, TIC đề nghị Chính phủ xem xét chỉ đạo kịp thời cho phép tiếp tục triển khai thực hiện dự án nhằm mang lại hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân vùng dự án, và đặc biệt là để giải quyết các vấn đề liên quan đến công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, giải quyết việc làm, an sinh xã hội của người dân vùng ảnh hưởng bởi dự án.

Cổ đông TIC nói gì?

Ts. Phạm Lê Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại và khai thác khoáng sản Thăng Long (Công ty Thăng Long) - Công ty tư nhân đã đầu tư khoảng 400 tỷ đồng vào dự án khẳng định: “Dừng Dự án mỏ sắt Thạch Khê, Nhà nước, doanh nghiệp và địa phương sẽ thiệt hại rất lớn!”

Theo Ts. Phạm Lê Hùng, không chỉ riêng ông mà đông đảo người dân Hà Tĩnh đều kỳ vọng vào Dự án mỏ sắt Thạch Khê phục vụ cho luyện kim trong nước và xuất khẩu. Nền tảng pháp lý để triển khai dự án là Thông báo số 72-TB/TW ngày 09/5/2007 về kết luận của Bộ Chính trị về quy hoạch các Dự án Bô xít alumin nhôm tại Tây Nguyên và các Dự án sắt Thạch Khê (Hà Tĩnh). Được ông Trần Đình Đàn, khi đó là Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh mời gọi đầu tư, sau khi nghiên cứu các tài liệu, tôi nhận thấy, đây là cơ hội vàng để Công ty Thăng Long tham gia đầu tư dự án, góp phần xây dựng quê hương Hà Tĩnh (TS. Hùng quê ở Hương Sơn, Hà Tĩnh - PV). Với kỳ vọng đó, tôi đã tham gia sáng lập Công ty Cổ phần Sắt Thạch Khê (TIC). Doanh nghiệp đầu tư Dự án mỏ sắt Thạch Khê với 9 cổ đông. Cũng vì thế, Công ty Thăng Long được tham gia đầu tư với 3% cổ phần. Mặc dù góp vốn ít nhất so với các cổ đông của TIC, nhưng đến nay, Thăng Long đã đầu tư vào dự án khoảng 400 tỷ đồng.

Dự án mỏ sắt Thạch Khê đã được nhiều đơn vị chuyên ngành trong cả nước và quốc tế nghiên cứu từ mấy chục năm nay. Hàng trăm nhà khoa học Việt Nam và thế giới đã xây dựng và thẩm định, Chính phủ đã phê duyệt. Mặt khác, TIC đã cho bốc xúc thử nghiệm 12,5 triệu m3 đất đá xuống độ sâu âm 34m để thăm dò địa chất và lựa chọn phương pháp vận chuyển đất đá. Qua đó khẳng định, việc khai thác mỏ Thạch Khê đảm bảo các yếu tố kĩ thuật, an toàn; không có chuyện “sa mạc hoá” hay sạt lở như một số ý kiến lo ngại. Mỏ than Cọc Sáu, mỏ than Hà Tu, khai thác độ sâu hàng trăm mét, sát biển, gần khu dân cư, mấy chục năm nay chưa hề xảy ra hiện tượng bục nước “sa mạc hoá”!

Ảnh minh họa
Ts. Phạm Lê Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại và khai thác khoáng sản Thăng Long. 

Tôi cho rằng, đề nghị dừng dự án của của Bộ KHĐT  và tỉnh Hà Tĩnh là không có cơ sở pháp lý, thực tiễn, thiếu trách nhiệm, thiếu tôn trọng ý kiến các bộ và các nhà khoa học. Tôi đã tham dự hầu hết các cuộc hội thảo, hội nghị, kể cả hội nghị do Bộ KHĐT chủ trì tổ chức vào ngày 25 tháng 4 năm 2017. Tại các cuộc họp này, các bộ, các nhà khoa học đều đồng tình ủng hộ dự án được triển khai, duy nhất chỉ có văn bản của lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh là muốn dừng dự án. Như tôi đã nêu trên, trước đây, Hà Tĩnh kêu gọi đầu tư vào Thạch Khê, nay lại đề nghị dừng dự án là thiếu trách nhiệm với nhà đầu tư, với Nhà nước và nhân dân. 

Dừng Dự án mỏ sắt Thạch Khê là vi hiến vì thủ tục pháp lý đã hoàn toàn đầy đủ; các thông số kĩ thuật đã được nghiên cứu công phu, tỉ mỉ phục vụ cho việc khai thác an toàn và hiệu quả. Dự án mỏ sắt Thạch Khê phải được triển khai và các bộ ngành, địa phương liên quan giám sát chặt chẽ. Nếu có sai sót nhỏ thì phải xử phạt và cho khắc phục; nếu vi phạm nghiêm trọng thì thu hồi giấy phép. Chúng tôi sẽ nghiêm túc thực hiện theo đúng quy định pháp luật.

Dự án bị dừng không những gây tổn thất nặng nề cho Công ty Thăng Long, cho TIC mà còn gây tổn thất rất lớn cho Nhà nước và nhân dân địa phương, trong đó có những tổn thất không thể tính bằng tiền. Với Công ty Thăng Long, nguồn vốn đổ vào Thạch Khê là tiền túi của các cổ đông, chúng tôi không chỉ mất tiền mà còn mất cơ hội đầu tư. Nếu dừng Dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê, Nhà nước sẽ phải bỏ ra hàng ngàn tỷ đồng đền bù cho các doanh nghiệp đã bỏ vốn triển khai dự án và đền bù việc mất cơ hội đầu tư.

Nguyễn Cường