Những cơ hội lĩnh vực hạ tầng giao thông, kết nối số
Theo Báo cáo Cơ hội 2030: Bản đồ Đầu tư theo các Mục tiêu Phát triển bền vững do Ngân hàng Standard Chartered phát hành, khu vực tư nhân hiện đang đứng trước cơ hội đầu tư gần 10.000 tỷ USD vào các thị trường mới nổi nhằm thúc đẩy quá trình hiện thực hóa các Mục tiêu Phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc, trong đó, Việt Nam mang đến cơ hội đầu tư khoảng 45,8 tỷ USD.
Nghiên cứu chỉ ra những cơ hội trong đó khu vực tư nhân có thể đóng góp vào 3 mục tiêu liên quan đến cơ sở hạ tầng từ nay cho đến năm 2030. Đó là nước sạch và vệ sinh môi trường; năng lượng sạch với giá thành hợp lý; công nghiệp, sáng tạo và phát triển hạ tầng ở các thị trường mới nổi.
Tại Việt Nam, những cơ hội đầu tư có tiềm năng lớn nhất theo định hướng Mục tiêu Phát triển bền vững tập trung ở lĩnh vực hạ tầng giao thông và phổ cập kết nối số.
Sản xuất ô tô tại Nhà máy Vinfast. Ảnh: Phạm Hùng
Báo cáo Cơ hội 2030 cũng chỉ ra rằng để đạt được mục tiêu phổ cập kết nối số - tính theo tỷ lệ sử dụng dịch vụ điện thoại di động và kết nối internet - sẽ cần 24,4 tỷ USD vốn đầu tư tư nhân từ nay đến năm 2030, và để cải thiện đáng kể hạ tầng giao thông thông tại Việt Nam sẽ cần 20,1 tỷ USD vốn đầu tư từ khu vực tư nhân.
Mặc dù cơ hội ở lĩnh vực nước sạch dành cho khối tư nhân không nhiều, đầu tư vào lĩnh vực này vẫn có thể tạo ra những tác động rõ rệt khi 11% dân số Việt Nam vẫn chưa được tiếp cận nguồn nước sạch và các điều kiện vệ sinh (trụ cột chính trong Mục tiêu Phát triển bền vững 6). Riêng với mục tiêu phổ cập kết nối số đến năm 2030, Việt Nam ước tính sẽ cần 1,3 tỷ USD vốn đầu tư từ khu vực tư nhân.
Tổng Giám đốc Việt Nam và nhóm 5 nước ASEAN và Nam Á, Ngân hàng Standard Chartered, ông Nirukt Sapru chia sẻ: “Việt Nam hiện là một trong những nền kinh tế hàng đầu trong khu vực Đông Nam Á và là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư. Đây là kết quả của hàng loạt các chính sách và nỗ lực cải cách đã và đang được triển khai. Chính phủ Việt Nam cam kết thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững và đang làm việc trực tiếp với Liên Hợp quốc lồng ghép các Mục tiêu Phát triển bền vững vào những chính sách phát triển kinh tế - xã hội”.
Việt Nam đã có sự tiếp cận rộng rãi với các nguồn năng lượng, do đó cơ hội đầu tư để đạt được mục tiêu này không được đưa vào con số đầu tư tổng thể. Tuy nhiên, với một nền kinh tế đang phát triển, Việt Nam sẽ cần tiếp tục đầu tư vào lĩnh vực năng lượng sạch với giá thành hợp lý để duy trì khả năng tiếp cận một cách bền vững.
Xu hướng “cởi” nút thắt khu vực tư nhân
Có tới 8 nhóm khuyến nghị chính sách đã được các đối tác phát triển của Việt Nam gửi tới Tổ Biên tập Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030. Tất cả các khuyến nghị đều quan trọng và theo Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam Osmane Dione: “Tăng trưởng của khu vực tư nhân sẽ thúc đẩy tiến độ của Việt Nam trên con đường trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao. Chính phủ sẽ đóng vai trò quan trọng trong sự tăng trưởng này thông qua môi trường kinh doanh, kết cấu hạ tầng và thể chế thị trường”.
Đại diện cho nhóm các đối tác phát triển, ông Osmane Dione khẳng định, hiện có tới 6 nút thắt liên quan đến sự phát triển của khu vực tư nhân cần được gỡ bỏ, liên quan đến môi trường kinh doanh, cơ sở hạ tầng vật chất, DN Nhà nước và sân chơi bình đẳng, thể chế quản lý, năng lực công ty và vấn đề môi trường, xã hội và quản trị. “Mặc dù Việt Nam đã có nhiều cải cách quan trọng nhằm giảm chi phí kinh doanh bằng cách tinh giản bộ máy quan liêu và môi trường thuận lợi cho kinh doanh của Việt Nam đã được cải thiện tương đối tốt, nhưng vẫn còn những vấn đề liên quan đến thủ tục phá sản” - ông Osmane Dione nói.
Viện dẫn Báo cáo Doing Business 2019 của WB, ông Osmane Dione cho rằng, việc không có khả năng giải quyết nợ xấu có lợi cho chủ nợ đang cản trở đầu tư.
Trong khi đó, liên quan đến câu chuyện DN Nhà nước, một lần nữa, việc tạo sân chơi bình đẳng giữa khu vực tư nhân và Nhà nước tiếp tục được các đối tác đặt ra. Đây là điều đã luôn được nhấn mạnh tại các kỳ diễn đàn DN, các kỳ diễn đàn phát triển Việt Nam. Thậm chí, không chỉ tiếng nói từ các chuyên gia quốc tế, mà các chuyên gia Việt Nam cũng có những cái nhìn tương đồng về việc tạo sân chơi bình đẳng giữa khu vực tư nhân và Nhà nước.
“Mặc dù Việt Nam đã có cam kết trong nước và quốc tế trong việc cải cách DN Nhà nước, song việc thực hiện chậm đã gây trở ngại cho việc phân bổ có hiệu quả các nguồn lực tài chính, cơ hội thị trường cho khu vực tư nhân và tăng trưởng năng suất”- một số chuyên gia kinh tế nhìn nhận.
Và bởi vậy, các khuyến nghị được đề cập là phải xác định DN Nhà nước chỉ cung cấp dịch vụ thiết yếu, đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa các DN không trọng yếu và loại bỏ đặc quyền chỉ mang lại lợi ích cho DN Nhà nước. Cùng với đó, tăng cường vai trò của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại DN để buộc DN Nhà nước phải chịu trách nhiệm cả về hoạt động tài chính và phi tài chính…
Tất nhiên, một yếu tố quan trọng khác là phải tăng cường năng lực của công ty. Bởi như các đối tác phát triển nhận định, trong 15 năm gần đây, số lượng DN tư nhân trong nước chính thức hoạt động tăng gấp 10 lần, song năng suất chưa được cải thiện. Việc kết nối với khu vực đầu tư nước ngoài cũng vậy. Do đó, cần hỗ trợ DN trong nước nâng cao năng lực đổi mới và quản trị DN để thúc đẩy công nghệ, kết hợp đổi mới và bán dịch vụ, sản phẩm cho các DN nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam.
Trên thực tế, đây không phải là các khuyến nghị mới. Thời gian gần đây, Chính phủ Việt Nam cũng đã khẳng định vai trò quan trọng của khu vực tư nhân như một động lực quan trọng để thúc đẩy kinh tế phát triển. Trong Dự thảo Chiến lược 10 năm 2021 - 2030, khu vực tư nhân tiếp tục được xác định là động lực ngày càng quan trọng của nền kinh tế. Quan trọng là làm sao để thực hiện nó.
Phía trước còn nhiều khó khăn, để vượt qua bẫy thu nhập trung bình, vươn lên phát triển bền vững và bao trùm, việc thay đổi tư duy phát triển là con đường duy nhất. Cụ thể, phải nhanh chóng chuyển từ tư duy “cởi trói”, “làm cho sản xuất bung ra” sang tư duy tái cấu trúc nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, từ chiều rộng sang chiều sâu. Để phát triển, đòi hỏi Việt Nam cần một mô hình tăng trưởng mới, bền vững và bao trùm. Trên cơ sở đó là việc xây dựng những chương trình hành động để thực thi sự thay đổi đó.
GS.TS. NGUYỄN HỮU LÂN