Thứ sáu 20/09/2024 08:03
Hotline: 024.355.63.010
Bất động sản

Cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA): Tăng sự chủ động cho khách hàng sử dụng điện lớn

06/07/2024 09:24
Ông Stuart Livesey, đại diện Tập đoàn CIP tại Việt Nam và thành viên Ban lãnh đạo Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF), đánh giá: "Việc ban hành Nghị định 80 là bước đi rất quan trọng, nhưng chỉ là khởi đầu...."
aa

Chiều ngày 5/7, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã chủ trì Hội nghị triển khai Nghị định số 80 của Chính phủ, quy định về cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA) giữa các đơn vị phát điện năng lượng tái tạo và các khách hàng sử dụng điện lớn. Cơ chế này đang thu hút sự quan tâm lớn từ các tổ chức, cá nhân, đặc biệt là các khách hàng lớn và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Cơ chế DPPA sẽ mang lại sự chủ động cho các thành viên tham gia thị trường. Trước đây, khách hàng chỉ có thể mua điện từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Nay, với cơ chế này, hai bên có thể tự thoả thuận và mua bán điện trực tiếp với nhau, giúp các bên có thể tự lập kế hoạch sản xuất và kinh doanh trong dài hạn, đồng thời giảm thiểu rủi ro về biến động giá cả.

Một điểm đáng chú ý trong nghị định mới là sự mở rộng đối tượng tham gia mua điện năng lượng tái tạo trực tiếp. Trước đây, chỉ những khách hàng có mức tiêu thụ điện năng hàng tháng trên 500.000 kWh mới được coi là lớn. Tuy nhiên, nghị định mới đã hạ mức yêu cầu này xuống còn 200.000 kWh.

Theo khảo sát từ các tổng công ty điện lực, hiện nay có khoảng 3.200 khách hàng sử dụng điện với mức tiêu thụ trên 500.000 kWh mỗi tháng, trong khi đó có khoảng 7.700 khách hàng tiêu thụ trên 200.000 kWh. Tại hội nghị ngày 5/7, các ý kiến đều cho rằng cơ chế mới sẽ là một bước tiến quan trọng trong lộ trình xác lập thị trường điện cạnh tranh tại Việt Nam. Các đại biểu đều bày tỏ sự hoan nghênh đối với nghị định về cơ chế DPPA, cho rằng nó sẽ thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo và thu hút đầu tư.

Xanh hoá là yêu cầu của nhiều thị trường lớn hiện nay, và việc ban hành cơ chế DPPA có ý nghĩa rất lớn đối với ngành sản xuất, mở ra cơ hội cho hàng hóa Việt Nam thâm nhập vào các thị trường khó tính như châu Âu.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Tại Hội nghị, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam cùng đại diện một số cơ quan, đơn vị và tổ chức quốc tế như Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF), Ngân hàng Quốc tế Nhật Bản (JBIC), Liên minh năng lượng sạch châu Á (ACEC), khách hàng sử dụng điện lớn như Samsung và đại diện lãnh đạo các địa phương đều bảy tỏ sự ủng hộ và đánh giá cao về những nỗ lực của Bộ Công Thương

Ông Nguyễn Hải Minh, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Châu Âu (EuroCham), cho biết: "Liên minh châu Âu là khu vực tiên phong về tăng trưởng xanh với nhiều quy định ngày càng chặt chẽ như yêu cầu báo cáo phát triển bền vững và cơ chế điều chỉnh carbon qua biên giới (CBAM). Do đó, chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp châu Âu cũng phải sử dụng năng lượng tái tạo. Ngược lại, các doanh nghiệp châu Âu cũng là những nhà đầu tư lớn trong lĩnh vực năng lượng tái tạo. Với cơ chế DPPA, sẽ có nhiều động lực hơn để đầu tư, giúp Việt Nam đạt mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050."

Từ châu Âu, Tập đoàn CIP là nhà đầu tư chính của dự án điện gió ngoài khơi La Gàn tại tỉnh Bình Thuận từ năm 2020. Dự án này có tổng công suất 3,5 GW và vốn đầu tư lên đến 10,5 tỷ USD. Khi hoàn thiện, dự án có thể cung cấp năng lượng cho hơn 7 triệu hộ gia đình tại Việt Nam. Dù hoan nghênh cơ chế DPPA, doanh nghiệp cũng mong muốn có những quy định cụ thể hơn để nghị định sớm đi vào thực tế.

Ông Stuart Livesey, đại diện Tập đoàn CIP tại Việt Nam và thành viên Ban lãnh đạo Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF), đánh giá: "Việc ban hành Nghị định 80 là bước đi rất quan trọng, nhưng chỉ là khởi đầu. Còn nhiều vấn đề cần thảo luận, chẳng hạn như việc tính giá và phí nếu các bên sử dụng đường dây của EVN. Chúng tôi có thể hỗ trợ EVN xây dựng các đường truyền tải điện tái tạo để đảm bảo chi phí chuyển tải điện đến tay người dùng cuối cùng không quá cao."

Tại sự kiện ngày 5/7, Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu EVN và các đơn vị trực thuộc khẩn trương tính toán các chi phí sử dụng dịch vụ hệ thống điện trong cơ chế DPPA. Đồng thời, cần xây dựng quy trình kinh doanh, quản lý và thanh toán hóa đơn cho khách hàng tham gia cơ chế này.

Các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp trong và ngoài nước nghiên cứu kỹ nội dung được quy định trong Nghị định để chủ động hoàn thành các công việc theo yêu cầu, phân công của Chính phủ; đồng thời, cần lập kế hoạch của Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp để triển khai thực hiện Nghị định bảo đảm phù hợp, hiệu quả. Tiếp tục phát hiện, đề xuất biện pháp tháo gỡ những bất cập vướng mắc (nếu có); chủ động giải quyết những vướng mắc theo thẩm quyền và khuyến nghị, đề xuất kịp thời với cấp có thẩm quyền để xem xét giải quyết.

Cục Điều tiết điện lực, Vụ Pháp chế chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan thuộc Bộ Công Thương, ngay sau hội nghị này, tập trung rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các thông tư hướng dẫn (thuộc trách nhiệm Bộ Công Thương); đồng thời tham mưu, kiến nghị các Bộ, ngành hữu quan xem xét sửa đổi, bổ sung, ban hành mới Thông tư hướng dẫn (nếu cần) để bảo đảm việc triển khai thực hiện cơ chế DPPA không có vướng mắc, trở ngại lớn.

Khẩn trương nghiên cứu, đề xuất cơ chế thí điểm giá điện hai thành phần (giá công suất và giá điện năng); tách bạch giá, phí truyền tải trong cơ cấu giá thành điện năng...) trình cấp có thẩm quyền xem xét trong thời gian sớm nhất nhằm tạo đồng bộ, thuận lợi trong triển khai thực hiện và bảo đảm công bằng giữa các bên mua bán điện.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng lưu ý 3 điểm căn bản trong thực hiện cơ chế này. Theo đó, các địa phương, đơn vị cần (i) tuân thủ nghiêm ngặt Quy hoạch, Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII (đã được ban hành) và các quy định về đối tượng, phạm vi mua bán điện trực tiếp được quy định trong Nghị định này; (ii) EVN và các bên mua bán điện cần chủ động rà soát các điều kiện về kỹ thuật thuộc phạm vi, trách nhiệm của mình để bảo đảm tuyệt đối an toàn, không gây sự có đáng tiếc cho toàn hệ thống; (iii) Trong khi Quy hoạch điện VIII chưa được rà soát, điều chỉnh theo quy định của pháp luật thì “room” mua bán điện trực tiếp không được vượt quá công suất được quy định trong Quy hoạch điện VIII.

Với các tỉnh, thành phố, Bộ trưởng đề nghị khẩn trương triển khai, rà soát điều chỉnh Quy hoạch tỉnh (nếu cần) để bảo đảm phù hợp với Quy hoạch ngành quốc gia về năng lượng và Quy hoạch điện VIII; điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch, Kế hoạch sử dụng đất và các quy hoạch chuyên ngành của địa phương để sẵn sàng điều kiện triển khai các dự án, công trình về năng lượng điện trên địa bàn. Đồng thời yêu cầu các địa phương quyết liệt triển khai việc lựa chọn chủ đầu tư cho các dự án điện đã được xác định trong Quy hoạch, Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII trên phạm vi địa bàn quản lý, nhất là các dự án điện nền, truyền tải liên miền, dự án nguồn ưu tiên theo địa bàn cụ thể.

Đối với các cơ quan truyền thông, báo chí ở Trung ương và địa phương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng đề nghị cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến sâu rộng về vai trò, tầm quan trọng và các nội dung cốt lõi của Cơ chế DPPA tới các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân nhằm tạo đồng thuận xã hội trong triển khai, thực hiện; đồng thời là kênh thông tin giúp các cơ quan chức năng của Chính phủ, Bộ Công Thương và các Bộ, ngành chức năng trong việc nhận diện những vấn đề và nội dung cần đánh giá, xem xét (nếu có), cũng như đề xuất, khuyến nghị những giải pháp xử lý phù hợp, góp phần từng bước hoàn thiện cơ chế này.

An Thảo

Bài liên quan
Tin bài khác
Thanh Hóa: Xác định vị trí đề xuất quy hoạch xây dựng kho dự trữ dầu thô quốc gia

Thanh Hóa: Xác định vị trí đề xuất quy hoạch xây dựng kho dự trữ dầu thô quốc gia

Thanh Hóa vừa thực hiện khảo sát vị trí quy hoạch xây dựng kho dự trữ dầu thô quốc gia rộng khoảng 140 ha tại Khu Công nghiệp số 6 của Khu Kinh tế Nghi Sơn.
Đà Nẵng phê duyệt quy hoạch phân khu đổi mới sáng tạo với diện tích khoảng 3.770ha

Đà Nẵng phê duyệt quy hoạch phân khu đổi mới sáng tạo với diện tích khoảng 3.770ha

Đà Nẵng phê duyệt quy hoạch phân khu đổi mới sáng tạo với diện tích khoảng 3.770ha. Quy mô dân số dự kiến đến năm 2030 khoảng 233.000 người.
Vĩnh Phúc: Lĩnh vực giao thông chiếm hơn 43% tổng nguồn vốn đầu tư công

Vĩnh Phúc: Lĩnh vực giao thông chiếm hơn 43% tổng nguồn vốn đầu tư công

Trong giai đoạn 2021 – 2025, Vĩnh Phúc tỉnh đã phân bổ 57.000 tỷ đồng vốn đầu tư công cho 1.815 dự án, trong đó lĩnh vực giao thông chiếm hơn 43% tổng vốn.
VietinBank Phú Thọ tổ chức gặp mặt, ký kết hợp tác vơi doanh nghiệp

VietinBank Phú Thọ tổ chức gặp mặt, ký kết hợp tác vơi doanh nghiệp

Vừa qua, Ngân hàng TMCP Công thương Chi nhánh Phú Thọ (VietinBank Phú Thọ) tổ chức gặp mặt, tọa đàm kết nối với doanh nghiệp.
Ban Cơ yếu Chính phủ làm việc với Tỉnh ủy Đồng Tháp

Ban Cơ yếu Chính phủ làm việc với Tỉnh ủy Đồng Tháp

Vừa qua, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đồng Tháp – Phan Văn Thắng cùng lãnh đạo các Sở, ban, ngành tỉnh, đơn vị liên quan tiếp Đoàn công tác Ban Cơ yếu Chính phủ, do ông Nguyễn Đăng Lực - Phó Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ làm trưởng đoàn.
lp-bank
tms-group
sanghai-fair
ubnd-xa-hoa-son