Chương trình tài chính toàn diện dành cho doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ

06:44 10/03/2021

Chương trình tài chính toàn diện giảm thiểu tác động của Đại dịch Covid-19 đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ.

Được biết, Chương trình thực hiện bởi nguồn tài trợ của ADB và Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) với các giải pháp tài chính và phi tài chính hấp dẫn, nhằm mục tiêu tạo điều kiện để các doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ (WSME) phục hồi và phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh sau tác động của dịch Covid-19.

Bà Nguyễn Thị Hồng - Thống đốc NHNN Việt Nam đã ký kết hiệp định với ông Andrew Jeffries - Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam

Bà Nguyễn Thị Hồng - Thống đốc NHNN Việt Nam đã ký kết hiệp định với ông Andrew Jeffries - Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam. (Ảnh: VGP/Huy Thắng)

Cụ thể, đối với các khách hàng WSME hiện hữu đủ điều kiện tham gia Chương trình, BIDV thực hiện nhiều giải pháp để hỗ trợ khách hàng ổn định kinh doanh. Theo đó, các khoản vay của khách hàng được cơ cấu thời hạn trả nợ từ 6 tháng trở lên, kỳ hạn tổng thể của khoản vay được gia hạn thêm ít nhất 6 tháng.

Bên cạnh đó, khách hàng còn được hỗ trợ 6 tháng tiền lãi, tối đa 10.000USD/khách hàng đối với các khoản vay cơ cấu có gốc và lãi phát sinh kể từ ngày thời điểm Việt Nam công bố dịch (23/01/2020).

BIDV đồng thời miễn phí phạt cơ cấu, các loại phí liên quan đến cơ cấu nợ. Nguồn hỗ trợ của chương trình được triển khai theo Hiệp định viện trợ không hoàn lại trị giá 5 triệu USD - trích từ Quỹ Sáng kiến tài chính dành cho nữ doanh nhân (We-Fi), do ADB ủy thác quản lý.

Đáng chú ý, để tạo đòn bẩy kinh doanh cho các khách hàng WSME mới, BIDV giới thiệu Chương trình tài chính toàn diện với chính sách lãi suất tín dụng ngắn hạn, trung dài hạn và phí dịch vụ ưu đãi. Theo đó, khách hàng WSME đủ điều kiện sẽ được hưởng lãi suất cho vay năm đầu tiên tối đa 7,5%/năm cùng các ưu đãi lớn hấp dẫn như miễn/giảm phí dịch vụ tài khoản thanh toán, dịch vụ thanh toán quản lý dòng tiền, dịch vụ tài trợ thương mại/bảo lãnh, dịch vụ ngân hàng điện tử.

Khách hàng WSME sẽ được tham gia chương trình tư vấn kinh doanh chuyên biệt từ các chuyên gia hàng đầu, các nữ doanh nhân sẽ được nâng cao kiến thức hoạt động kinh doanh, đào tạo, hướng dẫn lập kế hoạch kinh doanh, quản lý tài chính, phân tích tài chính, dòng tiền của dự án, đồng thời cập nhật các sản phẩm dịch vụ mới, các cơ chế ưu đãi để gia tăng hiệu quả hoạt động kinh doanh.

Việc BIDV tiên phong triển khai Chương trình tài chính toàn diện giảm thiểu tác động của Đại dịch Covid-19 tới các doanh nghiệp WSME góp phần nâng cao năng lực tài chính cho doanh nghiệp WSME, giúp doanh nghiệp ổn định và phát triển hoạt động kinh doanh trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19.

Đây là một trong những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp WSME của BIDV triển khai thực hiện đồng thời với các Chương trình Hỗ trợ Doanh nghiệp WSME chuyển đổi số, xây dựng các giải pháp phi tài chính như: đào tạo trực tuyến, kết nối kinh doanh thiết kế riêng cho WSME theo Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (Quyết định 149/QĐ-TTg ngày 22 tháng 01 năm 2020).

Trước đó, hồi tháng 12/2020, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Chính phủ Việt Nam đã ký kết Hiệp định viện trợ không hoàn lại trị giá 5 triệu USD từ Quỹ Sáng kiến Tài chính dành cho nữ doanh nhân (We-FI) để hỗ trợ các DNNVV do phụ nữ làm chủ của Việt Nam đang bị  dịch Covid-19 làm suy yếu khả năng tiếp cận tài chính.

Thay mặt cho Chính phủ, bà Nguyễn Thị Hồng, Thống đốc NHNN Việt Nam đã ký kết hiệp định với ông Andrew Jeffries, Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam thay mặt cho ADB.

Khoản viện trợ này sẽ tài trợ cho Dự án Cứu trợ Covid-19 cho các DNNVV do phụ nữ làm chủ, với mục tiêu khuyến khích các ngân hàng tham gia ở Việt Nam tái cơ cấu những khoản vay hiện thời hoặc mở rộng các khoản vay mới cho ít nhất 500 doanh nghiệp. Nguồn vốn sẽ được giải ngân trên cơ sở “đến trước, phục vụ trước”, do vậy các ngân hàng sẽ phải cạnh tranh để thu hút vốn và có động lực để tích cực chủ động tìm kiếm những doanh nghiệp đủ điều kiện.

Lợi ích kinh tế của dự án có thể đến từ việc giúp các DNNVV do phụ nữ làm chủ tránh phá sản, duy trì việc làm và tiếp cận tín dụng tại thời điểm các ngân hàng giảm cho vay.

Được biết, We-Fi được điều hành bởi 14 quốc gia sáng lập góp vốn và do Ngân hàng Thế giới quản lý. Quỹ này đặt mục tiêu huy động hơn 1 tỉ USD nguồn vốn từ các thể chế tài chính quốc tế và thương mại để cải thiện môi trường kinh doanh cho cácDNNVV do phụ nữ làm chủ hoặc lãnh đạo. Năm 2019, ADB đã nhận được 20,19 triệu USD từ We-Fi để hỗ trợ các DNNVV do phụ nữ làm chủ tiếp cận nguồn tài chính và đào tạo ở Việt Nam và Thái Bình Dương.

H. An