Chứng khoán Mỹ đang giao dịch ở mức đắt đỏ nhất trong nhiều năm, khi chỉ số S&P 500 duy trì mức định giá trên 22 lần lợi nhuận dự báo trong 12 tháng tới – một ngưỡng chỉ xuất hiện khoảng 7% thời gian trong 40 năm qua, theo dữ liệu từ LSEG Datastream. Điều này khiến giới đầu tư tranh luận gay gắt: Liệu mức định giá cao này có hợp lý, trong bối cảnh các công ty công nghệ có lợi nhuận lớn thống trị thị trường, hay là dấu hiệu cảnh báo một đợt điều chỉnh sắp xảy ra?
![]() |
Chứng khoán Mỹ lập đỉnh, định giá cổ phiếu có đang quá cao? |
Theo ông Keith Lerner - đồng Giám đốc đầu tư tại Truist Advisory Services: “Xét theo mọi thước đo lịch sử, thị trường đang được định giá ở mức cao. Câu hỏi đặt ra là liệu điều đó có hợp lý trong giai đoạn hiện tại hay không?”.
Sự bùng nổ của cổ phiếu công nghệ và kỳ vọng về tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp đã giúp S&P 500 tăng hơn 25% kể từ tháng 4/2025, bất chấp lo ngại về tác động tiêu cực từ chính sách thuế đối ứng mà Tổng thống Donald Trump công bố. Chỉ tính riêng trong năm 2025, chỉ số này đã tăng 6%, nâng mức tăng trong ba năm qua lên trên 60%.
Tính đến ngày 16/7, chỉ số P/E dự phóng của S&P 500 đạt 22,2, cao hơn 40% so với mức trung bình 40 năm, và cao hơn khoảng 20% so với trung bình 10 năm. Tỷ lệ giá trên doanh thu (P/S) của chỉ số này cũng đang cao hơn 60% so với mức trung bình hai thập kỷ.
P/E (Price-to-Earnings) là tỷ số giữa giá cổ phiếu và lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu (EPS). Nó cho biết nhà đầu tư đang trả bao nhiêu tiền cho 1 đồng lợi nhuận mà doanh nghiệp tạo ra. Ví dụ, P/E = 10 nghĩa là bạn bỏ 10 đồng để mua 1 đồng lợi nhuận.
Đây là chỉ số phổ biến để đánh giá mức độ đắt – rẻ của cổ phiếu. |
Tuy nhiên, một số nhà đầu tư cho rằng các yếu tố cấu trúc đang thay đổi: sự thống trị ngày càng lớn của nhóm cổ phiếu công nghệ – vốn có lợi nhuận biên cao và tốc độ tăng trưởng vượt trội, có thể biện minh cho mức định giá cao hơn lịch sử.
Biên lợi nhuận hoạt động của S&P 500 hiện đạt 12%, tăng mạnh so với mức 9% của năm 2014, theo dữ liệu từ S&P Dow Jones Indices. Bên cạnh đó, dòng vốn đều đặn từ các quỹ hưu trí, cùng với chi phí đầu tư cổ phiếu giảm nhờ quỹ chỉ số, cũng được xem là yếu tố hỗ trợ mức định giá cao.
Ông Ed Clissold - chiến lược gia trưởng tại Ned Davis Research - nhận định, mặc dù định giá cao thường đồng nghĩa với lợi nhuận đầu tư dài hạn thấp hơn, chúng không phải là công cụ hiệu quả để dự báo thị trường trong ngắn hạn. Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo: “Phần lớn các kỳ vọng tích cực đã được phản ánh vào giá cổ phiếu hiện nay”.
![]() |
Chỉ tính riêng trong năm 2025, chỉ số S&P 500 đã tăng 6%; còn tính từ đáy tháng 4/2025, mức tăng được ghi nhận là 25% (Ảnh: Trading Economics) |
Không ít nhà đầu tư vẫn thận trọng, lo ngại rằng định giá cao khiến thị trường dễ bị tổn thương nếu có bất kỳ cú sốc nào. Một trong những rủi ro là nguy cơ Mỹ không đạt được thỏa thuận thương mại trước thời điểm tăng thuế ngày 1/8, có thể kéo theo làn sóng trừng phạt thuế mới đối với nhiều đối tác thương mại lớn.
Ngoài ra, căng thẳng giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) Jerome Powell, với khả năng ông Powell bị thay thế, cũng có thể khiến thị trường trái phiếu và tỷ giá USD biến động mạnh.
Mùa báo cáo tài chính quý II/2025 đang bắt đầu, với kỳ vọng lợi nhuận toàn thị trường tăng 6,5% so với cùng kỳ, theo LSEG IBES. Tuy nhiên, trọng tâm của giới đầu tư hiện đã chuyển sang năm 2026, với kỳ vọng lợi nhuận tăng tới 14%. Ông David Bianco - Giám đốc đầu tư khu vực châu Mỹ tại DWS Group - nhận định: “Thị trường đang tin rằng S&P 500 có thể tăng trưởng lợi nhuận đều đặn ở mức khoảng 10% mỗi năm”.
Một yếu tố khác có thể hỗ trợ cho mức định giá hiện tại là sự bùng nổ của AI, nếu nó thực sự thúc đẩy tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp trong dài hạn. Nhưng với lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm duy trì quanh mức 4,5%, mức cao hơn nhiều so với thập kỷ qua, nhiều nhà đầu tư đang cân nhắc chuyển hướng sang các tài sản ít rủi ro hơn.
![]() |
![]() |
![]() |