Chủ sàn thương mại điện tử lo lắng nghị định làm khó thu hút vốn ngoại

10:31 15/01/2021

Tại Hội thảo góp ý dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 52/2013 (NĐ52) về thương mại điện tử mới đây, nhiều chuyên gia, luật sư, chủ sàn cũng bày tỏ lo ngại nghị định sẽ bó hẹp không gian phát triển, làm khó chủ sàn.

Bộ Công Thương đang trình Chính phủ sửa đổi Nghị định 52/2013 về thương mại điện tử theo hướng tăng trách nhiệm chủ sàn thương mại điện tử, người bán hàng trên mạng để bảo vệ người tiêu dùng.     

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ.

Song, tại Hội thảo góp ý dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 52/2013 (NĐ52) về thương mại điện tử do Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức mới đây tại Hà Nội, nhiều chuyên gia, luật sư, chủ sàn cũng bày tỏ lo ngại việc sửa đổi NĐ52 sẽ bó hẹp không gian phát triển, làm khó chủ sàn.

Ông Nguyễn Đắc Việt Dũng, chủ tịch HĐQT Công ty CP Sen Đỏ - đơn vị sở hữu sàn thương mại điện tử sendo.vn, cho biết các sàn trong nước phải cạnh tranh quyết liệt với các doanh nghiệp từ Singapore, Indonesia, nên bất cứ rào cản chính sách nào cũng ảnh hưởng tới khả năng hút vốn đầu tư vào TMĐT.

"Có nhiều rào cản thì nhà đầu tư đã đầu tư vào rồi cũng thoái vốn", ông Dũng lo ngại.

Ảnh hưởng tính cạnh tranh thị trường

Đề cập đến chính sách quản lý đối với TMĐT, ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển truyền thông cho rằng, không nên siết quá với nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực này tại thời điểm hiện tại, vì đây là thời điểm thị trường cần có tính cạnh tranh lành mạnh.

“Dự thảo đưa ra quy định nhưng rất khó xác định tiêu chuẩn thế nào là công ty công nghệ có uy tín, điều này sẽ dẫn đến những khó khăn để định danh, xác định các tiêu chí. Ban soạn thảo sẽ tự làm khó mình khi đưa ra tiêu chí như vậy. Điều này hoàn toàn không khả thi và nên loại bỏ”, ông Đồng nói.

Ông Nguyễn Quang Đồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách phát triển và Truyền thông - cho rằng, dự thảo nghị định đang có nhiều điểm tiếp cận cần xem xét lại.

Theo ông Đồng, không nên vì phục vụ sự thuận tiện của cơ quan quản lý mà yêu cầu các sàn phải tạo mục cung cấp thông. "Bộ Công Thương sẽ tự làm khó mình khi đưa ra những quy định hoàn toàn không khả thi. Nếu quy định thắt chặt các điều kiện thì sẽ rất dễ rơi vào bẫy không khuyến khích được sự phát triển", ông Đồng nói.

Cũng tại hội thảo, ông Sách Danh Trung, luật sư của Công ty luật quốc tế Baker & McKenzie đã góp ý về điều kiện tiếp cận thị trường với các nhà đầu tư nước ngoài trong TMĐT của dự thảo.

“Dự thảo quy định thiết lập các danh sách doanh nghiệp nước ngoài có tên tuổi trong TMĐT, vậy doanh nghiệp nào được xem là doanh nghiệp thuộc đối tượng này để đưa vào danh sách. Một số hoạt động đầu tư phải được xem xét bởi Bộ Công an và Bộ Kế hoạch và Đầu tư, và quy định này được xác định với doanh nghiệp chiếm ưu thế trên thị trường. Nhưng làm sao để xác định doanh nghiệp đó có chiếm ưu thế trên thị trường hay không”, ông Trung băn khoăn.

Bên cạnh đó, quy định về chiếm vị trí thống lĩnh được quy định tại Luật Cạnh tranh nhưng luật sửa đổi của luật này vừa có hiệu lực. Một số quy định trong luật này chưa được giải nghĩa rõ ràng đang gây nhiều tranh cãi. Nên việc đưa vào dự thảo quy định cạnh tranh hay vị trí thống lĩnh thị trường có thể sẽ gây ra thêm nhiều cuộc tranh cãi mới...

Với việc dự thảo quy định khi nào doanh nghiệp nước ngoài sẽ phải chịu sự điều chỉnh về kiểm toán, kiểm soát... ông Sách Danh Trung cho rằng đã có nhiều quy định của pháp luật Việt Nam về nội dung này. Giờ đưa ra thêm những quy định tại dự thảo thì các doanh nghiệp nước ngoài thấy Chính phủ Việt Nam đang quản lý chặt hơn các doanh nghiệp nước ngoài và hoạt động đầu tư vào Việt Nam. Họ sẽ đưa ra câu hỏi liệu Việt Nam có phải là điểm đến thú vị hay không, liệu Việt Nam có đang hỗ trợ, thu hút đầu tư nước ngoài không. Trong khi đó, hiện có nhiều hoạt động mua bán sáp nhập giữa doanh nghiệp nước ngoài và trong nước trong lĩnh vực TMĐT.

Các sàn thuơng mại điện tử khó hút vốn ngoại

Ông Nguyễn Thanh Hưng, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam (Vecom) cho rằng, những năm gần đây hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài vào TMĐT tiến triển khá tốt. Nhưng, với dự thảo quy định nêu trên, các nhà đầu tư nước ngoài đang muốn đầu tư vào TMĐT sẽ e ngại vì nhìn thấy những rủi ro nhất định.

Ông Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty luật SB Law cho biết, việc yêu cầu khi cấp, điều chỉnh, thay đổi đăng ký các giấy tờ kinh doanh phải xin ý kiến của Bộ Công Thương sẽ tăng thủ tục hành chính. Bởi khi làm thủ tục đầu tư, doanh nghiệp đã phải xin giấy phép từ Bộ Kế hoạch & Đầu tư. Ông nhấn mạnh, việc hỏi lại ý kiến Bộ Công Thương khi điều chỉnh, sẽ chồng chéo và gây xung đột vì chức năng cấp phép đầu tư thuộc cơ quan đăng ký đầu tư. Điều này sẽ gây bất an cho nhà đầu tư.

Một quy định khác tại dự thảo này là các nhà đầu tư nước ngoài thuộc danh sách các công ty công nghệ uy tín toàn cầu trong lĩnh vực thương mại điện tử do Bộ Công Thương công bố định kỳ mới được phép tiếp cận thị trường. Quy định này bị đánh giá sẽ hạn chế số lượng vốn ngoại rót vào Việt Nam.

Ông Nguyễn Thanh Hà và Nguyễn Quang Đồng có chung nhận xét khi cho rằng, quy định về "công ty công nghệ uy tín toàn cầu" khó xác định tiêu chuẩn, dễ mang tính chủ quan, không rõ ràng, dẫn đến những khó khăn để định danh, xác định các tiêu chí. Các chuyên gia cho rằng quy định này không khả thi và cần loại bỏ.

Góp ý về Khoản 67c của dự thảo, ông Nguyễn Đắc Việt Dũng, Chủ tịch sàn TMĐT Sendo lo lắng rằng điều khoản về đầu tư có thể sẽ làm cho thị trường TMĐT Việt Nam mất đi tính thu hút

“Khi doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào TMĐT Việt Nam, họ không chỉ nhìn vào việc đầu tư có hiệu quả hay không mà họ còn nhìn vào khả năng thoái vốn. Do đó, quy định trong dự thảo có thể gây khó khăn cho nhà đầu tư khi họ muốn bán lại hoặc muốn chuyển nhượng khoản đầu tư cho nhà đầu tư khác. Và điều này sẽ ảnh hưởng đến việc thu hút đầu tư vào TMĐT”, ông Dũng chia sẻ.

Điều khoản về đầu tư có thể sẽ làm cho thị trường TMĐT Việt Nam mất đi tính thu hút
Điều khoản về đầu tư có thể sẽ làm cho thị trường TMĐT Việt Nam mất đi tính thu hút.

Dòng tiền của các doanh nghiệp TMĐT trong nước hiện phụ thuộc lớn vào các nhà đầu tư nước ngoài, nếu nhà đầu tư ngừng lại và không tiếp tục rót vốn, doanh nghiệp trong nước và thị trường trong nước đều gặp khó khăn.

Tại Điểm 2b trong Điều 67c và của dự thảo quy định các nhà đầu tư nước ngoài phải thuộc các công ty công nghệ uy tín toàn cầu, theo ông Nguyễn Đắc Việt Dũng, sẽ gây ảnh hưởng cho các sàn TMĐT trong nước như Sendo, Tiki đang cần gọi vốn, chứ không ảnh hưởng đến các sàn đa quốc gia như Shoppee, Lazada vì nguồn vốn đầu tư nước ngoài của họ chủ yếu đến từ công ty mẹ.

“Các nhà đầu tư vào các sàn TMĐT nội địa ở các vòng gọi vốn khác nhau thường có thành phần và quy mô đa dạng, họ có thể là các công ty công nghệ uy tín toàn cầu, có thể là các quỹ đầu tư. Vì nhu cầu gọi vốn của các sàn TMĐT là rất lớn, phải kêu gọi từ nhiều nguồn. Trong đó, có cả những quỹ đầu tư nhỏ, có cả những doanh nghiệp nước ngoài nhưng không phải hàng đầu thế giới”, ông Dũng giải thích.

Như vậy, quy định mới có khả răng tạo rào cản cho doanh nghiệp trong nước tiếp cận vốn đầu tư, bởi hạn chế danh sách các nhà đầu tư nước ngoài. Do đó, doanh nhân này kiến nghị cần tạo môi trường thông thoáng hơn về đầu tư, và đề xuất nên bỏ Điều khoản 2b ra khỏi dự thảo.

TH