Cho vay tiêu dùng đứng đầu nhóm các lĩnh vực có nợ xấu cao

23:30 24/05/2022

Ủy ban Kinh tế đề nghị phân tích rõ hơn nguyên nhân dẫn đến số nợ xấu được xác định theo Nghị quyết số 42 đến nay còn ở mức khá cao và có xu hướng gia tăng.

Sáng 24/5, bà Nguyễn Thị Hồng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã báo cáo trước Quốc hội việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017 ngày 21/6/2017 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và đề nghị việc kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết này.

Sau đó, đại diện cơ quan thẩm tra, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cho biết cơ bản thống nhất với Báo cáo của Chính phủ về đánh giá kết quả thí điểm xử lý nợ xấu theo Nghị quyết số 42.

Cho vay tiêu dùng đứng đầu nhóm các lĩnh vực có nợ xấu cao
Cho vay tiêu dùng đứng đầu nhóm các lĩnh vực có nợ xấu cao.

Ông Vũ Hồng thanh đưa ra lưu ý, kết quả xử lý nợ xấu chưa thực sự vững chắc. Bởi lẽ, thực trạng nợ xấu cho thấy nền kinh tế vẫn tiềm ẩn rủi ro, một số biện pháp áp dụng theo Nghị quyết số 42 chưa phát huy hiệu quả (như áp dụng thủ tục rút gọn tại Tòa án...).

Thêm vào đó, đối với nợ xấu nói chung, xử lý bằng dự phòng rủi ro còn chiếm tỷ lệ cao. Ngoài ra, một số lĩnh vực có số nợ xấu chiếm tỷ trọng cao so với nợ xấu của toàn hệ thống. Cụ thể đó là 3 lĩnh vực: bất động sản (chiếm 18,4%); cho vay tiêu dùng (chiếm 25,8%); BOT, BT giao thông (3,92%)...

Vì vậy, Ủy ban Kinh tế đề nghị phân tích rõ hơn nguyên nhân dẫn đến số nợ xấu được xác định theo Nghị quyết số 42 đến nay còn ở mức khá cao và có xu hướng gia tăng; các giải pháp đã triển khai thực hiện để nhận diện cũng như kiểm soát rủi ro đối với các khoản cho vay, nhất là các khoản thuộc các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao.

Trước áp lực nợ xấu của các tổ chức tín dụng dự báo sẽ gia tăng trong thời gian tới, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ, Ngân hàng nhà nước có các giải pháp để hướng dòng vốn tín dụng vào khu vực sản xuất, kinh doanh, kiểm soát chặt chẽ tăng trưởng “nóng” vào các tài sản tiềm ẩn rủi ro cao, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động cho vay, đầu tư vào các tài sản này; Xây dựng các kịch bản ứng phó linh hoạt với những biến động của thị trường tiền tệ thế giới nhằm bảo đảm nguồn vốn được khơi thông.

PV