Chính phủ có thêm chính sách thuế mới hỗ trợ doanh nghiệp

15:14 05/04/2021

Nghị định số 44/2021/NĐ-CP hướng dẫn thực hiện về chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp (DN), tổ chức cho các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19.

Để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, Bộ Tài chính đã chủ động trình Chính phủ ban hành hàng loạt chính sách gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất, miễn giảm lệ phí trước bạ…, nhằm giúp doanh nghiệp có dòng tiền duy trì sản xuất kinh doanh. Mới đây nhất, ngày 31/3/2021, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị định số 44/2021/NĐ-CP hướng dẫn thực hiện về chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp (DN), tổ chức cho các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19. 

  Chính phủ có thêm chính sách thuế mới hỗ trợ doanh nghiệp.

Theo quy định của Nghị định số 44/2021/NĐ-CP, DN được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ bằng tiền, hiện vật cho các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 tại Việt Nam thông qua các đơn vị nhận ủng hộ, tài trợ. Các đơn vị nhận ủng hộ, tài trợ gồm: Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp; cơ sở y tế; đơn vị lực lượng vũ trang; đơn vị, tổ chức được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giao nhiệm vụ làm cơ sở cách ly tập trung; cơ sở giáo dục; cơ quan báo chí; các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; tổ chức đảng, đoàn thanh niên, công đoàn các cấp ở trung ương và địa phương; cơ quan, đơn vị chính quyền địa phương các cấp có chức năng huy động tài trợ; Quỹ phòng, chống dịch Covid-19 các cấp; Cổng thông tin điện tử nhân đạo quốc gia; quỹ từ thiện, nhân đạo và tổ chức có chức năng huy động tài trợ được thành lập, hoạt động theo quy định của pháp luật.

Đồng thời, Nghị định cũng quy định, các đơn vị nhận ủng hộ, tài trợ có trách nhiệm sử dụng, phân phối đúng mục đích của khoản ủng hộ, tài trợ cho các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 đã tiếp nhận.

Đối với hồ sơ xác định khoản chi ủng hộ, tài trợ gồm có: Biên bản xác nhận ủng hộ, tài trợ theo mẫu ban hành kèm theo nghị định này hoặc văn bản, tài liệu (hình thức giấy hoặc điện tử) xác nhận khoản chi ủng hộ, tài trợ có chữ ký, đóng dấu của người đại diện DN là bên ủng hộ, tài trợ và đại diện của đơn vị nhận ủng hộ, tài trợ; kèm theo hóa đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật của khoản ủng hộ, tài trợ bằng tiền hoặc hiện vật.

Chia sẻ với phóng viên, ông Thomas Mc. Clelland - Chủ tịch Tiểu ban Thuế và Chuyển giá của Eurocham (Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam) cho rằng, các chính sách hỗ trợ DN về thuế trong năm qua, khi DN chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 là hết sức tích cực.

Theo ông Thomas Mc. Clelland, những chính sách như: giãn thuế cho các DN, giảm thuế TNDN ở mức 30% đối với DN có doanh thu đến năm 2020 dưới 200 tỷ đồng, được khấu trừ thuế đối với các khoản chi cho Covid-19, tăng giảm trừ người phụ thuộc và giảm trừ gia cảnh đối với thuế thu nhập cá nhân..., đã thể hiện sự quan tâm của Chính phủ đối với cộng đồng DN và hỗ trợ hữu ích cho DN trong việc giải tỏa gánh nặng tài chính trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 có diễn biến phức tạp.

Ông Trần Ngọc Sinh – Giám đốc phụ trách kinh doanh Công ty CP Tập đoàn Tiến Bộ (Thái Nguyên) chia sẻ, nhờ có chính sách hỗ trợ đúng đắn, kịp thời của Chính phủ và sự đồng hành của các ngành chức năng, đã động viên, khích lệ giúp DN vượt qua khó khăn trong giai đoạn hiện nay, sẵn sàng phục hồi sản xuất kinh doanh khi dịch bệnh được kiểm soát.

Ông Cao Anh Tuấn - Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, để hỗ trợ DN, người dân ứng phó với dịch Covid-19 phù hợp với bối cảnh, điều kiện của đất nước, theo đó, ngành Thuế đã tập trung lắng nghe ý kiến của DN cũng như nắm bắt khó khăn của DN. Qua đó, xây dựng các giải pháp hỗ trợ sát với thực tế, cũng như tham khảo ý kiến rộng rãi của cơ quan, tổ chức, cộng đồng DN và người dân trong toàn xã hội nhằm đưa các giải pháp nhanh chóng tới được các đối tượng cần hỗ trợ. Đặc biệt, tại các văn bản quy phạm pháp luật được Bộ Tài chính ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành đều đã quy định rõ việc áp dụng ngay các giải pháp hỗ trợ mà không phải chờ báo cáo mức độ ảnh hưởng của DN. Các đối tượng thụ hưởng sẽ tự xác định, kê khai số thuế phải nộp dựa trên quy định của pháp luật về thuế và điều kiện thực tế của mình, đảm bảo việc thực hiện công khai, minh bạch và thuận lợi.

“Có thể thấy, việc thực hiện thực hiện các gói giảm, giãn thuế đã ảnh hưởng đến tiến độ công tác thu ngân sách do ngành Thuế thực hiện. Tuy nhiên, một kết quả rất mừng là đến cuối năm 2020, cơ bản là 96% số thuế được gia hạn của các DN đã nộp lại cho ngân sách nhà nước (NSNN). Điều đó cho thấy, các DN cơ bản đã phục hồi; đồng thời, ý thức tuân thủ pháp luật của các DN cũng rất tốt và đặc biệt trong bối cảnh khó khăn cộng đồng DN đã chung tay cùng Nhà nước thực hiện tốt nghĩa vụ NSNN”, ông Cao Anh Tuấn chia sẻ thêm.

PV