Châu Âu tiêu tốn hàng trăm tỷ euro nhằm làm dịu cuộc khủng hoảng năng lượng

10:25 23/09/2022

Chính phủ các nước châu Âu đã công bố nhiều biện pháp khẩn cấp để bảo vệ các hộ gia đình và doanh nghiệp khỏi cuộc khủng hoảng năng lượng bắt nguồn từ cuộc xung đột Nga - Ukraine.

Ảnh minh họa
Kể từ tháng 9/2021, các nước EU đã chi ra 314 tỷ euro cho cuộc khủng hoảng năng lượng.

Tính từ thời điểm căng thẳng leo thang thành xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine vào cuối tháng 2 năm nay, các Chính phủ đã chi hàng trăm tỷ euro thông qua một loạt biện pháp nhằm làm dịu bớt tác động của cuộc khủng hoảng: giới hạn giá khí đốt và điện; giải cứu các công ty năng lượng đang gặp khó khăn và trợ cấp trực tiếp cho các hộ gia đình…

Giới quan sát cho rằng, những khoản chi này sẽ còn tiếp tục tăng trong giai đoạn tới, gây thêm sức ép lên chi tiêu công dù các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã tích lũy những khoản nợ khổng lồ để cứu trợ nền kinh tế trong giai đoạn đại dịch COVID-19 hoành hành.

Tại châu Âu, Đức đứng đầu danh sách chi tiêu với 100,2 tỷ euro (tương đương 2,8% GDP) khi nước này bị ảnh hưởng nặng nề do phụ thuộc quá nhiều vào nguồn cung cấp khí đốt của Nga. Nguồn cung này vốn đã giảm dần do nhiều lí do khác nhau nhưng giới quan sát các Chính phủ châu Âu cho rằng đó có thể là hành động trả đũa của Nga đối với các biện pháp trừng phạt từ phương Tây liên quan tới cuộc chiến ở Ukraine.

Viện Bruegel - một tổ chức tư vấn chính sách hiện đang theo dõi cách chi tiêu của các chính phủ EU trong cuộc khủng hoảng năng lượng đã xếp Italy là nước chi tiêu nhiều thứ 2 ở châu Âu, chỉ đứng sau Đức. Từ tháng 9/2021, Rome đã phân bổ 59,2 tỷ euro để bảo vệ các hộ gia đình và doanh nghiệp trước xu hướng giá năng lượng tăng cao. Khoản chi đó tương đương 3,3% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này.

Cũng theo thống kê của Viện Bruegel, Pháp chi tiêu nhiều thứ 3 tại châu Âu với 53,6 tỷ euro được phân bổ kể từ khi nước này bảo vệ người tiêu dùng khỏi việc tăng giá điện và khí đốt vào đầu tháng 11/2021. Con số trên tương đương 2,2% GDP của Pháp.

Nhìn chung kể từ tháng 9/2021, các nước EU đã chi ra 314 tỷ euro cho cuộc khủng hoảng năng lượng. Ông Simone Tagliapietra, một thành viên cấp cao tại Viện Bruegel đưa ra nhận định con số trên sẽ tăng lên khi giá năng lượng vẫn leo thang. Dù vậy, ngân hàng đầu tư Mỹ Goldman Sachs dự báo hóa đơn năng lượng của một gia đình châu Âu điển hình có thể lên tới 500 euro mỗi tháng vào đầu năm sau, so với 160 euro vào năm 2021.

Việc chi tiêu mạnh tay diễn ra sau khi các nước đã tiến hành những chính sách đối phó với đại dịch và làm gia tăng nợ công. Trong quý đầu tiên, nợ công tương đương tới 189% GDP của Hy Lạp, 153% ở Italy, 127% ở Bồ Đào Nha, 118% ở Tây Ban Nha và 114% ở Pháp.

Chi tiêu cao hơn cũng đi kèm với chi phí đi vay ngày một tăng. Vào tháng 7/2022, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã tăng lãi suất lần đầu tiên trong hơn một thập kỷ để chống lại lạm phát phi mã - vốn là một hệ quả từ giá năng lượng tăng cao.

Lợi suất trái phiếu Chính phủ Pháp kỳ hạn 10 năm cũng đạt mức cao nhất trong 8 năm là 2,5% vào ngày 20/9, trong khi trái phiếu Đức hiện có mức lợi suất 1,8% sau khi bắt đầu năm 2022 với lợi suất âm. Lợi suất của trái phiếu Italy đã tăng gấp 4 lần - từ 1% hồi đầu năm nay lên 4% trong hiện tại. Diễn biến đó làm sống lại “bóng ma” của cuộc khủng hoảng nợ đe dọa Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu euro (Eurozone) một thập kỷ trước.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã kêu gọi EU cải cách các quy tắc ngân sách. Khu vực châu Âu phải tránh để xảy ra các cuộc khủng hoảng nợ vốn gây nhiều bất ổn lớn và khiến chính EU gặp rủi ro.

EU đã đình chỉ các quy tắc hạn chế thâm hụt ngân sách của các nước ở mức tương đương 3% GDP và nợ ở mức 60% GDP cho đến năm 2023. Tháng sau, Ủy ban châu Âu sẽ đưa ra đề xuất cải cách các quy tắc ngân sách của khối 27 quốc gia, vốn đã bị phá vỡ bởi các cuộc khủng hoảng liên tiếp.

Chuyên gia Tagliapietra cho biết, ban đầu, các biện pháp chi tiêu này được thiết kế như phản ứng tạm thời đối với những gì được cho là vấn đề tạm thời. Tuy nhiên chúng đã phát triển mạnh mẽ và trở thành một phần cấu trúc tài chính tại nhiều nước. Từ góc độ tài chính công, điều này rõ ràng không hề bền vững. Điều quan trọng là các Chính phủ phải nỗ lực tập trung những hành động đó vào các hộ gia đình và doanh nghiệp dễ bị tổn thương nhất có thể.

PV