Bài liên quan |
Hội nghị quốc tế nâng cao năng lực thâm nhập thị trường Trung Quốc cho doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng và chanh leo Việt Nam |
Năm 2025, chanh leo Việt Nam sẽ chính thức được cấp phép xuất khẩu sang Hoa Kỳ, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong hành trình thâm nhập các thị trường khó tính. Thành quả này là kết quả của quá trình đàm phán kéo dài giữa Việt Nam và Hoa Kỳ về các biện pháp kiểm dịch thực vật, đồng thời phản ánh nỗ lực không ngừng của ngành nông nghiệp Việt Nam trong việc nâng cao chất lượng và tiêu chuẩn sản phẩm.
Theo Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), các bước đàm phán kỹ thuật liên quan đến chanh leo đã được hoàn tất. Hiện nay, hai bên đang hoàn thiện các thủ tục pháp lý cuối cùng. Việc chanh leo được phép xuất khẩu sang Hoa Kỳ không chỉ là tín hiệu tích cực cho ngành rau quả Việt Nam mà còn tạo động lực lớn để mở rộng xuất khẩu sang nhiều thị trường khó tính khác.
Chanh leo Việt Nam chuẩn bị "lên đường" sang Hoa Kỳ |
Việt Nam hiện đã xuất khẩu chanh leo sang 20 quốc gia với các hình thức như quả tươi, đông lạnh và nước ép. Diện tích trồng chanh leo cả nước ước đạt hơn 12.000 ha, tập trung chủ yếu tại miền núi phía Bắc và Tây Nguyên. Sản lượng hàng năm đạt khoảng 200.000 tấn, trong đó 80% được dành cho xuất khẩu. Hai giống chanh dây chính – chanh leo vàng và chanh leo tím – được sản xuất theo chuỗi giá trị khép kín, đảm bảo truy xuất nguồn gốc, đáp ứng tiêu chuẩn cao của thị trường quốc tế. Những nỗ lực này đã giúp Việt Nam trở thành một trong những quốc gia sản xuất và xuất khẩu chanh leo lớn nhất thế giới, chỉ đứng sau Brazil, Colombia, Ecuador và Peru.
Trong 5 năm qua, sản lượng và kim ngạch xuất khẩu chanh leo Việt Nam đã tăng hơn 300%, đưa loại trái cây này vào nhóm 10 mặt hàng xuất khẩu có giá trị cao nhất. Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu chanh leo đạt hơn 222 triệu USD, đóng góp đáng kể vào sự phát triển chung của ngành rau quả. Bên cạnh đó, báo cáo của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho thấy kim ngạch xuất khẩu rau quả trong 11 tháng đầu năm 2024 đạt gần 6,62 tỷ USD, tăng 27,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Dự kiến, tổng kim ngạch xuất khẩu ngành này sẽ đạt khoảng 7,2 tỷ USD trong năm nay.
Mặc dù tháng 11/2024 ghi nhận mức giảm nhẹ kim ngạch xuất khẩu rau quả sang các thị trường như Trung Quốc và Đài Loan (Trung Quốc), nhưng sự tăng trưởng tại các thị trường Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản và Australia đã bù đắp phần nào. Đặc biệt, kim ngạch xuất khẩu rau quả sang Hoa Kỳ tiếp tục tăng mạnh, minh chứng cho việc chất lượng sản phẩm của Việt Nam ngày càng đáp ứng tốt các yêu cầu khắt khe từ đối tác quốc tế.
Ông Nguyễn Quang Hiếu, Phó cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, nhấn mạnh rằng, việc đàm phán mở cửa thị trường cho một sản phẩm mới thường mất từ 3 đến 5 năm, đặc biệt với các sản phẩm yêu cầu kỹ thuật cao. Những nỗ lực đàm phán kiên trì, bắt đầu từ việc xây dựng hồ sơ kỹ thuật từ năm 2016, đã giúp chanh leo có cơ hội chinh phục thị trường Hoa Kỳ.
Để duy trì và mở rộng thị trường xuất khẩu, các doanh nghiệp và người nông dân cần chú trọng đầu tư công nghệ hiện đại, áp dụng quy trình canh tác bền vững và phối hợp chặt chẽ với cơ quan quản lý. Việc tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn kiểm dịch không chỉ đảm bảo chất lượng sản phẩm mà còn là chìa khóa để ngành rau quả Việt Nam khẳng định vị thế trên thị trường quốc tế, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của nông nghiệp nước nhà.