![]() |
Thị trường nhóm nông sản 24/4: Lúa mì giảm, đậu tương tăng |
Thị trường lúa mì
Phiên giao dịch ngày thứ Tư ghi nhận sự sụt giảm của các hợp đồng lúa mì tương lai trên Sàn giao dịch Chicago (CBOT), trong bối cảnh điều kiện thời tiết tại Mỹ và khu vực Biển Đen có nhiều tín hiệu tích cực, cùng với sự phục hồi nhẹ của đồng USD.
Hợp đồng lúa mì đỏ mềm mùa đông tháng 7 (WN25) giảm 6,75 cent, còn 5,4305 USD/giạ. Lúa mì cứng đỏ mùa đông tháng 7 giao dịch trên sàn Kansas City (KWN25) cũng giảm 8 cent, xuống còn 5,5025 USD/giạ. Trong khi đó, lúa mì xuân tháng 7 trên sàn Minneapolis (MWEN25) giảm 3,25 cent, về mức 6,07 USD/giạ.
Theo Công ty Dự báo thời tiết Commodity Weather Group, những cơn mưa xuất hiện tại vùng đồng bằng Mỹ sẽ giúp giảm áp lực khô hạn đối với cây trồng trong thời gian tới. Cùng lúc, đơn vị dự báo Vaisala nhận định thời tiết khô ráo và ấm áp đã hỗ trợ các hoạt động đồng ruộng tại khu vực Biển Đen, trong khi những đợt mưa sắp tới sẽ góp phần cải thiện độ ẩm đất cho lúa mì mùa đông.
Bên cạnh đó, sự phục hồi thận trọng của đồng USD nhờ triển vọng hạ nhiệt căng thẳng thương mại khi Tổng thống Donald Trump rút lại ý định sa thải Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ cũng là yếu tố tác động tới thị trường. Đồng USD mạnh khiến hàng hóa Mỹ trở nên đắt đỏ hơn trên thị trường quốc tế, làm giảm sức cạnh tranh xuất khẩu.
Tuy nhiên, thị trường vẫn ghi nhận hoạt động mua tích cực. Các thương nhân châu Âu cho biết một nhóm nhà máy xay bột tại Hàn Quốc đã mua hơn 50.000 tấn lúa mì xay xát có xuất xứ từ Mỹ trong một cuộc đấu thầu quốc tế diễn ra cùng ngày.
Thị trường đậu tương
Trái ngược với xu hướng của lúa mì, giá đậu tương tương lai đã tăng vượt mốc 10,4 USD/giạ, mức cao nhất kể từ ngày 24/2 nhờ tâm lý lạc quan về triển vọng hạ nhiệt xung đột thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới là Mỹ và Trung Quốc.
Tổng thống Trump phát tín hiệu ôn hòa hơn khi tuyên bố không còn ý định cách chức Chủ tịch Fed, đồng thời đề xuất khả năng cắt giảm thuế với hàng hóa Trung Quốc. Những phát ngôn này đã tạo ra làn sóng tích cực trên thị trường. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent cũng bày tỏ quan điểm lạc quan, dù thừa nhận quá trình đàm phán với Bắc Kinh sẽ không dễ dàng.
Giới đầu tư kỳ vọng sự xoa dịu căng thẳng có thể mở ra cơ hội nối lại thương mại nông sản, đặc biệt là với mặt hàng đậu tương vốn từng là tâm điểm trong các vòng trả đũa thuế quan giữa hai nước. Dù Trung Quốc hiện đã hoàn tất các đơn hàng đậu tương Mỹ, xu hướng mua vào từ các nhà đầu tư vẫn được thúc đẩy nhờ hoạt động mua kỹ thuật, góp phần duy trì đà tăng của giá.