![]() |
Thị trường nguyên liệu công nghiệp 25/4: Cà phê tăng, ca cao giảm nhẹ, đường ít bến động |
Chốt phiên giao dịch tại New York, giá cà phê Arabica tăng mạnh từ 2,9% đến 3,38%, trong đó hợp đồng tháng 7/2025 bật lên 8.790 USD/tấn, tăng thêm 290 USD/tấn chỉ trong một phiên.
Mặc dù không phải đối thủ cạnh tranh trực tiếp, nhưng sức nóng từ Arabica đã tác động lan tỏa đến Robusta. Trên sàn London, giá Robusta tăng từ 55 - 78 USD/tấn. Đáng chú ý, hợp đồng tháng 11/2025 có giá thấp nhất là 5.300 USD/tấn, trong khi hợp đồng tháng 7/2025 vọt lên 5.427 USD/tấn, tăng 65 USD/tấn.
Nguyên nhân chính thúc đẩy giá Arabica là do sản lượng cà phê của Brazil, quốc gia xuất khẩu Arabica lớn nhất thế giới đang sụt giảm nghiêm trọng. Dự kiến phải đến tháng 7/2025 mới có vụ thu hoạch mới. Arabica hiện chiếm gần 2/3 nguồn cung cà phê toàn cầu.
Ở chiều ngược lại, Robusta sẽ bắt đầu vào vụ từ tháng 5/2025 tại Brazil và một số nước châu Á. Riêng Việt Nam, nước xuất khẩu Robusta hàng đầu thế giới, dự kiến bước vào cao điểm thu hoạch từ tháng 10/2025.
Giá hợp đồng ca cao giao sau hiện dao động quanh mốc 8.950 USD/tấn, giảm nhẹ so với mức 9.245 USD/tấn đạt được vào ngày 22/4, đây là mức giá đỉnh cao nhất trong hai tháng trở lại đây. Áp lực điều chỉnh kỹ thuật cùng với thông tin tồn kho tăng đang góp phần làm chững lại đà tăng gần đây.
Theo dữ liệu mới nhất, lượng ca cao được ICE theo dõi và lưu kho tại các cảng lớn ở Mỹ đã vọt lên 1.925.933 bao tính đến ngày 23/4, mức cao nhất kể từ tháng 10/2024. Bên cạnh đó, nhà đầu tư vẫn theo dõi sát tình hình mùa vụ tại Bờ Biển Ngà, quốc gia trồng ca cao lớn nhất thế giới, nơi đang chịu ảnh hưởng tiêu cực từ đợt khô hạn kéo dài, gây rủi ro cho đợt thu hoạch giữa mùa.
Trên sàn ICE, giá đường thô lùi nhẹ 0,1% về mức 17,92 US cent/pound, sau khi từng chạm đáy 2,5 năm ở 17,51 US cent/pound trong tuần trước.
Ngược lại, trên sàn London, giá đường trắng ghi nhận mức tăng khiêm tốn 0,02%, lên 504,5 USD/tấn, cho thấy diễn biến trái chiều giữa hai thị trường do sự khác biệt về nguồn cung khu vực và kỳ vọng chính sách hỗ trợ từ các nước sản xuất lớn.