![]() |
Thị trường nhóm nông sản 1/5: Giá ngô và lúa mì tăng trở lại, đậu tương tiếp tục giảm sâu |
Thị trường lúa mì
Giá lúa mì tại Chicago tăng nhẹ trong phiên giao dịch thứ Tư khi lực mua kỹ thuật và động thái đóng vị thế bán khống giúp thị trường bật lên từ vùng đáy hợp đồng. Hợp đồng lúa mì đỏ mềm vụ đông giao tháng 7 (WN25) trên sàn CBOT tăng 5,25 cent, lên 5,3075 USD/giạ, sau khi có lúc chạm đáy 5,2325 USD.
Lúa mì đỏ cứng vụ đông giao tháng 7 (KWN25) trên sàn Kansas giảm 1,05 cent, xuống còn 5,2905 USD/giạ, bất chấp việc trước đó đã rơi về mức thấp nhất kể từ đầu năm là 5,2725 USD. Thời tiết có mưa tại vùng đồng bằng miền Trung nước Mỹ được đánh giá là tích cực cho vụ lúa mì HRW.
Lúa mì xuân giao tháng 7 (MWEN25) trên sàn Minneapolis kết phiên tăng 3 cent, đạt 5,9575 USD/giạ.
Một số đồn đoán trong giới thương mại cho rằng Trung Quốc đã quay trở lại thị trường nhập khẩu lúa mì nước ngoài trong tuần này, tạo kỳ vọng mới về khả năng cải thiện nhu cầu. Các nhà xuất khẩu châu Âu đang chờ đợi thêm tín hiệu từ Bắc Kinh, nhất là sau khi Ai Cập gần đây đã tăng mua lúa mì Pháp.
Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự kiến công bố báo cáo bán hàng ngũ cốc vào thứ Năm. Các nhà phân tích đưa ra dự báo từ hủy đơn ròng 200.000 tấn đến bán ròng 300.000 tấn lúa mì trong tuần.
Thị trường ngô
Giá ngô kỳ hạn trên sàn Chicago bật tăng mạnh trong bối cảnh hoạt động xuất khẩu của Mỹ diễn biến tích cực. Hợp đồng ngô giao tháng 7 (CN25) tăng 5,25 cent, đạt 4,7505 USD/giạ, phục hồi từ mức thấp nhất trong gần một tháng.
Hợp đồng giao dịch sôi động nhất (ZC1!) cũng lấy lại phần lớn những gì đã mất sau nhiều phiên điều chỉnh.
USDA ghi nhận giao dịch bán 120.000 tấn ngô cho khách hàng chưa xác định danh tính, sau khi xác nhận đơn hàng tương tự với Tây Ban Nha vào hôm thứ Ba. Ngoài ra, theo nguồn tin từ châu Âu, Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Hàn Quốc (KFA) đã hoàn tất thỏa thuận mua khoảng 65.000 tấn ngô có xuất xứ từ Mỹ trong ngày thứ Tư.
USDA sẽ công bố báo cáo xuất khẩu hàng tuần vào thứ Năm. Dự báo cho thấy doanh số bán ngô Mỹ có thể đạt từ 700.000 – 1,5 triệu tấn. Bên cạnh đó, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ thông báo sản lượng ethanol nội địa tăng, trong khi lượng dự trữ giảm, góp phần hỗ trợ giá ngô.
Thị trường đậu tương
Trái với ngô và lúa mì, giá đậu tương tiếp tục giảm trong bối cảnh thị trường lo ngại về nhu cầu từ Trung Quốc - quốc gia nhập khẩu đậu tương lớn nhất thế giới. Hợp đồng đậu tương giao tháng 7 (SN25) giảm 8,25 cent, còn 10,4405 USD/giạ, chạm đáy kể từ ngày 16/4.
Chính quyền Trung Quốc cam kết ổn định chuỗi cung ứng nông sản và kiểm soát kỳ vọng thị trường, tuy nhiên các dấu hiệu cho thấy việc nhập khẩu có thể bị ảnh hưởng trong ngắn hạn.
USDA dự kiến báo cáo doanh số đậu tương tuần này trong khoảng 150.000 - 600.000 tấn cho niên vụ 2024/25. Đồng thời, một báo cáo khác dự kiến công bố vào thứ Năm cho thấy các nhà máy ép dầu đậu tương Mỹ đã xử lý 6,165 triệu tấn trong tháng 3, trong khi tồn kho dầu đậu tương dự kiến tăng lên mức cao nhất trong 8 tháng qua.
Tại Argentina, nơi dẫn đầu thế giới về xuất khẩu bột và dầu đậu nành, sàn giao dịch ngũ cốc Rosario cho biết nông dân đã bán lượng đậu tương cao nhất tính từ đầu năm đến nay trong ngày thứ Ba.
Các sản phẩm chế biến từ đậu nành cũng giảm theo. Dầu đậu tương giao tháng 7 (BON25) giảm 0,36 cent còn 48,97 cent/pound, trong khi bột đậu tương (SMN25) lùi nhẹ 0,20 USD về 298 USD/tấn ngắn.