Hai nguồn tin trong ngành cho biết, cảng khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) Cái Mép đang tìm kiếm nguồn hàng để bắt đầu đưa vào vận hành thử nghiệm. Việc thử nghiệm thành công sẽ giúp cảng Cái Mép đi theo đúng lộ trình và trở thành kho cảng tiếp nhận nhiên liệu thứ hai của nước ta.
Đây là một nỗ lực của Việt Nam nhằm giảm sự phụ thuộc vào than đá, từng bước thực hiện kế hoạch đầy tham vọng là xây dựng các kho cảng nhập khẩu LNG và một hệ thống gồm 13 nhà máy điện chạy bằng LNG. Theo ước tính, một khi hoàn thành, các nhà máy điện LNG có thể chiếm đến 15% tổng công suất phát điện của cả nước vào năm 2030.
Kho cảng nhập khẩu Cái Mép được điều hành bởi Cái Mép LNG, một liên doanh giữa Atlantic, Gulf and Pacific LNG (AG&P LNG) có trụ sở tại Singapore và doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu Hải Linh của Việt Nam. Công ty Hải Linh đã nhận được giấy phép nhập khẩu do Bộ Công Thương cấp ngày 1 tháng 8.
Được biết, những lô hàng phục vụ cho việc vận hành thử nghiệm của kho cảng Cái Mép sẽ được giao vào tháng 10 tới.
Tổng Giám đốc điều hành của AG&P LNG, Karthik Sathyamoorthy, cho biết: "Vì vừa nhận được giấy phép nhập khẩu nên hiện chúng tôi đang nỗ lực đẩy nhanh quá trình đưa vào vận hành và đặt mục tiêu hoàn thành trong ba tháng tới. Dự kiến, chúng tôi sẽ xác nhận lô hàng vận hành đầu tiên vào tháng 10, và việc giao hàng sẽ được thực hiện vào khoảng cuối tháng 10 đến giữa tháng 11”.
Kho cảng LNG Cái Mép nằm ở tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, với công suất nhập khẩu lên tới 3 triệu tấn LNG mỗi năm. Vào hồi tháng 5, AG&P LNG cho biết, cảng này đang trên lộ trình để bắt đầu hoạt động thương mại vào tháng 9.
Cho đến nay, Việt Nam đã nhập khẩu hơn 300.000 tấn LNG theo phương thức giao ngay, thông qua cảng nhập khẩu LNG đầu tiên là nhà ga Thị Vải của PetroVietnam Gas. Cụ thể hơn, các lô hàng này chủ yếu được nhập về để cung cấp nhiên liệu cho các nhà máy điện chạy bằng khí đốt hiện có, nhằm đáp ứng nhu cầu điện tăng cao trong đợt nắng nóng đầu năm nay.
Mai Tuệ