Những con số đáng kỳ vọng
Ngành thủ công mỹ nghệ Việt Nam đã và đang khẳng định vị thế của mình trên thị trường quốc tế, tuy nhiên, để thúc đẩy xuất khẩu và khai thác hết tiềm năng của ngành, cần có những giải pháp thiết thực hơn trong thời gian tới. Tại hội thảo “Tư vấn nâng cao năng lực Marketing xuất khẩu sản phẩm thủ công mỹ nghệ làng nghề” ngày 9/10/2024, ông Tôn Gia Hóa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, đã nêu rõ những cơ hội và thách thức mà ngành đang đối mặt.
Theo số liệu mới nhất, thị trường thủ công mỹ nghệ toàn cầu được định giá 1.007 tỷ USD vào năm 2023 và dự báo sẽ đạt 1.107 tỷ USD vào năm 2024. Đến năm 2032, giá trị ngành có thể vươn tới 2.394 tỷ USD. Việt Nam, với hơn 5.400 làng nghề và làng nghề truyền thống, sở hữu nguồn tài nguyên quý giá từ sự đa dạng văn hóa và tay nghề thủ công lâu đời. Tổng doanh thu từ các làng nghề đã lên đến khoảng 75 nghìn tỷ đồng, với kim ngạch xuất khẩu tăng từ 1,62 tỷ USD năm 2015 lên khoảng 3,5 tỷ USD năm 2023.
Cần nhiều giải pháp để xuất khẩu thủ công mỹ nghệ bứt phá. |
Các sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam đã có mặt tại 163 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó những thị trường chủ lực bao gồm Hoa Kỳ, Nhật Bản, Liên minh châu Âu và các nước Trung Đông. Đặc biệt, mục tiêu đạt 4 tỷ USD xuất khẩu vào năm 2025 đang là tham vọng chính của ngành. Tuy nhiên, so với quy mô thị trường toàn cầu và các đối thủ cạnh tranh như Trung Quốc và Ấn Độ, đây vẫn là con số tương đối khiêm tốn.
Mặc dù đạt được nhiều thành tựu, ngành thủ công mỹ nghệ Việt Nam vẫn gặp phải nhiều thách thức trong quá trình xuất khẩu. Phần lớn các cơ sở sản xuất thủ công vẫn hoạt động theo mô hình hộ gia đình hoặc làng xã, thiếu sự chuyên nghiệp và quy trình sản xuất bài bản. Điều này dẫn đến việc các sản phẩm thường bị xuất khẩu dưới dạng gia công hoặc theo đơn hàng của các nhà bán lẻ lớn quốc tế, làm giảm khả năng xây dựng và phát triển thương hiệu Việt Nam trên thế giới.
Các sản phẩm thủ công nổi bật như gốm sứ Bát Tràng, mây tre đan Phú Vinh, lụa Vạn Phúc và thêu ren Quất Động tuy vẫn giữ được vị thế nhất định nhưng chưa tạo được đột phá về thương hiệu. Khả năng cạnh tranh của sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam còn hạn chế, đặc biệt là khi so sánh với các đối thủ quốc tế vốn có nền tảng công nghiệp mạnh mẽ và chiến lược tiếp cận thị trường toàn cầu hiệu quả hơn.
Hướng đi mới để sản xuất bền vững
Một trong những tín hiệu tích cực cho ngành hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam chính là sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử. Với thị trường thương mại điện tử Việt Nam nằm trong top 3 khu vực Đông Nam Á, đây được xem là cơ hội lớn để các doanh nghiệp thủ công mỹ nghệ tiếp cận thị trường quốc tế. Việc tận dụng các nền tảng số không chỉ giúp mở rộng quy mô xuất khẩu mà còn giảm thiểu sự phụ thuộc vào các đơn hàng gia công truyền thống.
Đặc biệt, yếu tố sản xuất bền vững ngày càng được đánh giá cao trong chuỗi giá trị sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam. Điều này không chỉ đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về sản phẩm thân thiện với môi trường của người tiêu dùng quốc tế mà còn giúp nâng cao giá trị thương hiệu Việt Nam trên thị trường toàn cầu.
Ngành thủ công mỹ nghệ cần tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh của các nhóm mặt hàng chủ lực, gia tăng giá trị sản phẩm và đa dạng hóa mẫu mã. |
Theo ông Tôn Gia Hóa, để thực sự phát triển bền vững, ngành thủ công mỹ nghệ Việt Nam cần những nhóm giải pháp toàn diện về kinh tế - xã hội, môi trường và thể chế. Đặc biệt, cần phải hoàn thiện quy hoạch tổng thể phát triển ngành và đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ trong thiết kế mẫu mã và quy trình sản xuất.
Ngoài ra, việc xây dựng mạng lưới tiêu thụ và xuất khẩu, nâng cao vai trò và hiệu quả của các hiệp hội ngành cũng là những yếu tố quan trọng. Trong thời gian tới, việc xây dựng một bộ luật riêng cho làng nghề sẽ là bước đột phá, tạo điều kiện bảo tồn và phát triển bền vững các cơ sở sản xuất thủ công mỹ nghệ.
Ngành cần tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh của các nhóm mặt hàng chủ lực, gia tăng giá trị sản phẩm và đa dạng hóa mẫu mã để đáp ứng nhiều phân khúc thị trường khác nhau. Đồng thời, việc hợp chuẩn quốc tế cũng là yếu tố không thể thiếu để các sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam vươn xa hơn trên trường quốc tế.