FDI mang lại nguồn vốn lớn cho thị trường căn hộ dịch vụ cao cấp
Trong những năm gần đây, lĩnh vực bất động sản căn hộ dịch vụ cao cấp đã trở thành một trong những ngành công nghiệp phát triển mạnh mẽ nhờ sự gia tăng của các dự án đầu tư nước ngoài trực tiếp (FDI). Đầu tư FDI không chỉ mang lại lợi ích kinh tế to lớn cho quốc gia đầu tư mà còn tạo ra những tác động tích cực đáng kể lên thị trường căn hộ dịch vụ.
Co thể thấy, các dự án FDI mang lại nguồn vốn lớn cho thị trường căn hộ dịch vụ cao cấp, giúp nâng cao khả năng đầu tư xây dựng, phát triển dự án và cung cấp các tiện ích hàng đầu. Ngoài ra, các nhà đầu tư nước ngoài thường mang theo công nghệ tiên tiến và quy trình quản lý hiệu quả, từ đó nâng cao chất lượng dịch vụ và tạo ra sự cạnh tranh trong ngành.
Sự phát triển của căn hộ dịch vụ cao cấp do FDI mang lại tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho người lao động trong lĩnh vực này. Điều này giúp giảm tỷ lệ thất nghiệp và cải thiện mức sống của người dân. Ngoài ra, FDI còn thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao từ các quốc gia đầu tư, đóng góp vào sự phát triển chuyên môn và nâng cao năng lực của ngành căn hộ dịch vụ.
FDI trong lĩnh vực căn hộ dịch vụ không chỉ tạo ra lợi ích kinh tế cho các nhà đầu tư mà còn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương. Các dự án căn hộ dịch vụ thu hút khách du lịch quốc tế và doanh nhân từ các quốc gia đầu tư, tăng cường nguồn thu du lịch và tạo ra hiệu ứng lan tỏa lên các ngành kinh tế khác như dịch vụ, thương mại và vận tải.
Từ đó, căn hộ dịch vụ cao cấp thường là lựa chọn lưu trú phổ biến cho khách du lịch quốc tế và công nhân lao động tạm thời. Sự phát triển của thị trường căn hộ dịch vụ do FDI đóng góp vào việc tăng cường xuất khẩu dịch vụ. Việc thu hút khách du lịch và công nhân từ các quốc gia đầu tư góp phần tăng cường thu nhập xuất khẩu và cân đối thương mại cho quốc gia.
Cụ thể, tại TP. Hồ Chí Minh, nguồn cung theo ghi nhận của Savills tăng lên 8.200 căn vào cuối năm 2023 nhờ sự tăng trưởng của Hạng B và C. Trong đó, 27 dự án mới cung cấp 840 căn; 85% là studio và căn hộ một phòng ngủ từ các dự án Hạng C. Giá thuê của tất cả các hạng đều tăng theo năm nhờ nhu cầu được phục hồi tốt, cụ thể, giá thuê của Hạng C có mức tăng cao nhất theo năm với 8%, tiếp theo là Hạng B ở mức 5% và Hạng A ở mức 3%. Công suất cả năm 2023 tại thành phố Hồ Chí Minh đạt 82%, tăng 6 điểm phần trăm theo năm.
trong khi đó, tại Hà Nội, hoạt động của phân khúc căn hộ cho thuê trong quý 4/2023 vẫn ở mức ổn định. Trong quý cuối năm 2023, thị trường ghi nhận nguồn cung 6.078 căn từ 63 dự án, giảm 1% theo quý do dự án Dolphin Plaza (Hạng B) ngừng triển khai căn hộ dịch vụ. Tuy nhiên, xét theo năm, nguồn cung tăng 2% do sự gia nhập của 2 dự án hạng A Lancaster Luminaire và L7 West Lake trong nửa cuối năm 2023.
Nhu cầu thuê căn hộ dịch vụ cao cấp tăng
Nghiên cứu của Savills cho thấy, trong quý 4/2023, tỷ lệ lấp đầy căn hộ dịch vụ tại Hà Nội đạt 83%, tăng 2 điểm % theo quý và theo năm. Giá thuê trung bình đạt 580.000 VNĐ/m2/tháng, ổn định theo quý và tăng 1% theo năm.
Về triển vọng, thị trường dự kiến sẽ có 3.821 trong tương lai. Năm 2024, dự kiến sẽ có hai dự án gồm Parkroyal Serviced Suites (Hạng B) với 261 căn và Fusion Suites (Hạng B) với 193 căn. Năm 2025, 1.905 căn của Tây Hồ View Complex sẽ gia nhập thị trường, tăng nguồn cung hạng A lên 61% so với 2023. Tây Hồ sẽ chiếm 63% nguồn cung tương lai với 2.423 căn. Đây sẽ là khu vực phổ biến với người nước ngoài nhờ các tiện ích ăn uống, giải trí, trường hoc quốc tế, bệnh viện và công viên.
Ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội nhìn nhận: “Nhu cầu thuê căn hộ dịch vụ cao cấp đã trở lại trong năm 2024 so với 2023 nhờ sự gia tăng của các chuyên gia nước ngoài tới Việt Nam thông qua các dự án có vốn FDI. Trong tương lai, nguồn vốn FDI từ các dự án lớn đi kèm cơ sở hạ tầng kết nối liên tục được cải thiện sẽ có tác động tích cực hơn nữa lên nguồn cầu”.
Trong năm 2023, Cục Thống kê thành phố Hà Nội cho biết, vốn FDI đăng ký vào Hà Nội đạt mức cao nhất trong ba năm qua với 2,9 tỷ USD, tăng 70% theo năm. Hà Nội thuộc top 5 điểm thu hút FDI hàng đầu cả nước. Hoạt động góp vốn & mua cổ phần có mức tăng lớn nhất, đạt 248% theo năm và chiếm tỷ trọng lớn nhất với 2,1 tỷ USD, tương đương 75% tổng vốn FDI vào Hà Nội. Trong đó, Nhật Bản chiếm 60% tổng vốn đăng ký đầu tư tại các khu công nghiệp Hà Nội, giúp Nhật Bản trở thành nhóm khách thuê tiềm năng.
Phân tích về nhu cầu thuê đối với căn hộ dịch vụ, bà Trịnh Huỳnh Mai, Phó Giám đốc, Bộ phận Cho thuê Thương mại, Savills Hà Nội cho rằng: “Các chuyên gia nước ngoài có yêu cầu cao về chất lượng căn hộ, vị trí, dịch vụ quản lý đi kèm đặt biệt về yếu tố an ninh, an toàn và các tiện ích khác. Do đó, hầu hết các đơn vị quản lý căn hộ dịch vụ là những thương hiệu uy tín. Tại thị trường Hà Nội, các đơn vị vận hành quốc tế sẽ chiếm 87% nguồn cung tương lai với 3.309 căn từ 9 dự án, 7 nhà vận hành nội địa dự kiến sẽ cung cấp 521 căn từ bảy dự án.
Theo vị chuyên gia này, các khách thuê tại Hà Nội có xu hướng lựa chọn tại khu vực trung tâm và di chuyển đến các vùng công nghiệp xung quanh để làm việc. Vì vậy, cơ sở hạ tầng tiếp tục phát triển sẽ giúp cho các căn hộ dịch vụ được hưởng lợi.
“Trong bối cảnh công suất phục hồi nhưng nguồn cung hạn chế, phân khúc này dự kiến tiếp tục là một loại hình đầu tư tiềm năng với tỷ suất sinh lời hấp dẫn. Tuy nhiên, để thu hút khách thuê nhà đầu tư cần đảm bảo các yếu tố về vị trí, chất lượng sống, dịch vụ chăm sóc đi kèm và các quy định của pháp luật trong việc cho người nước ngoài thuê nhà ở”, bà Mai nhận định.
Như vậy, sự đầu tư nước ngoài trực tiếp đã tạo ra những tác động tích cực đáng kể lên thị trường căn hộ dịch vụ. Đầu tư FDI mang lại nguồn vốn, công nghệ tiên tiến, tạo việc làm, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương và đẩy mạnh xuất khẩu dịch vụ. Nhờ vào sự phát triển của căn hộ dịch vụ do FDI, ngành này đã góp phần quan trọng vào sự phát triển toàn diện của quốc gia.
Nghệ Nhân