Theo PGS.TS Nguyễn Thế Thịnh, Cục trưởng Cục Quản lý Y, Dược Cổ truyền (Bộ Y tế), thống kê của Viện Dược liệu cho thấy, Việt Nam đã ghi nhận trên 5.000 loài thực vật và nấm, 408 loài động vật và 75 loại khoáng vật có công dụng làm thuốc. Trong đó có nhiều loài dược liệu quý về công dụng chữa bệnh lẫn giá trị về mặt kinh tế.
Cây thuốc được phát triển có thể giúp cho nhiều vùng nông thôn, miền núi xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, bảo vệ môi trường.
Thống kê, hàng năm chúng ta sử dụng khoảng 100.000 tấn dược liệu. Tuy nhiên, quy mô phát triển cây dược liệu ở Việt Nam còn nhỏ bé, chưa có hiệu quả cao, còn nhiều lãng phí, một số cây có nguy cơ không tồn tại.
Việt Nam mới chỉ tự cung cấp được 25% nguyên liệu để phục vụ sản xuất thuốc trong nước, còn lại 75% vẫn phải phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu (chủ yếu là Trung Quốc, Ấn Độ).
Ngành dược Việt Nam đã có những bước phát triển đáng kể trong thời gian qua, tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, vẫn có hơn 90% nguyên liệu sản xuất thuốc phải nhập khẩu. Để khắc phục tình trạng này, Bộ Y tế đang tích cực hoàn thiện Dự án Luật Dược sửa đổi với 5 chính sách quan trọng, trong đó có chính sách đặc biệt ưu tiên phát triển ngành công nghiệp dược trong nước.
Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh sự phong phú của nguồn dược liệu trong nước và sự cần thiết của các chính sách ưu tiên để thu hút đầu tư và phát triển ngành công nghiệp dược. Điều này nhằm giảm sự phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu và đáp ứng nhu cầu thuốc của người dân một cách hiệu quả hơn.
Bên cạnh đó, Dự án Luật Dược sửa đổi cũng tập trung vào cải cách hành chính, phân cấp và phân quyền, nhằm đảm bảo thuốc đến tay người dân nhanh chóng, chất lượng tốt và giá cả hợp lý. Ông Tuyên cho biết, hiện nay, vấn đề thiếu thuốc và vật tư y tế đã cơ bản được khắc phục, và với việc ban hành Luật Dược mới, những tồn tại sẽ được giải quyết từng bước. Trong năm nay, Bộ Y tế dự kiến sẽ ban hành 41 thông tư để giải quyết các khó khăn và vướng mắc hiện tại, bao gồm các thông tư hướng dẫn Luật Đấu thầu.
Trước đó, Chính phủ đã ban hành Chiến lược Quốc gia phát triển ngành dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Mục tiêu của chiến lược này là phát triển ngành dược Việt Nam đạt tầm cỡ các nước tiên tiến trong khu vực, đảm bảo người dân tiếp cận thuốc với chi phí hợp lý. Đồng thời, chiến lược còn nhắm đến việc nâng cao năng lực nghiên cứu và ứng dụng công nghệ để sản xuất thuốc biệt dược gốc và thuốc có dạng bào chế mới, hiện đại, hướng tới trở thành trung tâm sản xuất gia công và chuyển giao công nghệ thuốc biệt dược gốc của khu vực ASEAN.
Việt Nam cũng đặt mục tiêu phát triển ngành công nghiệp dược trong nước đạt cấp độ 4 theo phân loại của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Điều này bao gồm phát triển dược liệu và các sản phẩm từ nguồn dược liệu trong nước thành lĩnh vực sản xuất hàng hóa có chất lượng và giá trị cao, đẩy mạnh sản xuất nguyên liệu làm thuốc và tối ưu hóa việc sử dụng thuốc.
P.V (t/h)