Cải cách tiền lương là một trong những nhóm giải pháp cần sớm triển khai

14:35 25/05/2023

Thảo luận tổ ở Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội sáng 25/5, GS Nguyễn Thiện Nhân cũng nêu thực trạng lương của người đi làm không đủ trang trải cuộc sống. Ông đề nghị các cơ quan xem lại nguyên tắc trả lương để người đi làm.

Ảnh minh họa
Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân. Ảnh: Media Quốc hội

Theo Nghị quyết 27 năm 2018 của Trung ương, việc cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang dự kiến thực hiện vào tháng 7/2021. Tuy nhiên, do đại dịch Covid-19, chủ trương này phải lùi. Tại kỳ họp tháng 11/2022, Quốc hội yêu cầu Chính phủ năm 2023 trình cấp có thẩm quyền lộ trình cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27.

Theo Nghị định năm 2004, lương công chức, viên chức được tính bằng lương cơ sở nhân hệ số lương. Với mức lương cơ sở 1,49 triệu đồng hiện hành, mức lương cao nhất của công chức (loại A1, nhóm 1, bậc 6) là 11,92 triệu đồng; mức thấp nhất (loại C, nhóm 3, bậc 1) là 2,01 triệu đồng mỗi tháng.

Từ 1/7 khi lương cơ sở tăng lên 1,8 triệu đồng thì mức lương cao nhất của công chức là 14,4 triệu đồng; mức thấp nhất là 2,43 triệu đồng mỗi tháng. Trong khi đó, lương tối thiểu vùng theo tháng áp dụng cho lao động tại các doanh nghiệp ở vùng 1 là 4,68 triệu đồng; vùng 2 là 4,16 triệu đồng; vùng 3 là 3,64 triệu đồng; vùng 4 là 3,25 triệu đồng.

Hôm 22/5, báo cáo trước Quốc hội, Phó thủ tướng Lê Minh Khái cho biết Chính phủ sẽ sớm trình cấp có thẩm quyền lộ trình cải cách tiền lương và xây dựng phương án điều chỉnh lương tối thiểu vùng.

Chính phủ cũng đặt mục tiêu thực hiện hiệu quả chính sách người có công, trợ giúp xã hội, an sinh xã hội, giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân. Chính phủ sẽ theo dõi sát tình hình người lao động bị mất việc, giảm giờ làm để có phương án hỗ trợ phù hợp.

Ngày 25-5, Quốc hội thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế - xã hội và một số nội dung khác theo chương trình kỳ họp thứ 5. Tại tổ TP HCM, trên cơ sở báo cáo của Chính phủ, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân băn khoăn về việc  ông trăn trở khi thực tế hiện nay nhiều người lao động làm việc đủ thời gian, đóng đủ tiền bảo hiểm xã hội nhưng về hưu lương không đủ sống.

Vị đại biểu đoàn TP HCM đề nghị Chính phủ sớm xây dựng lộ trình cải cách tiền lương. "Vừa qua tại TP HCM, chúng tôi đi gặp nhiều công nhân, người lao động, làm việc nhiều năm ở doanh nghiệp, đóng đủ bảo hiểm xã hội nhưng khi về hưu chỉ nhận mức lương 2,5 đến 3 triệu đồng/tháng, sống sao được" - đại biểu Nguyễn Thiện Nhân bày tỏ.

Ông Nhân cũng đề nghị, thời gian qua, kinh tế cũng phát triển nhiều thành tựu hơn, GDP bình quân đầu người đã trên 4.000 USD/người, phải xác định lại nguyên tắc trả lương cho người lao động.

Quan trọng nhất, phải xác định mức tiền lương tối thiểu làm sao đảm bảo mức sống tối thiểu. Nguyên tắc trả lương phải đảm bảo người đi làm ngoài nuôi mình, họ còn nuôi con, cha mẹ mình lúc về già.

Phong Nhã