Một số ngân hàng công bố lợi nhuận cho thấy kết quả hoạt động quý III về cơ bản là tốt. Đây là dấu hiệu đáng mừng trong bối cảnh lãi suất huy động tăng từ đầu quý III, trong khi lãi suất cho vay hầu như không điều chỉnh và mức tăng không nhiều so với tốc độ tăng của lãi suất huy động.
Lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm của một số ngân hàng vừa công bố cũng ghi nhận sự tăng trưởng bằng 2 con số so với cùng kỳ năm ngoái. Điển hình, VIB đạt 7.800 tỷ đồng, tăng 46%; TPBank đạt 5.926 tỷ đồng, tăng gần 35%; SHB đạt 9.035 tỷ đồng, tăng tới 79%; SeABank đạt 4.016 tỷ đồng, tăng trưởng 58,7%...
Nhận xét về tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của ngành ngân hàng, ông Hùng cho rằng: “Bình thường và không đột biến”. Phân tích cụ thể ông nói: lợi nhuận của ngân hàng xét trên tổng thể vốn điều lệ và quy mô tài sản. Chẳng hạn, tài sản của một ngân hàng thương mại nhà nước đạt khoảng 1,8 triệu tỷ đồng và lợi nhuận mười mấy nghìn tỷ đồng trên tổng số tài sản đó không phải là lớn.
Theo ông Hùng, lợi nhuận của ngân hàng cần phải được hiểu đúng, nhìn nhận khách quan, toàn diện ở các góc độ.
Thứ nhất, bản thân các tổ chức tín dụng đã tự củng cố, nâng cao được năng lực quản trị, năng lực tài chính của mình. Đơn cử, năng lực tài chính được nâng cao thông qua biện pháp tăng vốn điều lệ. Gần như tất cả các tổ chức tín dụng đã tăng được vốn điều lệ để đảm bảo hệ số an toàn vốn (CAR) theo quy chuẩn quản trị rủi ro quốc tế Basel II. Nhiều ngân hàng trong nhiều năm liền không chi trả cổ tức cho cổ đông để dành nguồn lực vốn cho tương lai.
Thứ hai, các tổ chức tín dụng đẩy mạnh tiết giảm chi phí hoạt động nhờ sớm đầu tư thiết bị, ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại và tích cực cải cách thủ tục hành chính.
Thứ ba, khác với trước kia, nguồn thu của ngân hàng chủ yếu là từ thu lãi vay thì nay, tỷ lệ thu từ dịch vụ tại các tổ chức tín dụng đều gia tăng, có ngân hàng thu dịch vụ đóng góp tới 40% vào lợi nhuận, điều này phù hợp với xu thế quốc tế.
Thứ tư, quá trình tái cơ cấu và xử lý nợ xấu tại các tổ chức tín dụng mang lại hiệu quả cao. Tới nay, 21 tổ chức tín dụng đã mua lại các khoản nợ đã bán cho Công ty Quản lý tài sản (VAMC), hoạt động trích lập dự phòng rủi ro cũng được tăng cường.
Thứ năm, bản thân các tổ chức tín dụng đã tích cực mở rộng hoạt động dịch vụ như ngân hàng đại lý, bảo hiểm và nhiều hoạt động khác giúp tăng thu nhập từ các hoạt động này.
Thứ sáu, sau hơn một năm tổ chức thực hiện Thông tư số 01/2020/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước quy định về việc các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ; miễn, giảm lãi, phí; giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19 đã giúp các tổ chức tín dụng tạm thời chưa phải trích lập dự phòng rủi ro nên cũng giảm được chi phí.
Thứ bảy, lợi nhuận ngân hàng đang được tạm tính trên cả các khoản dự thu của khách hàng theo quy định hiện hành của pháp luật. Nếu khách hàng không trả được nợ thì ngân hàng phải thoái thu, lúc đó sẽ không được ghi nhận vào lợi nhuận nữa.
Trong bối cảnh lợi nhuận ngân hàng tăng cao, nhiều chuyên gia cho rằng các ngân hàng thương mại cần phải có trách nhiệm chia sẻ với người vay vốn và nền kinh tế.
Liên quan đến câu chuyện lợi nhuận các tổ chức tín dụng, ông Hùng cho rằng cần phải nhìn đầy đủ các góc độ hoạt động tài chính - ngân hàng. Không thể chỉ nhìn vào con số lợi nhuận vài nghìn tỷ đồng mà bắt ngân hàng phải giữ nguyên lãi suất cho vay, hay không được tăng lãi suất cho vay, trong khi người dân gửi tiền thì đòi hỏi lãi suất huy động phải cao.
Hay như yêu cầu phải cho vay kể cả khi doanh nghiệp không có tài sản đảm bảo, làm sao tổ chức tín dụng có thể cố cho vay, bởi đến khi doanh nghiệp không trả được nợ, trách nhiệm tổ chức tín dụng lại gánh vác.
“Mọi hoạt động cần vận hành theo cơ chế thị trường chứ không thể lãi suất đầu vào liên tục tăng mà không tăng lãi suất cho vay. Nhưng trong bối cảnh hiện nay, bên cạnh việc ứng dụng công nghệ, các tổ chức tín dụng đang tiết giảm chi phí tối đa để đưa phần chi phí này vào hoạt động hỗ trợ cho doanh nghiệp. Nghĩa là, các tổ chức tín dụng đang gồng gánh trong khả năng chịu đựng được”, ông Hùng nói.
Tuy nhiên, ông Hùng cũng cho rằng, đến thời điểm ngân hàng không chịu đựng được thì buộc phải điều chỉnh cho phù hợp với hoạt động của ngân hàng. Nếu lãi suất đầu vào tiếp tục tăng thì lãi suất đầu ra không thể giữ nguyên.
Hải Anh t/h