Các nhà lãnh đạo, hãy ngưng cố gắng trở thành những người anh hùng!

21:30 12/11/2021

Trong nhiều thập kỷ, quan điểm truyền thống thường cho rằng các nhà lãnh đạo doanh nghiệp không thể mắc sai lầm dù chỉ một lần, họ phải là người có khả năng kiểm soát và không được phép sợ hãi. Đại dịch đã làm nổi bật sự thật một lãnh đạo “anh hùng” không còn là điều mà các công ty cần nữa. Dưới vỏ bọc hào nhoáng, bên trong, họ cũng có thể bị tổn thương như bao người, cũng mong muốn kết nối và khao khát giải phóng tiềm năng của bản thân.

Ôm đồm nhiều việc chỉ khiến hình ảnh người lãnh đạo đi xuống trong mắt nhân viên cấp dưới
Ôm đồm nhiều việc chỉ khiến hình ảnh người lãnh đạo đi xuống trong mắt nhân viên cấp dưới. (Ảnh: Soundview Executive Book Summaries) 

Hãy tưởng tượng trong một văn phòng trang nhã ở đâu đó phía Đông thành phố New York, lần lượt, các giám đốc kinh doanh hàng đầu bước vào với vẻ mặt bối rối. Nghe rất kì lạ phải không nhưng thực ra đây là văn phòng của một nhà tâm lý trị liệu nổi tiếng và hầu hết các lãnh đạo doanh nghiệp đều muốn giữ bí mật về những buổi “hỗ trợ tinh thần”, mặc dù nghiên cứu cho thấy hơn 1/5 giới CEO nước Mỹ hiện đang tìm kiếm liệu pháp.

Trong nhiều thập kỷ, quan điểm truyền thống thường cho rằng nếu muốn thành công, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp không thể mắc sai lầm dù chỉ một lần, họ phải là người có khả năng kiểm soát và không được phép sợ hãi. Những nhà lãnh đạo này dường như là những “anh hùng” được ban tặng trí thông minh, bộ não thiên tài cho ra những ý tưởng độc đáo. Là một huấn luyện viên điều hành doanh nghiệp, một ứng cử viên năm 2021 cho giải thưởng Huấn luyện và Cố vấn Thinkers50, Hortense le Gentil đã làm việc với nhiều nhà lãnh đạo như vậy.

Một tay chèo lái cơ ngơi không phải là điều dễ dàng, các giám đốc điều hành luôn được coi là bậc thầy lãnh đạo bằng “cái đầu lạnh” và họ biết rằng “lãnh đạo bằng cả trái tim và tâm hồn” có lẽ là điều không nên và không được phép. Đây cũng chính là vấn đề của hầu hết các nhà lãnh đạo toàn cầu.

Khi Gentil lần đầu tiên gặp Charlie, Giám đốc điều hành của một công ty có tiếng nằm trong danh sách Fortune 500, vị huấn luyện viên điều hành doanh nghiệp đã lắng nghe nhiều tâm sự. Charlie cảm thấy vai trò của anh là điều hành một con tàu được gắn kết chặt chẽ bằng nhiều bộ phận và tuân theo chỉ thị từ cấp trên để khắc phục mọi vấn đề. Dần dần, anh nói nhiều hơn là lắng nghe, ít kiên nhẫn và phải tỏ ra thật tự tin. Và rồi, đại dịch Covid-19 bùng phát, nền kinh tế suy thoái và các nhà máy phải đóng cửa, nhân viên bị nhiễm bệnh và nhiều người vật lộn với các lệnh cách ly, trở nên chán nản và kiệt sức. Với cương vị một Giám đốc điều hành, Charlie có thể làm gì để khắc phục những điều này? Không có bất kỳ sách vở nào chỉ dạy trong tình huống này, bỗng chốc anh không biết phải làm gì và điều đó khiến anh sợ hãi.

Đại dịch đã làm nổi bật một sự thật rằng một lãnh đạo “anh hùng” không còn là điều mà các công ty cần nữa. Lãnh đạo hiệu quả nhất hiện nay, ở tất cả các cấp là người có thiếu sót như bao người và tất nhiên, không có câu trả lời cho mọi hoàn cảnh. Dưới vỏ bọc hào nhoáng, bên trong, họ cũng có thể bị tổn thương như bao người, cũng mong muốn kết nối với mọi người và khao khát giải phóng tiềm năng của bản thân.

Tại sao lại như vậy? Thế giới đã thay đổi rồi. Môi trường kinh doanh ngày nay chớp mắt đã biến đổi và trở nên khó lường. Không một ai có một công thức hoàn hảo để giải quyết tất cả các cuộc khủng hoảng về sức khỏe, môi trường, xã hội như những gì mà chúng ta đang phải đối mặt. Thứ hai, cần lưu ý rằng để cống hiến, dù là lãnh đạo hay nhân viên cũng muốn được tôn trọng, lắng nghe và được truyền cảm hứng chứ không phải như những chiếc bánh răng trong một cỗ máy vô hồn. Họ muốn được mọi người nhìn nhận, hiểu và đánh giá cao con người của họ. Thật vậy, đội ngũ nhân viên của bạn sẽ cảm thấy gần gũi hơn với những nhà lãnh đạo cũng là “con người”, không phải các “vị thần” cao xa chẳng thể nào với tới.

Vậy đó, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp ngày nay cần phải là những nhà lãnh đạo con người. Vậy tại sao điều này vẫn là ngoại lệ thay vì trở thành chuẩn mực? Có lẽ bởi vì những nhà lãnh đạo anh hùng dường như không biết sợ hãi như Charlie đang phải đối mặt với một trở ngại lớn hơn: Nỗi sợ hãi của chính họ.

Nỗi sợ khi là một người bình thường

Sợ hãi là một phần của con người và ai trong chúng ta đều có một nỗi sợ. Khi nghĩ về khả năng lãnh đạo, nhiều giám đốc điều hành đã dành cả sự nghiệp để phấn đấu trở thành những nhà lãnh đạo anh hùng. “Tôi đã được dạy và đào tạo để không bao giờ bộc lộ cảm xúc và tỏ ra dễ bị tổn thương trong công việc. Bây giờ bạn bảo tôi phải làm điều ngược lại, tôi phải làm thế nào đây?”, đây là một lời tự thuật của một CEO giấu tên và chắc hẳn cũng là tiếng lòng của nhiều người khác nữa. Thông thường nỗi sợ hãi của giới tinh hoa biểu hiện theo ba cách:

Nỗi sợ hãi trước những cảm xúc cá nhân

Đối với các nhà lãnh đạo lý trí thường sử dụng khía cạnh phân tích, việc khám phá sâu thẳm bên trong chính bản thân mình có thể là quá trình không mấy thoải mái. Họ lo sợ phơi bày bản chất con người thật có thể thay đổi cách người khác nhìn nhận về mình. Điều gì sẽ xảy ra nếu họ tỏ ra yếu ớt? Điều gì sẽ xảy ra nếu họ mất kiểm soát, quyền hạn và sự tôn sùng?

Nỗi sợ khi bộc lộ cảm xúc

Nhiều nhà lãnh đạo tin rằng nếu tất cả mọi người đều kết nối với nhau ở mức độ cá nhân riêng biệt, không có quan hệ cấp trên, cấp dưới sẽ gây ảnh hưởng đến công việc thực tế. “Cảm xúc không thuộc về văn phòng”, một giám đốc điều hành bộc bạch như vậy và anh hoài nghi bản thân sẽ chèo lái con tài như thế nào nếu không thể khắc phục mọi vấn đề hay sẽ ra sao nếu buông bỏ quyền kiểm soát.

Nỗi sợ thất bại

Nhiều nhà lãnh đạo cảm thấy họ không biết cách xử lý cảm xúc tại nơi làm việc bao gồm tâm trạng cá nhân cũng như của người khác. Một lãnh đạo băn khoăn: “Điều gì sẽ xảy ra nếu ai đó trong nhóm nói với tôi rằng họ vừa mất cha mẹ hoặc vợ/chồng vì dịch Covid-19? Hay nếu ai đó khác, tôi không biết phải làm gì hay nói gì”. Lãnh đạo bằng cả trái tim và tâm hồn cần có các kỹ năng và cách tiếp cận mà các quản lý quen dựa vào khối óc trái còn thiếu sót. Tệ hơn nữa, những lãnh đạo đã quen với thành công lo sợ trước thất bại: “Tôi đã thành công khi dẫn đầu theo cách cũ” hay “Tôi thích ý tưởng trở thành kiểu nhà lãnh đạo mới này, nhưng liệu tôi có thể thành công không?” là những câu hỏi thường trực khi một giám đốc bắt đầu thay đổi.

Nhiều giám đốc điều hành tự hỏi làm thế nào họ có thể trở thành nhà lãnh đạo con người. Hành trình từ nhà lãnh đạo anh hùng trở thành nhà lãnh đạo con người bao gồm ba bước sau đây.

Xác định những sai lầm trong tư duy

Nỗi sợ trở thành một nhà lãnh đạo con người bắt nguồn từ những niềm tin và kỳ vọng gọi là bẫy tâm trí. Tất cả chúng ta đều mang trong mình nhiều tiếng nói khác nhau, định hình cách chúng ta nhìn nhận về bản thân, người khác và thế giới, cũng như cách ta cư xử. Mặt khác, tiếng nói của người xung quanh chẳng hạn như cha mẹ hoặc giáo viên cũng là niềm tin, khuôn mẫu và tiêu chuẩn tập thể từ môi trường tương tự như các giá trị tôn giáo hoặc xã hội. Những giọng nói này không chỉ định hình quan điểm mà đôi khi cấu trúc não bộ của con người.

Bẫy tâm trí là liên kết bất kỳ lỗ hổng kiến thức hoặc cảm xúc nào với thất bại kinh hoàng. Lấy trường hợp của Charlie đầu bài viết làm ví dụ, ban đầu anh đã quên căn nguyên của cái bẫy tâm trí của mình là gì. Nhưng sau này anh nhớ ra rằng, khi còn đi học, anh đã phải thuyết trình và lo lắng đến mức lóng ngóng. Trước mặt các sinh viên, giáo sư công khai chế nhạo lối tư duy và khả năng giao tiếp kém của Charlie. Ông nói rằng, Charlie sẽ không bao giờ thành công trong kinh doanh trừ khi anh ấy thể hiện sự tự tin và chuyên môn và đặt cảm xúc của mình sang một bên. Charlie đã tiếp nhận và áp dụng những lời giáo sư. Hầu hết chúng ta đang mắc phải những sai lầm về tư duy dù hữu hình hay vô hình, kìm hãm bằng cách khiến ta ngại thay đổi. Nhưng, hãy tin tôi, chúng ta có thể thoát khỏi tình trạng này.

Chuyển đổi tư duy

Loại bỏ bẫy tâm trí cần có lòng can đảm: Sự can đảm để thách thức niềm tin cũ, lắng nghe bản thân hơn là kỳ vọng của người khác, đặt câu hỏi về những gì chúng ta đã cho là đúng và đối mặt với nỗi sợ hãi về điều chưa biết thông qua sự thay đổi tâm trí. Thông qua sự thay đổi tư duy này, chúng ta có thể thay đổi quan điểm và giải phóng bản thân, đồng thời, bằng cách đó, chúng ta có thể mở khóa khả năng trở thành nhà lãnh đạo nhân loại.

Làm thế nào để chúng ta tạo ra thay đổi tư duy? Khi chúng ta xác định được cạm bẫy tâm trí cụ thể đang kìm hãm, chúng ta có thể thách thức thông qua những câu hỏi đơn giản nhưng đầy nội lực:

Đó là tiếng nói của ai? Điều đó có đúng không? Tôi đã sẵn sàng để từ bỏ hay chưa?

Hãy thử bỏ qua phân tích logics bằng não trái để làm sáng tỏ tâm trí. Hãy lập trình lại hệ điều hành bằng cách sử dụng các công cụ thích hợp dựa trên hình ảnh hóa và cách kể chuyện giúp chúng ta kết nối với nhau. Đây cũng là lúc bạn cần tranh thủ sự giúp đỡ của đồng minh đáng tin cậy và đồng cảm, bất kể đó là bạn bè, cố vấn,... đều rất cần thiết.

Sau khi giải quyết những câu hỏi trên, Charlie nhận ra rằng những lời của giáo sư đã định hình sâu sắc hành vi của anh trong nhiều năm. Tuy nhiên, anh không còn là một sinh viên trẻ và dễ bị tổn thương, và anh có thể tự quyết định có làm theo hay không. Khi anh hiểu rằng quan điểm lãnh đạo của giáo sư không phù hợp với con người thật của mình, Charlie đã sẵn sàng thay đổi quan điểm và cách tiếp cận. Hiểu được những cạm bẫy và vượt qua sự chuyển dịch tâm trí giúp ta gỡ bỏ hai nút thắt đầu tiên và sau cùng đến bước thứ ba.

Giải phóng năng lực lãnh đạo thông qua xây dựng tư duy

Một khi đã làm sáng tỏ những băn khoăn trên, bạn cần xây dựng và cố định một quan điểm mới thúc đẩy bản thân tiến lên hay nói cách khác là xây dựng tư duy. Điều này có nghĩa là, đầu tiên hãy tự do tưởng tượng hình mẫu bạn có thể trở thành, sau đó biến lý tưởng thành hành động. Chú ý, quan điểm mới này phải bén rễ thật sâu để tránh rơi vào cách làm và suy nghĩ cũ. Cũng giống như luyện tập cơ bắp, bạn phải tập tập thể dục và củng cố niềm tin và tư duy mới. Tương tự, hãy áp dụng cách làm trên vào cách bạn hành động và lãnh đạo.

Để hỗ trợ xây dựng tâm trí của khách hàng, nhà tâm lý trị liệu Hortense le Gentil dựa vào các công cụ giải phóng sức mạnh tưởng tượng và hình dung để tháo gỡ khúc mắc. Ví dụ, Hortense le Gentil đã cho Charlie tưởng tượng anh ấy đang trong một trận kéo co với giáo sư của mình, mỗi người trong số họ kéo theo các hướng ngược nhau. Sau đó, Hortense yêu cầu Charlie hình dung anh buông tay khỏi sợi dây. Điều gì xảy ra với vị giáo sư? Tất nhiên rồi, ông ấy ngã nhào về phía sau. Tiếp tục, Charlie hình dung về một cuộc đối thoại, anh cảm ơn những gì giáo sư đã chỉ dạy và nói rằng giờ đây anh phải bước trên con đường riêng. Kế đến, anh nghĩ về những bước đi thực sự và dần dần thoát khỏi cái bóng của người thầy. Đến đây, vị CEO trẻ tuổi tưởng tượng mình là một nhà lãnh đạo con người thành công trong tương lai và cân nhắc những câu hỏi sau: Anh đã cư xử như thế nào? Nhân viên phản hồi ra sao? Sau thay đổi, anh ấy cảm thấy thế nào? Cuộc sống có chuyển biến gì?

Thiết lập một thói quen luyện tập hàng ngày cũng là điều cần thiết để xây dựng tâm trí. Chẳng hạn, phương pháp của Marshall Goldsmith là một lựa chọn thích hợp: Viết ra một số hành vi và hành động phản ánh nhà lãnh đạo mà bạn muốn trở thành, và vào cuối mỗi ngày, hãy tự hỏi bản thân xem bạn đã làm được đến đâu.

Điều này ngay lập tức nhắc nhở bạn về những yếu tố quan trọng để không bị chìm đắm trong sự bận rộn của cuộc sống hàng ngày. Theo thời gian, bạn sẽ hình thành những thói quen mới. Bạn sẽ quen với việc suy nghĩ, làm và dẫn dắt theo cách khác và quan điểm mới của bạn sẽ trở thành bản chất thứ hai. Nhưng điều này cần được thực hành nhất quán, đòi hỏi bạn phải xem xét bản thân hàng ngày, đánh giá xem có đang đi đúng hướng hay không và nếu không, hãy lập kế hoạch để trở lại với con đường đúng đắn.

Cuộc hành trình từ bẫy tâm trí đến chuyển đổi tâm trí và xây dựng tâm trí có tác động sâu sắc đến chủ thể, tạo ra sự biến đổi sâu sắc và lâu dài trước tiên trong bản thân họ, sau đó là cách họ dẫn dắt. Vậy, vấn đề của Charlie là gì? Sau khi xác định cái bẫy tâm trí và thay thế bằng một góc nhìn mới, anh bắt đầu nhìn nhận vai trò của mình hoàn toàn khác. Anh dần dần học được cách thực sự lắng nghe và thoải mái khi liên hệ với nhân viên ở mức độ cá nhân, anh có thể thừa nhận khi không biết câu trả lời cho một vấn đề, anh cởi mở về những thách thức mà công ty phải đối mặt, và cũng tự tin chia sẻ lãnh đạo cùng nhân viên có thể chung tay thay đổi. Anh đã trở thành một nhà lãnh đạo con người thực thụ, một người lèo lái công ty thành công vượt qua giai đoạn tồi tệ nhất của cuộc khủng hoảng Covid và suy thoái kinh tế của nó. Kế đó, thậm chí, anh trở thành giám đốc điều hành của một công ty có quy mô lớn hơn nữa.

Quá trình đi từ bẫy tâm trí đến xây dựng tư duy phân biệt những người lãnh đạo của ngày hôm qua với những người có thể vượt qua thành công những thách thức của ngày hôm nay và ngày mai. Đúng vậy, chính bạn cũng cũng có thể “mở khóa” nhà lãnh đạo bên trong con người của mình.

Đức Nguyễn