Bài liên quan |
Các tập đoàn Mỹ chia sẻ kinh nghiệm trong việc phát triển lĩnh vực bán dẫn và AI |
'Phù thủy thiết kế' Jony Ive tham gia phát triển một thiết bị AI mới với OpenAI |
Các khoản tài trợ từ Trung Đông vào AI tăng gấp 5 lần trong năm qua. |
Trong bối cảnh toàn cầu đang bị cuốn vào cuộc đua công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), các quỹ đầu tư quốc gia đến từ Trung Đông đã nổi lên như những nhà hậu thuẫn tài chính lớn cho nhiều công ty công nghệ tại Thung lũng Silicon. Với nguồn vốn dồi dào, Ả Rập Xê Út, UAE, Kuwait và Qatar đang chuyển hướng mạnh mẽ vào việc đầu tư công nghệ cao, đặc biệt là AI, nhằm đa dạng hóa nền kinh tế của họ.
Theo dữ liệu từ Pitchbook, trong vòng một năm qua, các khoản tài trợ từ Trung Đông vào lĩnh vực AI đã tăng gấp 5 lần. Điều này diễn ra trong bối cảnh các quốc gia giàu tài nguyên này ngày càng tập trung vào việc phát triển công nghệ, thay vì chỉ phụ thuộc vào dầu mỏ.
Với sự tăng trưởng không ngừng của giá dầu, các quỹ đầu tư quốc gia tại Trung Đông đang có trong tay nguồn lực tài chính vượt trội, giúp họ vượt qua nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm khác. Trong khi Microsoft và Amazon đã tạo ra những đợt rót vốn đáng kể vào lĩnh vực AI, các quỹ từ Trung Đông với ngân sách chính phủ khổng lồ đã nhanh chóng bắt kịp.
Dự báo từ Goldman Sachs cho thấy, tổng tài sản tài chính của các nước thuộc Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC) sẽ tăng từ 2.700 tỷ USD năm 2021 lên 3.500 tỷ USD vào năm 2026.
PIF, quỹ đầu tư quốc gia của Ả Rập Xê Út, đang quản lý khối tài sản khổng lồ trị giá 925 tỷ USD. Theo sáng kiến "Tầm nhìn 2030" của Thái tử Mohammed bin Salman, PIF đã đầu tư mạnh vào nhiều doanh nghiệp trên toàn cầu, bao gồm Uber và các sự kiện thể thao quốc tế. Trong khi đó, Quỹ Mubadala của UAE cũng không đứng ngoài cuộc chơi khi đang quản lý 302 tỷ USD, với nhiều khoản đầu tư đáng chú ý vào AI.
Một trường hợp tiêu biểu là vòng gọi vốn gần đây của OpenAI, nơi MGX – một quỹ mới từ UAE đã tham gia và giúp định giá OpenAI lên đến 150 tỷ USD. Đồng thời, Mubadala cũng đã đổ tiền vào Anthropic, một đối thủ cạnh tranh của OpenAI, cho thấy sự quan tâm mạnh mẽ của các quỹ từ Trung Đông vào lĩnh vực này.
2 năm qua, AI gây bão trên toàn thế giới, sau khi OpenAI ra mắt ChatGPT. Cơn sốt này khiến hàng loạt doanh nghiệp tìm cách đổ tiền vào công nghệ mới. Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) hồi tháng 5 cho biết, tổng vốn đầu tư mạo hiểm đổ vào lĩnh vực AI trên toàn cầu đã lên tới 290 tỷ USD trong 5 năm qua.
Không chỉ Trung Đông, các quốc gia khác trên thế giới cũng đang đẩy mạnh đầu tư vào AI. Quỹ Bpifrance của Pháp đã tham gia 161 thỏa thuận về AI và học máy trong vòng bốn năm qua, trong khi Quỹ Temasek của Singapore và GIC cũng tích cực trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, sự ồ ạt của các khoản đầu tư vào AI đang khiến một số nhà đầu tư tại Thung lũng Silicon lo ngại về việc tái diễn "hiệu ứng SoftBank". Các khoản đầu tư quá lớn có thể đẩy giá trị của các công ty lên quá cao trước khi chúng thực sự chứng tỏ hiệu quả kinh doanh.
Dù có nhiều lo ngại, việc các quỹ đầu tư quốc gia từ Trung Đông đổ tiền vào các công ty Mỹ, thay vì các đối thủ Trung Quốc, lại mang một ý nghĩa địa chính trị đáng kể.
Jared Cohen, chuyên gia từ Viện Toàn cầu Goldman Sachs, nhận định: “Nguồn vốn lớn từ các quốc gia như Ả Rập Xê Út và UAE có thể gián tiếp tác động đến tình hình địa chính trị toàn cầu, khi họ tham gia sâu hơn vào các lĩnh vực công nghệ tiên tiến.”