Bài liên quan |
Bất động sản công nghiệp vào đường đua "hút" FDI lĩnh vực bán dẫn và AI |
"Hà Nội cần xây dựng cơ chế riêng để thu hút đầu tư vào lĩnh vực bán dẫn" |
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm phát biểu tại Tọa đàm diễn ra rạng sáng 23/9 theo giờ Việt Nam, với sự tham gia của các lãnh đạo, chuyên gia tập đoàn công nghệ, tổ chức hàng đầu thế giới trong lĩnh vực bán dẫn và AI. (Ảnh: TTXVN). |
Chiều 22/9 (giờ New York, rạng sáng 23/9 theo giờ Việt Nam), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm dự buổi tọa đàm "Tăng cường hợp tác Việt - Mỹ trong phát triển công nghiệp bán dẫn và trí tuệ nhân tạo" tại New York. Sự kiện có sự tham gia của các lãnh đạo, chuyên gia tập đoàn công nghệ, tổ chức hàng đầu thế giới trong lĩnh vực bán dẫn và AI, như Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Mỹ (SIA), AMD và Google.
Đây là một phần trong các hoạt động của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhân chuyến công tác Mỹ từ ngày 21 đến 24/9.
Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, quan hệ Việt Nam - Mỹ đang không ngừng phát triển, đặc biệt là hợp tác kinh tế - đầu tư - thương mại. Một năm sau khi hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện (từ tháng 9/2023), vào ngày 21/9 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Chương trình Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn và Chiến lược quốc gia phát triển ngành công nghiệp bán dẫn. Theo đó, trong thời gian tới, Việt Nam sẽ đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao tham gia ngành công nghiệp trí tuệ nhân tạo và bán dẫn, với mục tiêu đào tạo được 50.000 kỹ sư từ nay tới năm 2030. Trước đó, vào năm 2021, Việt Nam đã ban hành Chiến lược phát triển lĩnh vực AI.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm dự tọa đàm Tăng cường hợp tác Việt Nam - Mỹ trong phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và AI. Ảnh: TTXVN. |
Trong khuôn khổ tọa đàm, đại diện của các tổ chức, tập đoàn công nghệ hàng đầu Mỹ và thế giới đã chia sẻ kinh nghiệm quốc tế trong việc phát triển lĩnh vực bán dẫn và AI.
John Neuffer, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Mỹ SIA nhận định, chiến lược phát triển của Việt Nam mang "tham vọng và tư duy táo bạo", khi đặt trụ cột là chuẩn bị nguồn nhân lực tốt.
"Đây là sự khởi động sớm, đúng đắn để chuẩn bị cho con đường dài phía trước. Tôi tin bất kỳ quốc gia nào đầu tư cho nguồn lực con người, đúng hướng và đúng đắn, quốc gia đó sẽ sớm có vị trí quan trọng trong chuỗi cung ứng của thế giới", lãnh đạo SIA bình luận. "Nhiều tập đoàn Mỹ đã có hoạt động đầu tư tại Việt Nam. Các bạn có rất nhiều cơ hội để tham gia với vai trò to lớn hơn trong chuỗi cung ứng".
Ngoài khuyến khích Việt Nam đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D), ông Neuffer cho rằng, cần tập trung vào "hệ sinh thái" về bảo vệ sở hữu trí tuệ, khung pháp lý về công nghệ bán dẫn và AI, xem xét tham dự Hiệp định mở rộng về Công nghệ Thông tin (ITA 2) của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), trong đó có những khung quản lý công nghệ bán dẫn.
"Việt Nam có thể hưởng lợi từ làn sóng đầu tư mới của thế giới về trí tuệ nhân tạo và công nghệ bán dẫn. Cuộc cạnh tranh trên hai lĩnh vực này diễn ra rất khốc liệt, Việt Nam cần thể hiện quyết tâm chính trị lớn và hành động mạnh mẽ để thu hút nguồn đầu tư lớn, hiện thực hóa tầm nhìn và tham vọng trong chiến lược đề ra", lãnh đạo SIA đóng góp ý kiến.
Theo Keith Strier, Phó Chủ tịch cấp cao AMD đánh giá, Việt Nam đang chuyển đổi từ "nền kinh tế IT" (công nghệ thông tin) sang "nền kinh tế AI", mở rộng chuyển đổi đến nguồn nhân lực và xã hội.
"Nền tảng phát triển nền kinh tế AI gồm 4 yếu tố: Con người là trung tâm, được bao bọc bởi hệ sinh thái, được chống đỡ bởi hạ tầng và được thúc đẩy hướng về phía trước thông qua chính sách hiệu quả ở chính phủ", ông Strier nói.
"Trong tương lai, chính sách công nghiệp của các nước là chính sách về AI. Một nền kinh tế tự cường cần sự phát triển và đồng hành của AI, hướng đến sử dụng AI bao trùm, hiệu quả và minh bạch. Chúng tôi mong đồng hành cùng Việt Nam hiện thực hóa điều đó", lãnh đạo AMD khẳng định.
Cũng trong tọa đàm, các chuyên gia đánh giá cao chiến lược phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và AI của Việt Nam, tin tưởng rằng, với những hướng đi đã vạch ra, Việt Nam sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong lĩnh vực này và sẽ đạt được nhiều thành công trong tương lai.
Hiện nay, một số doanh nghiệp, tập đoàn công nghệ lớn của Việt Nam đang rất tích cực tham gia lĩnh vực bán dẫn và AI, trong đó tiên phong là FPT. Tập đoàn này đã hợp tác với những “bộ não” hàng đầu trong lĩnh vực AI toàn cầu như Landing AI, Mila, Nvidia và dự kiến đầu tư 200 triệu USD cho việc thành lập Nhà máy trí tuệ nhân tạo (AI Factory).
Trong lĩnh vực bán dẫn, FPT tập trung vào các mảng thiết kế, kiểm thử và đào tạo nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Năm 2022, FPT Semiconductor đã được thành lập, cho ra mắt chip bán dẫn “Made in Việt Nam” đầu tiên.
Tại tọa đàm, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đánh giá cao những phát biểu tâm huyết, đi thẳng vào các chủ đề về cơ hội hợp tác Việt Nam – Mỹ trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn và AI.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nêu rõ, Việt Nam xác định phát triển đất nước nhanh, bền vững dựa vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Đảng, Nhà nước xác định 3 đột phá chiến lược để phát triển kinh tế - xã hội đất nước đến năm 2030 là thể chế, hạ tầng, và phát triển nguồn nhân lực gắn với cơ cấu lại nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng; thúc đẩy phát triển dựa trên khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và giá trị văn hóa con người Việt Nam. Phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và AI là yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược, ưu tiên trong phát triển khoa học và công nghệ; sẽ kéo theo sự phát triển của các ngành phụ trợ khác.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm chỉ rõ, Việt Nam hiện đứng ở một thời điểm quan trọng cho sự chuyển đổi hướng tới nền kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và đang ưu tiên phát triển mạnh mẽ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo để tạo bứt phá về năng suất, chất lượng và tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Trong bối cảnh đó, Việt Nam khuyến khích và ưu tiên thu hút đầu tư có chọn lọc, hướng đến các dự án công nghệ cao, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, nghiên cứu và phát triển năng lượng tái tạo, hydrogen xanh, xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ..., đây cũng chính là những lĩnh vực mà các nhà đầu tư Hoa Kỳ có nhiều tiềm năng và thế mạnh.
Điểm qua những kết quả tích cực mà mối quan hệ hợp tác Việt Nam- Hoa Kỳ đem lại kể từ khi bình thường hóa quan hệ vào năm 1995, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước khẳng định, tiềm năng hợp tác của các đối tác Việt Nam và Hoa Kỳ trong ngành công nghiệp cao như bán dẫn và trí tuệ nhân tạo là vô cùng lớn, có nhiều ý nghĩa trong thời kỳ mới, đặc biệt là sau khi Việt Nam- Hoa Kỳ nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện với hai trụ cột hợp tác đột phá là đổi mới sáng tạo và công nghiệp bán dẫn. Tin tưởng rằng, hợp tác trong lĩnh vực bán dẫn và trí tuệ nhân tạo sẽ mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp hai bên cùng phát huy, khai thác lợi thế của mỗi bên.