Cà Mau: Có nhiều lợi thế để phát triển năng lượng tái tạo

21:30 21/04/2022

Cà Mau được đánh giá là nơi có nhiều lợi thế phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, nhất là điện khí và điện gió. Thời gian qua, việc đầu tư khai thác lợi thế này vẫn còn hạn chế so với tiềm năng, vì thế, cần thêm nhiều giải pháp để ngành công nghiệp có những bước tiến dài, góp phần phát triển nhanh kinh tế - xã hội của tỉnh.

Bên cạnh lợi thế về điều kiện tự nhiên, hạ tầng giao thông cũng được xem là vô cùng thuận lợi vì có cả đường bộ, đường biển, đường thuỷ nội địa và cả đường hàng không để phát triển các dự án năng lượng tái tạo. Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã có rất nhiều nhà đầu tư đến tìm hiểu, nghiên cứu và đề xuất đầu tư các dự án điện khí, điện gió, điện năng lượng mặt trời.

Dự án Nhà máy Điện gió Tân Ân 1 giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư 1.254 tỷ đồng, công suất 25 MW.

Tính đến hết năm 2021, UBND tỉnh đã trình Bộ Công thương đề xuất bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia tổng cộng 34 dự án, với tổng công suất 23.014 MW. Trong đó, có 21 dự án điện gió, 4 dự án điện khí và 9 dự án điện năng lượng mặt trời. Ngoài ra, còn 3 dự án nhà máy điện gió ngoài khơi với tổng công suất 2.550 MW đang hoàn thiện hồ sơ, đề xuất Bộ Công thương bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia.

Với điều kiện tự nhiên của tỉnh là có đường bờ biển dài hơn 254 km cùng nhiều cửa biển và các hòn đảo xung quanh rất thuận lợi để xây dựng kho, cảng, đường ống dẫn khí, hệ thống kho nổi phát triển các dự án điện khí.

Tuy nhiên, hiện nay, nguồn cung cấp khí cho 2 nhà máy điện Cà Mau 1 và Cà Mau 2 chỉ đáp ứng được hoạt động khoảng 67% tổng công suất vận hành của 2 nhà máy, cần phải bổ sung nguồn khí nhập khẩu. Do đó, để giải quyết vấn đề thiếu hụt nguồn cung cấp khí cũng như phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế về điện khí, UBND tỉnh đã kiến nghị Bộ Công thương bổ sung 4 dự án điện khí thiên nhiên hoá lỏng (LNG) với tổng công suất 10.700 MW. Cụ thể, Dự án điện khí Cà Mau 3, điện khí Tân Thuận, Sông Đốc và điện khí LNG cùng hệ thống kho nổi.

Theo quy hoạch phát triển ngành công nghiệp khí Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2035 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 60/QĐ-TTg năm 2017, trên địa bàn tỉnh được quy hoạch kho cảng nhập khẩu LNG với công suất 1 triệu tấn/năm bắt đầu vận hành trong giai đoạn 2022-2025; sau năm 2025 vận hành với công suất 2 triệu tấn mỗi năm. Cùng với đó là hệ thống đường ống dài 85 km.

Mặt khác, điện gió là một lợi thế mà thời gian qua Cà Mau thu hút được rất nhiều nhà đầu tư. Cụ thể, đã có 15 dự án điện gió được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận bổ sung vào quy hoạch phát triển điện quốc gia với tổng công suất 1.000 MW. Trong đó, 13 dự án tổng công suất 750 MW được phê duyệt chủ trương đầu tư đang triển khai thi công, 2 dự án được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận bổ sung vào quy hoạch điện VII.

Tính đến cuối năm 2021, trên địa bàn tỉnh cũng đã có 3 dự án điện gió, với tổng công suất 100 MW chính thức đưa vào vận hành thương mại. Các dự án còn lại sẽ vận hành trong giai đoạn 2022-2023. Để phát huy lợi thế từ biển trong phát triển điện gió, Cà Mau đang tiếp tục kiến nghị bổ sung thêm 24 dự án điện gió với tổng công suất hơn 12.000 MW gồm 6 dự án điện gió ngoài khơi và 18 dự án gần bờ.

Đó là những dự án vô cùng quan trọng, tạo điều kiện phát huy nguồn lực, tiềm năng và lợi thế của tỉnh, tạo đà thu hút đầu tư phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững./.

Phan Ngọc Ẩn (Theo Cà Mau online)