Cà Mau: Áp dụng công nghệ tiên tiến nâng cao năng suất, sản lượng, chất lượng và sức cạnh tranh của ngành tôm

22:26 24/05/2024

Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã có văn bản phê duyệt Phương án phát triển ngành tôm tỉnh Cà Mau thời kỳ 2021 -2030, tầm nhìn đến năm 2050 (gọi tắt là Phương án).

Nhằm mục tiêu phát triển ngành tôm Cà Mau trở thành trung tâm lớn nhất của vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước với mô hình tổ chức sản xuất phù hợp, áp dụng công nghệ tiên tiến để nâng cao năng suất, sản lượng, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm tôm Cà Mau, đồng thời thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường sinh thái; mang lại lợi ích cho người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế của tỉnh và đất nước.

Cà Mau có 6.800 ha nuôi tôm siêu thâm canh đem lại hiệu quả cao. Ảnh: Mô hình nuôi tôm siêu thâm canh tại xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển.
Cà Mau có 6.800 ha nuôi tôm siêu thâm canh đem lại hiệu quả cao. Ảnh: Mô hình nuôi tôm siêu thâm canh tại xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển.

Theo đó, tỉnh tập trung phát triển nhanh, mạnh đối với tôm chân trắng, tôm sú có thị trường tốt, nhân rộng và phát triển mô hình nuôi an toàn sinh học, nuôi 02 giai đoạn để nâng cao năng suất, sản lượng, chất lượng và phát triển bền vững. Tổ chức triển khai chuyển đổi các mô hình nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh phân tán, kém hiệu quả, gây ô nhiễm môi trường sang các mô hình nuôi phù hợp khác.

Đồng thời, chuyển đổi mạnh phương thức nuôi từ quảng canh sang quảng canh cải tiến. Phát triển các vùng nuôi tôm quảng canh cải tiến (chuyên tôm, tôm - lúa, tôm rừng) hữu cơ, tiêu chuẩn quốc tế có quy mô lớn để tạo ra sản phẩm chất lượng cao. Phát triển vùng nuôi tôm - lúa theo hướng sinh thái, hữu cơ chủ yếu tập trung tại thành phố Cà Mau, huyện Thới Bình, Trần Văn Thời và U Minh.Tổ chức lại vùng nuôi tôm - rừng phù hợp với điều kiện, quy định của pháp luật về thủy sản, lâm nghiệp. Tập trung phát triển nuôi tôm - rừng có chứng nhận quốc tế tại các huyện Năm Căn và Ngọc Hiển. Phát triển các mô hình nuôi tôm càng xanh chuyên canh (thâm canh, bán thâm canh), nuôi xen canh, luân canh (nuôi kết hợp tôm - lúa, tôm càng xanh trong mương vườn, nuôi ghép tôm càng xanh với đối tượng khác). 

Khu sản xuất tôm giống của Tập đoàn Việt - Úc (xã Tân Ân Tây, huyện Ngọc Hiển) mỗi năm cung cấp ra thị trường hàng ngàn triệu con tôm giống chất lượng cao.
Khu sản xuất tôm giống của Tập đoàn Việt - Úc (xã Tân Ân Tây, huyện Ngọc Hiển) mỗi năm cung cấp ra thị trường hàng ngàn triệu con tôm giống chất lượng cao.

Hình thành các vùng nuôi tập trung ở các địa phương có điều kiện phù hợp, khai thác diện tích ở các vùng bị tác động của biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn vào nuôi tôm càng xanh để tăng sản lượng, giá trị và hiệu quả sử dụng diện tích. Tổ chức lại sản xuất theo hướng liên kết các hộ đơn lẻ thành các tổ, nhóm; từ các tổ, nhóm liên kết thành các Hợp tác xã để đảm bảo quy mô nuôi của mỗi ô, vuông nuôi đạt từ 05 - 10 ha .Cũng như liên kết với các doanh nghiệp để cải tiến kỹ thuật nuôi tôm, đưa tiến bộ khoa học công nghệ vào nuôi tôm nhằm tăng năng suất tôm nuôi.

Theo kế hoạch, tổng diện tích nuôi tôm nước lợ năm 2025 ước đạt 280.000 ha. Trong đó, diện tích nuôi siêu thâm canh đạt 5.000 ha; thâm canh, bán thâm canh 4.200 ha; quảng canh cải tiến 200.000 ha, quảng canh 70.800 ha; diện tích nuôi tôm càng xanh 20.000 ha. Tổng sản lượng tôm đạt 280.000 tấn (siêu thâm canh 110.000 tấn; thâm canh, bán thâm canh 27.300 tấn; quảng canh cải tiến 112.000 tấn; quảng canh 22.700 tấn; tôm càng xanh 8.000 tấn). Giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 1,4 tỷ USD.

Cà Mau ưu tiên phát triển nuôi tôm siêu thâm canh, quảng canh cải tiến, quảng canh cải tiến 2, 3 giai đoạn, tôm - lúa, tôm - rừng, nuôi tôm sinh thái, tôm hữu cơ... theo hướng bền vững. Ảnh: Mô hình vụ lúa - vụ tôm càng trên đồng đất Thới Bình.
Cà Mau ưu tiên phát triển nuôi tôm siêu thâm canh, quảng canh cải tiến, quảng canh cải tiến 2, 3 giai đoạn, tôm - lúa, tôm - rừng, nuôi tôm sinh thái, tôm hữu cơ... theo hướng bền vững. Ảnh: Mô hình vụ lúa - vụ tôm càng trên đồng đất Thới Bình.

Đến năm 2030, tổng diện tích nuôi tôm nước lợ năm đạt 280.000 ha, trong đó  diện tích nuôi siêu thâm canh đạt 8.000 ha; thâm canh, bán thâm canh 1.700 ha; quảng canh cải tiến 240.000 ha; quảng canh 30.300 ha; diện tích nuôi tôm càng xanh 20.000 ha. Tổng sản lượng tôm nuôi 350.000 tấn (siêu thâm canh 179.200 tấn; thâm canh, bán thâm canh 11.600 tấn; quảng canh cải tiến 139.200 tấn; quảng canh 10.000 tấn; tôm càng xanh 10.000 tấn). Giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 1,65 tỷ USD.

Tầm nhìn đến năm 2050 ngành tôm của tỉnh phát triển bền vững, năng suất, chất lượng cao, có thương hiệu uy tín trên thị trường trong, ngoài nước. Sản xuất được kiểm soát chặt chẽ ở tất cả các khâu trong toàn chuỗi, 100% sản phẩm từ tôm nuôi truy xuất được nguồn gốc xuất xứ. Cơ sở hạ tầng các vùng nuôi tôm tập trung được đầu tư đồng bộ, hiện đại. Ngành tôm tiếp tục là ngành sản xuất chính để tạo sản phẩm, giá trị, kim ngạch xuất khẩu trong ngành thủy sản, là trung tâm chế biến tôm của thế giới và trong nước với kim ngạch xuất khẩu trên 06 tỷ USD/năm.

Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức thực hiện kế hoạch đúng trình tự, thủ tục quy định. Phối hợp với các sở, ngành, địa phương và đơn vị có liên quan tổ chức thực hiện; theo dõi, kiểm tra, tổng hợp, báo cáo, đánh giá tình hình thực hiện Phương án. Tiếp tục triển khai hiệu quả Phương án phát triển ngành tôm tỉnh Cà Mau thời kỳ 2021 -2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Ngọc Thư (tổng hợp)