'Bức tranh đỏ' của thị trường chứng khoán đang quay trở lại?

00:00 12/10/2020

Sau nhiều phiên giao dịch giằng co với thanh khoản thấp, thị trường chứng khoán đang có dấu hiệu bị bán tháo khi đón nhận các thông tin không tích cực về tình hình dịch Covid-19 trong nước.

"Điểm nóng" bệnh nhân số 416

Thông tin được lấy làm lý do tác động mạnh đến thị trường kể từ cuối tuần trước đến nay là xuất hiện bệnh nhân dương tính với Covid-19 trong cộng đồng đầu tiên sau 4 tháng ngừng giãn cách xã hội - bệnh nhân số 416 tại Đà Nẵng.

Nỗi lo về đại dịch có thể tiếp tục lan rộng đã tác động mạnh đến tâm lý của giới đầu tư.

Vn-index-do-lua-1459-1595839777.png

Nhiều mã cổ phiếu trong nhóm Vn30 giảm sàn, trắng bên mua trong phiên giao dịch ngày 27/7

Việc giãn cách xã hội sẽ khiến cho hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp ở Đà Nẵng nói riêng và Việt Nam bị ảnh hưởng do đây là thành phố có đóng góp vào nền kinh tế lớn thứ 3 tại Việt Nam. Đây chính là các rủi ro và gây áp lực ngược đối với nền kinh tế, cũng như doanh nghiệp, từ đó nhà đầu tư phải xác định lại triển vọng doanh nghiệp những tháng cuối năm có thể thay đổi.

Lo ngại này của giới đầu tư được cho là có cơ sở, bởi bài học của quý I thảm hại khi các ca nhiễm Covid-19 liên tiếp được công bố sau khi phát hiện bệnh nhân số 17. Tại thời điểm đó, thị trường chứng kiến nhiều phiên giao dịch mà các cổ phiếu vốn hóa lớn đầu tàu bị bán tháo về mức giá sàn, trắng bên mua.

Chỉ tính riêng trong tuần đầu tiên sau khi phát hiện ra bệnh nhân số 17 từ ngày 9 - 13/3, chỉ số Vn-Index đã giảm gần 130 điểm (4,5%) so với tuần trước đó về mức 761,78 điểm. Vốn hóa toàn thị trường giảm 613.000 tỷ đồng (26,3 tỷ USD) xuống 4,1 triệu tỷ đồng. Riêng sàn HoSE, vốn hóa giảm 443.017 tỷ đồng (18,9 tỷ USD) từ mức 3 triệu tỷ đồng xuống chỉ còn 2,6 triệu tỷ đồng. Đáng lưu ý, trong phiên giao dịch ngày 9/3, Vn-Index mất gần 56 điểm (gần 6,3%) - đánh dấu phiên giảm mạnh nhất của thị trường kể từ năm 2002.

Trong khi đó, diễn biến của thị trường kể từ phiên giao dịch ngày 24/7 đến nay đang có xu hướng như những gì đã diễn ra trong quý I, khi Vn-Index đã ghi nhận mức giảm lên tới 74 điểm chỉ sau 2 phiên xuất hiện tin xấu.

Sức ép bán tháo tại các bluechip như VNM, VIC, BID, VCB, SAB, TCB... đè nặng lên thị trường chung khiến các chỉ số không thể chuyển mình, dù cũng xuất hiện những nhịp bắt đáy. Chỉ trong 2 phiên giao dịch vừa qua, cổ phiếu VNM “bốc hơi” gần 71.000 tỷ đồng vốn hóa, VCB: 20.350 tỷ đồng, BID: 17.200 tỷ đồng...

Có chắc do Covid-19?

Hiện nay, đa số ý kiến đều đang cho rằng sự “thảm hại” của thị trường đến từ ca nhiễm Covid-19 thứ 416 và nếu sự đổ vỡ chỉ diễn ra tại thị trường Việt Nam thì có lẽ nguyên nhân này là hợp tình hợp lý.

Tuy nhiên, thống kê cho thấy các chỉ số trên thế giới đều giảm điểm cực mạnh như: Trung Quốc (-3,86%), Hồng Kông (-2,21%), Hàn Quốc (-0,71%), Mỹ (-2,29%), Anh (-1,32%)...

Thực tế, thị trường đã ở trong chu kỳ điều chỉnh và "sóng" điều chỉnh vẫn đang tiếp diễn. Nhiều nhà đầu tư chốt lời sau giai đoạn hồi phục mạnh trước đó đã đứng ngoài thị trường chờ cơ hội mới.

Theo phân tích của Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), mặt bằng giá cổ phiếu không còn được coi là rẻ trong bối cảnh hiện nay, cũng như không có nhiều thông tin kỳ vọng làm thay đổi xu hướng thị trường trong ngắn hạn.

Kết quả kinh doanh quý II với nhiều yếu tố bất ngờ cũng là một yếu tố khiến các chỉ số thị trường tiếp tục chịu tác động khi hoạt động của một số doanh nghiệp bất động sản, xây lắp, du lịch, hàng không, xấut khẩu... được dự báo khó tăng trưởng.

Ngoài ra, việc tái cơ cấu lại danh mục của các quỹ ETFs đầu tư theo chỉ số VN30, VN-Diamond và VN-FinLead trong tuần tới cũng sẽ tiếp tục tạo ra những biến động khó lường trên thị trường.

Đặc biệt, các công ty chứng khoán đã bắt đầu tư vấn nhà đầu tư thực hiện chiến lược phòng thủ. Như BVSC khuyến cáo nhà đầu tư nên tiếp tục cơ cấu danh mục ngắn hạn khi thị trường phục hồi; giảm tỷ trọng các mã yếu kém, suy thoái để có thể xem xét cơ cấu gia tăng tỷ trọng vào các mã tăng trưởng tốt hơn thuộc các nhóm cơ bản như điện, nước, khu công nghiệp.

Tín hiệu suy yếu của thị trường đã bộc lộ từ trước đó khi khối ngoại duy trì bán ròng tác động đến tâm lý nhà đầu tư trong nước. Thông thường, sau một vài phiên sụt giảm, dòng tiền bắt đáy bắt đầu hoạt động nhưng trong bối cảnh hiện nay, hoạt động bắt đáy nhiều khả năng chỉ ở mức độ thăm dò và tập trung vào những cổ phiếu cơ bản tốt, theo chiến lược đầu tư phòng thủ.

Nhận định về thị trường trong thời gian tới, ông Hoàng Tùng - Phó Chủ tịch Quỹ đầu tư AlphaGrep cho rằng, nền kinh tế toàn cầu đang phải đối mặt với một “trận chiến” chống dịch Covid-19 dài hơn dự tính, song song với đó là tình hình căng thẳng Mỹ - Trung đang ngày càng gia tăng và diễn biến khó lường.

Những rủi ro này hoàn toàn có thể kích nổ “quả bom” đang được đợi sẵn trên thị trường là sự thiếu kinh nghiệm của các nhà đầu tư F0.

Linh Đan