Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng: Các doanh nghiệp Việt Nam phải đi ra thế giới

09:31 24/02/2023

Lý giải về việc các doanh nghiệp Việt Nam phải đi ra thế giới, Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ: Đi ra nước ngoài là mang tri thức và công nghệ số của Việt Nam đi mở cõi, để Việt Nam đóng góp cho sự phát triển của nhân loại; cũng là mở rộng không gian, mở rộng thách thức, mở rộng hệ tri thức, là học hỏi để xây dựng Việt Nam.

Bộ trưởng Hùng nhấn mạnh, tất cả những điều này là để Việt Nam giỏi lên. Không đi ra nước ngoài, không cạnh tranh, không chinh phục, không có doanh thu từ thị trường nước ngoài, Việt Nam không thể trở thành nước phát triển có thu nhập cao.

Ảnh minh họa
 Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại Hội nghị “Doanh nghiệp Công nghệ số Việt Nam đi ra thế giới” diễn ra ngày 23/2

Hiện tại, các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam không chỉ có thế mạnh về nguồn nhân lực năng động và sáng tạo mà còn có khả năng cạnh tranh về giá cả so với thị trường toàn cầu. Việt Nam có khoảng 1 triệu nhân lực ngành công nghệ thông tin, trong đó khoảng 50% là lập trình viên, kỹ sư ngành phần mềm. Nguồn nhân lực dồi dào là điều kiện cần để có nội lực phát triển. Thêm vào đó, chi phí dịch vụ công nghệ thông tin tại Việt Nam chỉ bằng 1/3-1/4 so với chi phí tại nhiều quốc gia phát triển. Cùng với lợi thế về hạ tầng băng thông rộng đã phủ sóng đến 99,73% toàn quốc, Việt Nam có nhiều lợi thế để đưa công nghệ Việt, nguồn nhân lực công nghệ thông tin Việt xuất ngoại.

Mặc dù Việt Nam có nhiều lợi thế, nhưng việc chinh phục thị trường nước ngoài là nhiệm vụ khó khăn, thách thức. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng kỳ vọng cộng đồng doanh nghiệp công nghệ Việt cùng nhau xây dựng thương hiệu quốc gia. Bởi lẽ, Việt Nam là một quốc gia với rất nhiều doanh nghiệp công nghệ số xuất sắc, có thể giải quyết mọi bài toán toàn cầu và địa phương bằng công nghệ số.

Chia sẻ về định hướng các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp Việt vươn ra thế giới trong thời gian tới, ông Nguyễn Thiện Nghĩa, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Công nghiệp ông nghệ thông tin và Truyền thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) đề cập đến việc thành lập tổ tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp, xây dựng đầu mối tiếp nhận đề nghị hỗ trợ của doanh nghiệp Việt trong quá trình tìm lộ trình đi ra nước ngoài.

Bên cạnh đó, Cục Công nghiệp công nghệ thông tin và Truyền thông sẽ có những hoạt động quảng bá thương hiệu quốc gia cho những sản phẩm công nghệ "Make in Việt Nam" và năng lực doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam; hình thành cổng thông tin hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia các chương trình, hoạt động xúc tiến thương mại tại nước ngoài.

Ông Nguyễn Thiện Nghĩa lưu ý, doanh nghiệp số muốn vươn ra thị trường thế giới cần tận dụng những yếu tố như nhãn hiệu, thương hiệu quốc gia. Doanh nghiệp cần nắm bắt thông tin thị trường, thâm nhập văn hóa những quốc gia định phát triển sản phẩm. Cùng với đó, một yếu tố quan trọng là cộng đồng doanh nghiệp công nghệ Việt cần “đi cùng nhau” với tinh thần đoàn kết, hỗ trợ để cùng phát triển thương hiệu sản phẩm công nghệ Việt, ghi tên Việt Nam trên bản đồ công nghệ thế giới.

Ảnh minh họa
Việc đi cùng nhau ra thị trường lớn sẽ tạo được sức mạnh cộng hưởng và dễ thành công hơn.

Ông Tào Đức Thắng - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Viettel: Các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ không nên đi ra nước ngoài đơn lẻ. Việc đi cùng nhau ra thị trường lớn sẽ tạo được sức mạnh cộng hưởng và dễ thành công hơn.

Ông Phạm Thái Sơn, Tổng Giám đốc Công ty NTQ Solution: Mô hình “mồi câu” của Công ty  với lựa chọn “thông minh” khi sử dụng 5 - 10% chuyên gia nước ngoài tại công ty và để 10 - 20% nhân viên của NTQ ra nước ngoài hỗ trợ khách hàng.

Theo khảo sát của Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) với hơn 62% doanh nghiệp công nghệ Việt tham gia khảo sát cho biết, doanh nghiệp đang cung cấp dịch vụ cho thị trường nước ngoài. Con số này cho thấy, thị trường nước ngoài với sức tiêu dùng mạnh hơn, cập nhật công nghệ mới nhanh hơn từ lâu đã là đích đến của nhiều doanh nghiệp công nghệ Việt. Số còn lại lên kế hoạch phát triển ra thị trường nước ngoài trong vòng 3-5 năm. 5% doanh nghiệp chưa có kế hoạch tiến ra nước ngoài.

Khi ra thị trường quốc tế, các doanh nghiệp quan tâm đến nhiều vấn đề như thông tin thị trường, cơ hội của doanh nghiệp, chiến lược tiếp cận thị trường, kênh và cách thức tiếp cận, chi phí marketing, hỗ trợ của Chính phủ Việt Nam và các hiệp hội, các thủ tục, thời gian, các tổ chức có thể giúp đỡ...

An Nguyên