Theo đó, các hoạt động sản xuất kinh doanh, thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp đã có chuyển biến bước đầu, có thể là tín hiệu tích cực tạo đà cho sự phục hồi trong thời gian tới. Đặc biệt, trong tháng 4, nhiều chính sách, giải pháp tháo gỡ khó khăn ban hành từ đầu năm đến nay bắt đầu có hiệu ứng tác động, tháng 4 cũng là tháng bước vào giai đoạn đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ, nhất là du lịch. Nhờ đó, đã có nhiều chuyển biến tích cực trong một số lĩnh vực như thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, đầu tư công, khơi thông điểm nghẽn về dòng tiền trong nền kinh tế.
Theo báo cáo của Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, trong tháng 3 và 4, Chính phủ tiếp tục xác định việc tháo gỡ các rào cản, khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế là nhiệm vụ chính trị hàng đầu. Theo đó, nhiều chính sách tháo gỡ khó khăn cho các thị trường trọng điểm như thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản, nhà ở xã hội, thị trường bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng... đã được ban hành.
Báo cáo cũng nhìn nhận, chính sách tài khóa tiếp tục mở rộng có trọng tâm, trọng điểm như mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định 12/2023/NĐ-CP ngày 14/4/2023 cho phép giãn hoãn thuế, tiền thuê đất, giảm một số thuế, phí với tổng quy mô gói hỗ trợ khoảng 198.400 tỷ đồng và đang đề xuất giảm 2% thuế giá trị gia tăng.
Đối với chính sách tiền tệ, tiếp theo việc liên tiếp giảm một số lãi suất điều hành 1% trong tháng 3/2023, trong tháng 4, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 02/2023/TT-NHNN về cơ cấu lại nợ, hoãn giãn nợ, không chuyển nhóm nợ (nhằm kiểm soát nợ xấu, tăng khả năng tiếp cận vốn cho người dân, doanh nghiệp) và Thông tư 03/2023/TT-NHNN (sửa đổi Thông tư 16-2021) nới lỏng một số điều kiện về cho vay, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng, góp phần tháo gỡ khó khăn hiện tại của thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Cùng với đó, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội với lãi suất ưu đãi, thấp hơn lãi suất thị trường 1,5- 2% cũng đã chính thức được hướng dẫn triển khai. Các chính sách này được kỳ vọng tháo gỡ một phần khó khăn về pháp lý, vốn cho người dân, doanh nghiệp và kích cầu tín dụng, hỗ trợ phục hồi thời gian tới.
Với nhiều chính sách tích cực cùng sự nỗ lực của khu vực doanh nghiệp, các địa phương, nhiều chỉ tiêu kinh tế tháng 4 đã có chuyển biến, có tín hiệu và xu hướng khả quan đã đóng góp quan trọng vào kết quả chung của 4 tháng đầu năm 2023.
Cụ thể, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm; trong đó tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 4 tháng tăng 3,84% so với cùng kỳ, giảm dần so với quý I (4,18%) và 2 tháng đầu năm (4,6%); chỉ số lạm phát cơ bản 4 tháng đã chuyển biến tích cực. Thị trường tiền tệ cơ bản ổn định, chủ động điều hành chính sách tiền tệ, hỗ trợ giảm mặt bằng lãi suất cho vay, ổn định tỷ giá phù hợp với diễn biến thị trường, bảo đảm an toàn, thanh khoản của hệ thống ngân hàng.
Tính chung 4 tháng, thu ngân sách Nhà nước ước đạt 39% dự toán; trong đó, thu nội địa đạt 39,5% dự toán; thặng dư thương mại (xuất siêu) ước đạt 6,35 tỷ USD (cùng kỳ năm ngoái đạt 2,35 tỷ USD).
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) bước đầu có tín hiệu tốt. Khu vực dịch vụ tiếp tục phục hồi tích cực. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 4 tháng tăng 12,8%. Khách quốc tế đến Việt Nam 4 tháng ước đạt gần 3,7 triệu lượt, gấp 19,2 lần cùng kỳ năm trước. Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới 4 tháng đạt gần 50.000 doanh nghiệp, tăng 0,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đối với giải ngân vốn đầu tư công, ước đến ngày 30/4/2023, cả nước đã giải ngân được 110.633,6 tỷ đồng, đạt 15,65% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn cùng kỳ năm 2022 (18,48%) tuy nhiên về số tuyệt đối tăng gần 15.000 tỷ đồng (khoảng 16%) so với cùng kỳ năm 2022.
Bên cạnh đó, môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện. Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản công bố kết quả khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài năm 2022; trong đó, 60% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết sẽ mở rộng hoạt động kinh doanh tại Việt Nam trong thời gian tới.
Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, bên cạnh những kết quả đạt được, kinh tế Việt Nam còn một số khó khăn, hạn chế do ảnh hưởng tác động từ bên ngoài, sản xuất kinh doanh tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức; xuất khẩu giảm, khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế khó khăn; sức ép điều hành kinh tế vĩ mô tăng cao.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung cũng chỉ ra, quý I/2023 là một trong những quý I có tốc độ tăng trưởng thấp, chỉ cao hơn năm 2020-2021. Chủ yếu động lực tăng trưởng của quý I/2023 suy giảm do lĩnh vực công nghiệp, xây dựng, đặc biệt là công nghiệp chế biến chế tạo. Trong quý, các trung tâm sản xuất lớn, công nghiệp xây dựng bị ảnh hưởng và có khoảng 7 địa phương có tốc độ tăng trưởng tương đối thấp; trong đó, có 3 địa phương là Thành phố Hồ Chí Minh, Thái Nguyên, Bắc Ninh.
Nguyên nhân là do bối cảnh chung và bên cạnh động lực là công nghiệp chế biến chế tạo suy giảm, còn một số lĩnh vực khác như: tổng cầu giảm; trong đó, tổng mức bán lẻ; nhu cầu, tốc độ tăng xuất nhập khẩu, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu, thị trường, thu hút vốn đầu tư nước ngoài và những lĩnh vực riêng đặc thù của các địa phương này cũng sụt giảm.
T.H