Bổ sung mới về Ban kiểm soát trong doanh nghiệp nhà nước

05:09 09/12/2020

Luật Doanh nghiệp năm 2020 có hiệu lực từ ngày 01/01/2021 thay thế Luật Doanh nghiệp năm 2014 có nhiều bổ sung đáng chú ý đối với Ban Kiểm soát trong doanh nghiệp nhà nước.

Những điều chỉnh này làm cho doanh nghiệp nhà nước thay đổi hoàn toàn từ hình thức đến nội dung. 

Căn cứ quy mô của công ty, cơ quan đại diện chủ sở hữu quyết định thành lập Ban kiểm soát có từ 01 đến 05 kểm soát viên, trong đó có Trưởng Ban kiểm soát.
Căn cứ quy mô của công ty, cơ quan đại diện chủ sở hữu quyết định thành lập Ban Kiểm soát có từ 01 đến 05 kểm soát viên, trong đó có Trưởng Ban Kiểm soát. (Ảnh: minh hoạ, nguồn internet)

Hình thức ở đây là loại hình hoạt động của doanh nghiệp nhà nước: có thể là Công ty TNHH một thành viên hoặc Công ty TNHH hai thành viên hoặc Công ty cổ phần.

Nội dung được nói đến ở đây là cơ cấu tổ chức quản lý của doanh nghiệp nhà nước. Điểm quan trọng nhất trong cơ cấu tổ chức quản lý của doanh nghiệp nhà nước có thể nói đến là sự có mặt của Ban Kiểm soát.

Khái niệm và chức năng, nhiệm vụ

Ban Kiểm soát là tổ chức phụ thuộc công ty được lập ra bởi Hội đồng quản trị nhằm giúp Hội đồng quản trị kiểm tra, giám sát tính hợp pháp, chính xác và trung thực trong việc quản lí, điều hành hoạt động kinh doanh, ghi chép sổ sách kế toán thuế doanh nghiệp, báo cáo tài chính và việc chấp hành điều lệ công ty, nghị quyết, quyết định của Hội đồng quản trị và Chủ tịch Hội đồng quản trị.

Khoản 1 Điều 103 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định: Căn cứ quy mô của công ty, cơ quan đại diện chủ sở hữu quyết định thành lập Ban Kiểm soát có từ 01 đến 05 kểm soát viên, trong đó có Trưởng Ban Kiểm soát. Nhiệm kỳ của kiểm soát viên không quá 05 năm và có thể được bổ nhiệm lại nhưng không quá 02 nhiệm kỳ liên tục tại công ty đó. Trường hợp Ban Kiểm soát chỉ có 01 kiểm soát viên thì kiểm soát viên đó đồng thời là Trưởng Ban Kiểm soát và phải đáp ứng tiêu chuẩn của Trưởng Ban Kiểm soát.

Theo đó, trong cơ cấu tổ chức quản lý của doanh nghiệp nhà nước bắt buộc phải có Ban Kiểm soát theo Luật Doanh nghiệp 2020.

Quyền và nghĩa vụ của Ban Kiểm soát

Quyền của Ban Kiểm soát bao gồm: Xem xét sổ sách kế toán, báo cáo, hợp đồng, giao dịch và tài liệu khác của công ty; kiểm tra công việc quản lý, điều hành của Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Giám đốc hoặc Tổng Giám đốc khi xét thấy cần thiết hoặc theo yêu cầu của cơ quan đại diện chủ sở hữu;

Tham gia các cuộc họp Hội đồng thành viên, các cuộc tham vấn, trao đổi chính thức và không chính thức của cơ quan đại diện chủ sở hữu với Hội đồng thành viên; chất vấn Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty và Giám đóc hoặc Tổng Giám đốc về kế hoạch, dự án, chương trình đầu tư phát triển và các quyết định khác trong quản lý, điều hành công ty;

Yêu cầu người quản lý công ty báo cáo về thực trạng tài chính và kết quả kinh doanh của công ty con khi xét thấy cần thiết để thực hiện các nhiệm vụ theo quy định của pháp luật và Điều lệ công ty;

Yêu cầu Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Giám đốc, Phó Gám đốc hoặc Tổng Giám đốc, Phó Tổng Giám đốc, Kế toán trưởng và người quản lý khác báo cáo, cung cấp thông tin trong phạm vi quản lý và hoạt động đầu tư, kinh doanh của công ty;

Đề nghị cơ quan đại diện chủ sở hữu thành lập đơn vị thực hiện nhiệm vụ kiểm toán để tham mưu và trực tiếp hỗ trợ Ban Kiểm soát thực hiện quyền và nghĩa vụ được giao.

Nghĩa vụ của Ban Kiểm soát bao gồm: Giám sát việc tổ chức thực hiện chiến lược phát triển, kế hoạch kinh doanh;

Giám sát và đánh giá việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của thành viên Hội đồng thành viên và Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Giám đốc hoặc Tổng Giám đốc công ty;

Giám sát, đánh giá thực trạng hoạt động kinh doanh, thực trạng tài chính của công ty;

Giám sát tính hợp pháp, tính hệ thống và trung thực trong công tác kế toán, sổ sách kế toán, trong nội dung báo cáo tài chính, các phụ lục và tài liệu liên quan;

Giám sát thực hiện dự án đầu tư lớn; hợp đồng, giao dịch mua, bán; hợp đồng, giao dịch kinh doanh khác có quy mô lớn; hợp đồng, giao dịch kinh doanh bất thường của công ty;

Giám sát, đánh giá hiệu lực và mức độ tuân thủ quy chế kiểm toán nội bộ, quy chế quản lý và phòng ngừa rủi ro, quy chế báo cáo, quy chế quản trị nội bộ khác của công ty;

Giám sát hợp đồng, giao dịch của công ty với các bên có liên quan;

Lập và gửi báo cáo đánh giá, kiến nghị về nội dung quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, e và g khoản 1 Điều 104 Luật Doanh nghiệp năm 2020 cho cơ quan đại diện chủ sở hữu và Hội đồng thành viên;

Thực hiện nghĩa vụ khác theo yêu cầu của cơ quan đại diện chủ sở hữu, quy định tại Điều lệ công ty.

Các quyền khác (nếu có) được quy định tại Điều lệ công ty.

Phương Ngân