Tạp chí Doanh nghiệp và Hội nhập đã có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Sơn Tùng- Chủ tịch Công ty Luật TNHH Legal United Law về các khía cạnh có liên quan đến hoạt động quản trị nội bộ của các ngân hàng thương mại (NHTM) và liên quan đến các quy định pháp luật về miễn nhiệm, bãi nhiệm đối với các chức danh về quản trị, quản lý trong NHTM dưới hình thức công ty đại chúng.
Thưa ông, theo quy định của Luật Doanh nghiệp và Luật Chứng khoán, các ngân hàng thương mại (NHTM) phải tuân thủ những yêu cầu quản trị nội bộ như thế nào trong thực tế?
Luật sư Nguyễn Sơn Tùng: Theo điểm a, Khoản 1, Điều 40 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 (Luật TCTD), cơ cấu tổ chức quản lý của tổ chức tín dụng được thành lập dưới hình thức công ty cổ phần bao gồm Đại hội đồng Cổ đông (ĐHĐCĐ), Hội đồng Quản trị (HĐQT), Ban Kiểm soát (BKS) và Tổng Giám đốc hoặc Giám đốc.
Về hình thức, ngoài việc căn cứ vào điều lệ, các ngân hàng thương mại cổ phần (NHTMCP) hoạt động dưới hình thức công ty đại chúng còn phải xây dựng một số tài liệu tối thiểu, bao gồm: Quy chế Quản trị Nội bộ (QC QTNB), Quy chế Hoạt động của Hội đồng Quản trị (QC HĐ.HĐQT), Quy chế Hoạt động của Ban Kiểm soát (QC HD.BKS) và Quy chế Công bố thông tin.
Đây là bốn quy chế tối thiểu mà pháp luật yêu cầu phải có. Tuy nhiên, thực tế, các ngân hàng là công ty đại chúng thường xây dựng và ban hành thêm các quy chế khác để phù hợp với nhu cầu quản trị thực tế, có thể kể đến như: Quy chế Đầu tư, Quy chế Quản lý tài chính và Quản lý vốn góp, Bộ Quy tắc Ứng xử kinh doanh, Quy chế Quản lý xung đột và lợi ích, Quy chế Tổ chức và hoạt động của Ủy ban nhân sự, v.v.
Ngoài ra, theo Khoản 2, Điều 5 Thông tư 13/2018/TT-NHNN, hệ thống kiểm soát nội bộ trong hoạt động của các NHTM phải tuân thủ các quy định tại Điều 93 Luật Các tổ chức tín dụng. Trong quy định nội bộ về hệ thống kiểm soát nội bộ này, phải có các quy định liên quan đến quản lý rủi ro.
Thưa ông, quyền của cổ đông hoặc nhóm cổ đông trong việc yêu cầu bãi nhiệm hoặc miễn nhiệm một hoặc một số thành viên Hội đồng Quản trị (HĐQT) và Trưởng Ban Kiểm soát (BKS) trong ngân hàng được quy định như thế nào?
Luật sư Nguyễn Sơn Tùng: Việc bãi nhiệm và miễn nhiệm thành viên Hội đồng Quản trị (HĐQT) hay Trưởng Ban Kiểm soát (BKS) là hai hành động khác nhau. Được thực hiện khi Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) quyết định chấm dứt chức danh của các nhân sự này trước khi hết nhiệm kỳ hoặc thời hạn bổ nhiệm, nếu họ không hoàn thành nhiệm vụ, uy tín giảm sút, hoặc vi phạm các quy định trong Điều lệ, Quy chế Quản trị nội bộ (QC QTNB), Quy chế Hoạt động của HĐQT, hoặc Quy chế Hoạt động của BKS.
![]() |
Luật sư Nguyễn Sơn Tùng- Chủ tịch Công ty Luật TNHH Legal United Law. |
Quyền của cổ đông hoặc nhóm cổ đông trong việc yêu cầu bãi nhiệm, miễn nhiệm thành viên HĐQT và Trưởng BKS được quy định không chỉ trong Luật Doanh nghiệp và Luật Các tổ chức tín dụng, mà còn được ghi nhận chi tiết trong các tài liệu quản trị nội bộ của ngân hàng như Điều lệ, QC QTNB, Quy chế HĐ. HĐQT và Quy chế HĐ.BKS. Về cơ bản, quyền này phát sinh từ cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 5% vốn điều lệ trở lên. Họ có thể yêu cầu đưa vấn đề bãi nhiệm, miễn nhiệm vào chương trình họp ĐHĐCĐ, tổ chức cuộc họp thường kỳ hoặc bất thường, hoặc lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản. Quyết định bãi nhiệm, miễn nhiệm chỉ có hiệu lực khi nhận được sự đồng ý của hơn 51% cổ đông tham gia biểu quyết tại cuộc họp hoặc lấy ý kiến.
Thế nào là miễn nhiệm, bãi nhiệm và khi nào một thành viên HĐQT không còn tư cách thành viên HĐQT nữa, thưa ông?
Luật sư Nguyễn Sơn Tùng: Một thành viên Hội đồng Quản trị (HĐQT) hay bất kỳ chức danh quản lý, quản trị nào trong ngân hàng hoặc công ty đại chúng sẽ mất tư cách thành viên nếu bị bãi nhiệm, miễn nhiệm, từ nhiệm, hoặc bị thay thế.
Theo Điều 160 của Luật Doanh nghiệp, có sự phân biệt rõ ràng giữa hành vi miễn nhiệm và bãi nhiệm. Cụ thể, ĐHĐCĐ sẽ thực hiện miễn nhiệm thành viên HĐQT khi thành viên đó không còn đủ tiêu chuẩn và điều kiện theo quy định (theo Khoản 2, Điều 17 và Điều 155 của Luật Doanh nghiệp hoặc nếu có quy định khác trong Điều lệ Công ty). Ngoài ra, thành viên có thể bị miễn nhiệm khi có đơn từ nhiệm được chấp thuận. Trong khi đó, bãi nhiệm xảy ra khi thành viên không tham gia các hoạt động của HĐQT trong 6 tháng liên tục, trừ trường hợp bất khả kháng.
Điều 45 Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD) quy định các trường hợp đương nhiên mất tư cách thành viên HĐQT và Trưởng Ban Kiểm soát (BKS). Cũng theo Điều 46 Luật TCTD, ngoài các trường hợp mất tư cách đương nhiên, thành viên cũng có thể bị miễn nhiệm nếu có đơn từ chức gửi HĐQT hoặc Trưởng BKS gửi BKS của ngân hàng. Trong trường hợp mất tư cách đương nhiên, HĐQT hoặc ĐHĐCĐ của ngân hàng cần có văn bản báo cáo kèm tài liệu chứng minh và gửi Ngân hàng Nhà nước trong vòng 5 ngày kể từ ngày thành viên mất tư cách.
Ngoài ra, theo quy định của Luật TCTD, thành viên HĐQT hay Trưởng BKS có thể bị bãi nhiệm nếu không đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện cụ thể hoặc không tham gia các hoạt động của HĐQT hoặc BKS trong 6 tháng liên tục, trừ trường hợp bất khả kháng.
Trong thực tế, các ngân hàng thường có quy định yêu cầu tất cả thành viên HĐQT, bao gồm cả thành viên độc lập và chuyên trách, phải thông báo với HĐQT nếu không còn đáp ứng đủ các tiêu chuẩn và điều kiện làm thành viên HĐQT. Khi đó, thành viên này sẽ đương nhiên không còn là thành viên của HĐQT từ ngày không đáp ứng đủ các tiêu chuẩn, điều kiện đó.
Quy trình miễn nhiệm, bãi nhiệm thành viên HĐQT và Trưởng BKS, pháp luật hiện này quy định như thế nào?
Luật sư Nguyễn Sơn Tùng: Có thể nói muốn miễn nhiệm hay bãi nhiệm các thành viên HĐQT hay Trưởng BKS là những chức danh cho ĐHĐCĐ bầu thì cần phải tuân thủ theo quy trình chặc chẽ từ xác định vi phạm, công bố vi phạm, triệu tập, mời họp ĐHĐCD hay ĐHĐCĐ tổ chức lấy ý kiến các cổ đông, thông báo cho Ngân hàng Nhà nước, họp ĐHĐCĐ, ĐHĐCĐ ra quyết định hay nghị quyết về bãi nhiệm, miễn nhiệm, rồi Chủ tịch HĐQT ban hành quyết định thực thi (nếu có) và phải thực hiện việc công bố thông tin bắt buộc trện thị trường chứng khoán.
Đương nhiên quy trình bãi nhiệm, miễn nhiệm này sẽ khác với quy trình từ nhiệm khi thành viên HĐQT, thành viên Ban Điều hành hay thành viên BKS muốn từ nhiệm. Chưa kể nếu thành viên HĐQT mà không phải là thành viên độc lập và đồng thời còn là cổ đông phổ thông hay đại diện cho một nhóm cổ đông khác của ngân hàng thì người bị đề nghị miễn nhiệm hay bãi nhiệm này trong vai trò cổ đông còn có quyền phản đối yêu cầu hủy bỏ một phần hay toàn bộ nghị quyết, quyết định của ĐHĐCĐ nếu chúng không có cơ sở.
Thưa Luật sư, ông đánh giá như thế nào với ý kiến nhóm cổ đông sở hữu trên 5% vốn cổ phần của Eximbank muốn miễn nhiệm 02 trên 07 thành viên HĐQT với lý do được đưa ra là không tham dự đầy đủ các cuộc họp HĐQT và các lần lấy ý kiến bằng văn bản?
Luật sư Nguyễn Sơn Tùng : Tôi chưa đọc điều lệ hay các quy chế quản lý nội bộ của Ngân hàng Eximbank nhưng theo quy định pháp luật về doanh nghiệp, về chứng khoán và trong hầu hết trong Điều lệ của các ngân hàng hoạt động theo mô hình đại chúng đều có quy định về trách nhiệm và nghĩa vụ của các thành viên HĐQT là phải “tham dự đầy đủ các cuộc họp của HĐQT, có ý kiến rõ ràng về các vấn đề được đưa ra thảo luận và biếu quyết”. Do ấy, ngoại trừ các vấn đề mà thành viên HĐQT không được biểu quyết vì xung đột lợi ích mà có thể không được mời họp hay mời lấy ý kiến thì về nguyên tắc thành viên HĐQT là phải “tham dự đầy đủ các cuộc họp của HĐQT” hay tham gia cho ý kiến rõ ràng đối với các vấn đề, nội dung được lấy ý kiến biếu quyết.
Và cần hiểu rằng HĐQT là cơ quan cực kỳ quan trọng, gần như là bộ não của các công ty đại chúng và được tổ chức hoạt động theo nguyên tắc tập thể thông qua các phiên làm việc và phiên họp. Do đó, nếu các thành viên HĐQT không tham gia tham dự đầy đủ các cuộc họp HĐQT hay các lần tổ chức lấy ý kiến bằng văn bản thì rõ ràng “bộ não” trong những tổ chức kinh tế dạng này khó mà hoạt động thông suốt.
Ngoại trừ trường hợp theo điểm a, Khoản 2, Điều 160 Luật Doanh nghiệp hay điểm b, Khoản 1, Điều 46 Luật TCTD có quy việc thành viên HĐQT, thành viên BKS khi không tham gia hoạt động của HĐQT, BKS trong 06 tháng liên tục (trừ trường hợp bất khả kháng) thì có thể bị bãi nhiệm như tôi có đề cập ở trên thì quy định pháp luật về quản trị doanh nghiệp nói chung hay quản trị ngân hàng nói riêng của chúng ta hiện nay, chưa có quy định như thế nào là “không tham dự đầy đủ các cuộc họp HĐQT” như lý do mà nhóm cổ đông của Eximbank này đưa ra.
Do ấy, nếu nhóm cổ đông này chỉ đơn thuần dựa vào lý do không tham dự đầy đủ các cuộc họp HĐQT trong khi lại chọn hình thức yêu cầu là “miễn nhiệm” nếu không đưa ra các cơ sở đủ pháp lý đủ sức thuyết phục theo Điều 41 và 42 của Luật TCTD lẫn việc phải tuân thủ về hình thức, quy trình miễn nhiệm, bãi nhiệm. Nếu chọn hình thức bãi nhiệm thì lại cần chứng minh việc việc thành viên HĐQT, thành viên BKS bị yêu cầu đã không tham gia hoạt động của HĐQT, BKS trong 06 tháng liên tục nên cá nhân tôi xét thấy, dường như nhóm cổ đông của Eximbank khi đưa ra các yêu cầu này chưa soi xét kỹ lưỡng hết về các quy định pháp lý trong quản trị hoặc có thể dùng quyền của cổ đông để gây ảnh hưởng đến uy tín cá nhân đối với những người bị họ yêu cầu ĐHĐCĐ xem xét miễn nhiệm.