Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị đẩy mạnh tiêu thụ nội địa, tăng đi đường biển

21:34 07/01/2022

Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa khuyến cáo gửi các địa phương về hoạt động xuất nhập khẩu nông sản qua cửa khẩu, lối mở biên giới đường bộ phía Bắc.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Theo đơn vị này, ngày 30/12/2021, tỉnh Quảng Ninh đã thông báo về việc tạm dừng hoạt động xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu qua cửa khẩu, lối mở biên giới đường bộ trên địa bàn tỉnh.

Người lao động, doanh nghiệp Trung Quốc cũng sẽ nghỉ Tết Nguyên đán sớm hơn mọi năm do phía Trung Quốc yêu cầu đối với người làm việc tại khu vực cửa khẩu, bến cảng của Trung Quốc phải cách ly bắt buộc 21 ngày trước khi dời khỏi khu vực cửa khẩu, bến cảng khu vực biên giới về quê đón Tết.

Lượng hàng đã đến cửa khẩu, lối mở biên giới chờ làm thủ tục xuất khẩu tại Quảng Ninh khoảng 1.600 container và 450 phương tiện còn lưu lại bên Trung Quốc.

Tương tự, Lạng Sơn cũng mới gửi khuyến cáo tạm dừng đưa hàng hóa lên cửa khẩu tỉnh. Địa phương này chỉ còn 03 cửa khẩu hoạt động, tốc độ thông quan chỉ dưới 100 xe/ngày. Cửa khẩu Tân Thanh và Cốc Nam chưa được thông quan trở lại.

Trong khi, tại khu vực cửa khẩu còn ùn ứ 2.852 xe nông sản chờ xuất khẩu sang Trung Quốc; trong đó có 1.717 xe chở mít, xoài, thanh long, dưa hấu; nông sản khác có 580 xe...

Để giảm áp lực cho các cửa khẩu, lối mở biên giới đường bộ tại Lạng Sơn và Quảng Ninh trong thời gian tới, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản đề nghị các cơ quan chức năng thông tin, khuyến cáo đến các hộ nuôi trồng, nhà vườn, HTX, doanh nghiệp tạm thời dừng đưa hàng hóa lên cửa khẩu biên giới.

Đồng thời, chủ động nắm bắt thông tin để điều tiết hợp lý lượng nông sản xuất khẩu qua các cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh sang Trung Quốc thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2022, nhất là cửa khẩu Tân Thanh, Cốc Nam chưa được thông quan trở lại.

Ngoài ra, có kế hoạch, phương án lựa chọn phương thức xuất hàng chính ngạch qua đường biển, đường sắt; Có giải pháp hỗ trợ thúc đẩy tiêu thụ nội địa đối với hàng hoá phải quay lại tiêu thụ nội địa do không xuất khẩu sang Trung Quốc.

Đối với các địa phương có vùng trồng hoa quả trọng điểm phối hợp thông tin đến các địa phương biên giới chỉ đạo điều tiết hợp lý lượng hàng hoá khi vào vụ thu hoạch nhằm tránh ùn ứ, hư hỏng và bị ép giá.

Theo Thương hiệu & Công luận