Ngày 25/2, tại Hội nghị công bố Quyết định thành lập Đảng bộ Ngân hàng Nhà nước và các Quyết định về tổ chức bộ máy, nhân sự, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng đã trao quyết định điều động, bổ nhiệm ông Nguyễn Ngọc Cảnh giữ chức Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Trước đó, theo Quyết định số 338/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định điều động và bổ nhiệm ông Nguyễn Ngọc Cảnh, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, đảm nhiệm vị trí này từ ngày 1/3/2025.
Ông Nguyễn Ngọc Cảnh từng có nhiều năm công tác trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng, giữ các vị trí quan trọng tại Ủy ban Chứng khoán Nhà nước từ năm 2003 đến 2012, sau đó chuyển sang Ngân hàng Nhà nước giai đoạn 2012-2020 trước khi được bổ nhiệm Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp từ tháng 8/2020. Với quyết định bổ nhiệm này, ban lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước hiện tại bao gồm Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cùng sáu Phó Thống đốc là ông Đào Minh Tú, ông Đoàn Thái Sơn, ông Phạm Tiến Dũng, ông Phạm Thanh Hà, ông Phạm Quang Dũng và ông Nguyễn Ngọc Cảnh.
![]() |
Bổ nhiệm ông Nguyễn Ngọc Cảnh làm Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước |
Bên cạnh những thay đổi về nhân sự cấp cao, Ngân hàng Nhà nước cũng tiến hành tinh gọn bộ máy theo hướng hiệu quả và phù hợp với yêu cầu cải cách hành chính. Theo đó, cơ quan này hiện có 20 đơn vị trực thuộc, giảm 5 đầu mối so với quy định trước đây tại Nghị định số 102/2022. Trong số này, 18 đơn vị là tổ chức hành chính có nhiệm vụ hỗ trợ Thống đốc trong việc thực hiện chức năng quản lý Nhà nước và vận hành ngân hàng trung ương.
Đặc biệt, Cơ quan Thanh tra Giám sát Ngân hàng – đơn vị được xem là tương đương tổng cục – đã giảm từ 11 xuống còn 7 đầu mối. Việc tinh giản cũng được thực hiện ở cấp nhân sự, khi số lượng công chức thuộc Ngân hàng Nhà nước giảm từ 5.491 xuống còn 4.963 người, tương đương mức giảm 9,62%. Trong đó, đội ngũ lãnh đạo, quản lý từ cấp phòng trở lên giảm 372 người, tương đương 22,7%. Những điều chỉnh này không chỉ giúp tinh gọn bộ máy mà còn thể hiện định hướng nâng cao hiệu quả hoạt động của Ngân hàng Nhà nước, đảm bảo vận hành linh hoạt trong bối cảnh thị trường tài chính ngày càng phát triển và đòi hỏi sự chủ động thích ứng.