Đây là bước đi tiếp theo trong lộ trình dỡ bỏ hoàn toàn cơ chế giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng theo từng tổ chức tín dụng, thực hiện theo Nghị quyết số 62/2022/QH15 của Quốc hội.
![]() |
Từ năm 2025, các ngân hàng nước ngoài, ngân hàng liên doanh, Ngân hàng Hợp tác xã và tổ chức tín dụng phi ngân hàng sẽ không còn bị áp dụng cơ chế phân bổ hạn mức tăng trưởng tín dụng (còn gọi là “room” tín dụng). |
Theo NHNN, cơ quan này sẽ tiếp tục điều hành tín dụng một cách linh hoạt, phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô và mục tiêu kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng. Ngày 30/12/2024, NHNN đã gửi văn bản đến các tổ chức tín dụng, công khai nguyên tắc phân bổ chỉ tiêu tín dụng năm 2025, tạo điều kiện để các đơn vị chủ động triển khai kế hoạch kinh doanh.
Trong quý I/2025, NHNN đã tổ chức 15 hội nghị kết nối ngân hàng – doanh nghiệp tại các địa phương để nắm bắt thực tiễn, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ tiếp cận vốn tín dụng. Đồng thời, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về định hướng tín dụng, tập trung vào năm nhóm giải pháp trọng tâm: Tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, ưu tiên lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Ứng dụng công nghệ, đơn giản hóa thủ tục, chia sẻ lợi nhuận để hạ lãi suất cho vay. Mở rộng quy mô các chương trình tín dụng hiệu quả, nhất là trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản (dự kiến khoảng 100.000 tỷ đồng). Tăng hạn mức tín dụng cho các ngành hàng thiết yếu, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.
Tính đến ngày 31/3/2025, dư nợ tín dụng toàn hệ thống đạt 16,23 triệu tỷ đồng, tăng 3,93% so với cuối năm 2024 và tăng 18,02% so với cùng kỳ năm trước – mức tăng mạnh hơn đáng kể so với cùng kỳ 2024 (1,34%).
NHNN cho biết, trong thời gian tới, sẽ tiếp tục điều hành chính sách tín dụng linh hoạt, bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, đáp ứng nhu cầu vốn và năng lực hấp thụ của nền kinh tế. Đồng thời, sẽ tiếp tục chỉ đạo các TCTD tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, hướng dòng vốn vào các lĩnh vực sản xuất, động lực tăng trưởng, dự án trọng điểm và hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khắc phục khó khăn sau thiên tai.