Ngân hàng Nhà nước duy trì lãi suất ổn định, hỗ trợ tăng trưởng Cần giải pháp nguồn vốn ngoài khuôn khổ tín dụng cho doanh nghiệp SME |
Trong những tháng đầu năm 2025, hệ thống ngân hàng Việt Nam đang phải đối mặt với áp lực chưa từng có khi chênh lệch giữa tín dụng và huy động vốn lên đến hơn 1 triệu tỷ đồng. Sự mất cân đối giữa nguồn vốn huy động và nhu cầu cho vay đang đặt ngành ngân hàng vào một bài toán khó, đặc biệt khi nhiệm vụ hỗ trợ tăng trưởng kinh tế từ 8% trở lên là mục tiêu cấp thiết được Chính phủ đặt ra trong năm nay.
Theo Cục Thống kê (Bộ Tài chính), tính đến ngày 25/3/2025, tín dụng toàn nền kinh tế đã tăng 2,49% so với đầu năm, trong khi huy động vốn chỉ tăng 1,36%. Điều này tạo ra một khoảng chênh lệch hơn 1,1 triệu tỷ đồng – con số cho thấy dòng tiền cho vay đang vượt xa dòng tiền gửi vào hệ thống.
![]() |
Ngân hàng "căng mình" bơm vốn, tín dụng vượt huy động 1 triệu tỷ. |
Cụ thể, tính đến cuối tháng 12/2024, tổng tiền gửi của người dân và doanh nghiệp tại các tổ chức tín dụng đạt gần 14,73 triệu tỷ đồng, trong khi tổng dư nợ tín dụng đã chạm mức 15,7 triệu tỷ đồng. Sang quý I/2025, tín dụng tiếp tục tăng nhanh hơn huy động khiến chênh lệch này không ngừng nới rộng.
Một phần nguyên nhân khiến huy động vốn tăng chậm là do mặt bằng lãi suất huy động giảm. Từ sau chỉ đạo của Chính phủ cuối tháng 2/2025, đến nay đã có tới 28 ngân hàng thương mại điều chỉnh giảm lãi suất huy động. Trong đó, các ngân hàng như Eximbank đã giảm tới 7 lần, mức giảm cao nhất lên tới hơn 1%/năm.
Ngoài ra, sự phục hồi của các kênh đầu tư khác như bất động sản, vàng, và chứng khoán cũng hút bớt dòng tiền nhàn rỗi ra khỏi ngân hàng, khiến tốc độ huy động vốn càng trì trệ. Trong khi đó, nhu cầu tín dụng từ doanh nghiệp và người dân vẫn tiếp tục tăng cao, đặc biệt trong các lĩnh vực sản xuất, tiêu dùng và đầu tư.
Trước thực trạng "huy động 9 đồng, cho vay 10 đồng", Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú thẳng thắn thừa nhận ngành ngân hàng đang phải sử dụng cả vốn tự có và vốn tái cấp từ NHNN để bù đắp phần thiếu hụt này. Điều này đặt ra thách thức lớn cho việc duy trì thanh khoản ổn định trong toàn hệ thống.
![]() |
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú |
Ông Tú cho biết: "Quy mô tín dụng gần 16 triệu tỷ đồng, tương đương 135% GDP trong khi GDP cả nước khoảng 12 triệu tỷ đồng. Từ góc độ vĩ mô, đây là bài toán khó, nhưng chúng tôi vẫn phải cố gắng theo quyết tâm chính trị của Đảng và Chính phủ."
Để giảm áp lực thanh khoản, NHNN cam kết tiếp tục sử dụng các công cụ tiền tệ để hỗ trợ các tổ chức tín dụng, đồng thời ổn định mặt bằng lãi suất điều hành. Trong quý II/2025, các ngân hàng dự báo mặt bằng lãi suất huy động sẽ duy trì ổn định, chỉ tăng nhẹ ở một số kỳ hạn. Mức tăng dự kiến chỉ từ 0,02–0,17 điểm phần trăm trong cả năm 2025.
Song song đó, mặt bằng lãi suất cho vay vẫn được định hướng giảm nhẹ để hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy tiêu dùng nội địa. Dự kiến trong quý II và cả năm, lãi suất cho vay có thể tiếp tục giảm từ 0,03 đến 0,08 điểm phần trăm so với quý trước.
Trong bối cảnh vốn huy động khan hiếm, NHNN cho biết sẽ tiếp tục định hướng dòng vốn tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên, như sản xuất nông nghiệp, công nghiệp chế biến, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đặc biệt, tín dụng tiêu dùng được đánh giá là động lực quan trọng để giữ nhịp tăng trưởng kinh tế nên sẽ có chính sách khuyến khích mạnh mẽ hơn trong năm nay.
Dự báo cả năm 2025, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống có thể đạt khoảng 16,4%, trong khi huy động vốn dự kiến chỉ tăng 13,1%. Tín dụng ngắn hạn sẽ tiếp tục chiếm ưu thế trong cơ cấu tín dụng, do khả năng quay vòng vốn nhanh và rủi ro thấp hơn.
Việc tín dụng tăng nhanh hơn huy động vốn là dấu hiệu tích cực cho thấy nền kinh tế đang “khát vốn” để tăng trưởng. Tuy nhiên, nó cũng đặt ngành ngân hàng vào thế “gồng gánh” với nhiều áp lực về thanh khoản, an toàn hệ thống và điều hành lãi suất.
Trong bối cảnh đó, vai trò của NHNN là cực kỳ quan trọng để duy trì sự cân bằng mong manh giữa tăng trưởng tín dụng và an toàn hệ thống tài chính. Chính sách hỗ trợ kịp thời, cùng sự chủ động của các ngân hàng thương mại, sẽ là yếu tố then chốt giúp Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ trong năm 2025.