Bài liên quan |
Lãi suất ngân hàng ngày 28/3/2025: Nhóm big4 điều chỉnh giảm lãi suất huy động |
Lãi suất ngân hàng ngày 2/4/2025: OCB giảm lãi suất huy động |
Theo dữ liệu từ Ngân hàng Nhà nước, tính đến hết quý I/2025, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đạt 3,93%, cao gấp gần ba lần mức tăng cùng kỳ năm ngoái (1,42%). Đây là dấu hiệu rõ ràng cho thấy nhu cầu tín dụng đang dần phục hồi khi doanh nghiệp và người tiêu dùng bắt đầu mở rộng sản xuất – tiêu dùng trở lại.
MBS dự báo, tăng trưởng tín dụng cả năm 2025 có thể đạt từ 17% đến 18%, vượt xa mục tiêu 16% đã đề ra. Động lực chính đến từ ba yếu tố: sự hồi phục của khu vực sản xuất trong nước, tín hiệu khởi sắc từ thị trường tiêu dùng, và đặc biệt là tiến độ giải ngân vốn đầu tư công đang được đẩy mạnh mạnh mẽ.
Sau một thời gian dài duy trì mặt bằng lãi suất thấp để hỗ trợ phục hồi kinh tế, các ngân hàng tiếp tục xu hướng giảm lãi suất trong tháng 4, dù tốc độ điều chỉnh đã chậm lại. Gần 10 ngân hàng thương mại đã hạ lãi suất huy động từ 0,1 – 0,5 điểm phần trăm/năm ở nhiều kỳ hạn.
![]() |
MBS dự báo lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại |
Tuy nhiên, thị trường cũng ghi nhận sự điều chỉnh tăng nhẹ lãi suất từ một số ngân hàng tư nhân quy mô nhỏ và vừa, trong bối cảnh nhu cầu tín dụng đang tăng trở lại. Tính đến cuối tháng 4, lãi suất kỳ hạn 12 tháng tại các ngân hàng thương mại cổ phần đã giảm về mức trung bình 4,93%, trong khi nhóm ngân hàng thương mại quốc doanh giữ ổn định quanh mức 4,7%.
Dù lãi suất đầu vào đang trong xu hướng giảm, MBS dự báo rằng lãi suất huy động sẽ có xu hướng tăng dần về cuối năm, khi nền kinh tế duy trì đà phục hồi, cầu tín dụng tăng cao. Cụ thể, lãi suất kỳ hạn 12 tháng được kỳ vọng sẽ dao động trong khoảng 5,5% – 6% vào cuối năm 2025.
Trái ngược với xu hướng giảm của chỉ số DXY – thước đo sức mạnh đồng USD (giảm 9,7% so với đỉnh trong năm), tỷ giá USD/VND trên thị trường liên ngân hàng vẫn duy trì ở mức cao trong tháng 4. Tỷ giá giao dịch tăng 1,4% so với cuối tháng 3, lên mức 25.994 VND/USD, tương đương mức tăng 2,1% so với đầu năm. Trên thị trường tự do, tỷ giá thậm chí chạm mức 26.470 VND/USD, tăng 2,8% so với đầu năm; trong khi tỷ giá trung tâm do Ngân hàng Nhà nước công bố đạt 24.956 VND/USD (+2,5%).
Ba yếu tố chính được MBS xác định là nguyên nhân khiến tỷ giá chịu sức ép:
Nguồn cung ngoại tệ bị thu hẹp: Trong tháng 4, Kho bạc Nhà nước tiếp tục mua vào 110 triệu USD từ các ngân hàng thương mại, góp phần hút bớt ngoại tệ khỏi thị trường.
Nhu cầu USD tăng do bất ổn thương mại: Trước nguy cơ Mỹ áp dụng các chính sách thuế quan khó lường, nhiều doanh nghiệp Việt Nam chủ động tăng tích trữ ngoại tệ để phòng ngừa rủi ro.
Chênh lệch lãi suất VND – USD đảo chiều âm: Lãi suất liên ngân hàng giảm mạnh về mức thấp nhất trong vòng 13 tháng khiến dòng vốn ngắn hạn có xu hướng chuyển sang USD, gây áp lực lên tỷ giá.
Trong bối cảnh đó, MBS nhận định rằng tỷ giá USD/VND sẽ dao động trong vùng 25.500 – 26.000 trong suốt năm 2025. Các yếu tố hỗ trợ cho đà tăng giá của USD bao gồm: chính sách tài khóa nới lỏng từ chính quyền mới của Mỹ, lãi suất duy trì ở mức cao, siết chặt nhập cư, và xu hướng bảo hộ thương mại tiếp diễn.
Trong khi chính sách thuế quan và môi trường quốc tế nhiều rủi ro có thể ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu và thu hút vốn FDI của Việt Nam, thì nội tại nền kinh tế vẫn cho thấy nhiều tín hiệu tích cực:
Thặng dư thương mại trong 4 tháng đầu năm đạt 3,79 tỷ USD – cho thấy cán cân thương mại ổn định.
Vốn FDI giải ngân đạt 6,74 tỷ USD, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm 2024 – cho thấy niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài.
Du lịch quốc tế phục hồi mạnh mẽ, với lượng khách tăng 23,8% so với cùng kỳ – tạo thêm nguồn cung ngoại tệ và hỗ trợ cán cân thanh toán.
Những yếu tố này được kỳ vọng sẽ góp phần giữ ổn định thị trường ngoại hối và hỗ trợ cho đồng VND trong những tháng tới, dù các áp lực bên ngoài vẫn còn hiện hữu.