CTCP Tasco (Mã: HUT) nguyên là doanh nghiệp Nhà nước được thành lập từ năm 1971, hoạt động trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng giao thông. Tháng 11/2000, Tasco tiến hành cổ phần hoá. Thời điểm này, Tasco hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực xây dựng các công trình hạ tầng cơ sở bao gồm công trình dân dụng, công nghiệp, giao thông, và trong lĩnh vực kinh doanh phát triển nhà ở và khu đô thị. Địa bàn hoạt động của công ty nằm rải rác khắp các tỉnh miền Bắc.
Thời điểm trước khi lên sàn (2008), Tasco tập trung chủ yếu vào mảng xây lắp, nên 90% cơ cấu doanh thu của Tasco đến từ lĩnh vực này.
Sau khi chính thức lên sàn, Tasco giảm dần việc nhận bao thầu xây lắp và chuyển sang lĩnh vực đầu tư các dự án theo hình thức BOT, BOO và BT, hoạt động thu phí không dừng (VEC).
![]() |
Tasco từng được mệnh danh là "trùm" BOT. |
Tuy nhiên sau một giai đoạn đầu tư, mô hình kinh doanh BOT bộc lộ rất nhiều điểm yếu trong quá trình vận hành. Cựu Chủ tịch HĐQT Phạm Quang Dũng đã từng thừa nhận về mảng thu phí là “làm rồi mới thấy sai lầm, mới thấy là xương xẩu, rất rủi ro”.
Năm 2014, Tasco thay đổi quyết định và xác định mảng bất động sản là ngành kinh doanh mũi nhọn và tại ĐHĐCĐ thường niên 2017, Chủ tịch HĐQT cho biết công ty sẽ tập trung vào 3 lĩnh vực chính là: Đầu tư bất động sản (BĐS), đầu tư y tế và công nghệ giai đoạn 2017 – 2022. Đồng thời tạm dừng đầu tư vào lĩnh vực BOT dù đã gắn bó 10 năm. Về đầu tư BĐS, theo ông Dũng, công ty lấy năng lực lõi là chủ đầu tư các dự án hạ tầng giao thông để đầu tư BĐS theo hình thức đổi đất lấy hạ tầng.
Sau khoảng 7 năm với chiến lược lấy trọng tâm là ngành địa ốc, đến tháng 10/2021, Tasco công bố chiến lược tái cấu trúc mạnh mẽ với việc tập trung vào các hoạt động cốt lõi gồm: Hạ tầng giao thông BOT, thu phí không dừng (ETC), và BĐS. Trong khi đó, công ty tinh gọn và thoái vốn các mảng kinh doanh như xây dựng, y tế, giáo dục và nông nghiệp….
Tháng 9/2023, Tasco chính thức sáp nhập Công ty TNHH SVC Holdings thông qua hoán đổi cổ phần. Điều này giúp Tasco sở hữu hệ thống phân phối ô tô lớn nhất cả nước, do SVC Holdings là công ty đang nắm giữ 54,1% vốn cổ phần của CTCP Dịch vụ Tổng hợp Sài Gòn (Savico – Mã: SVC).
Qua đó, Tasco đã hoàn thiện hệ sinh thái về xe ô tô, gia tăng số lượng showroom và phát triển thương hiệu ô tô mới (xe sang và xe điện) để đáp ứng sự tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường ô tô.
Tính đến hiện tại, 5 lĩnh vực mũi nhọn của Tasco là Phân phối xe hơi (thông qua Tasco Auto), Thu phí không dừng (VETC), Bảo hiểm (Tasco Insurance), Bất động sản (Tasco Land) và Mảng đầu tư BOT (Tasco BOT).
Tham vọng của Tasco là tích hợp theo chiều dọc "Kết nối hệ thống One Tasco và đối tác, phục vụ khách hàng trọn vòng đời sản phẩm và dịch vụ: Từ mua xe mới, xe đã qua sử dụng, bảo hiểm, tài chính đến bảo trì, sửa chữa, thuê xe, chăm sóc xe và các tiện ích giao thông thông minh – mọi điểm chạm đều được kết nối liền mạch".
Theo thống kê của người viết trong khoảng 10 năm trở lại đây, nếu xét giai đoạn chưa hợp nhất kết quả kinh doanh của SVC Holdings, Tasco từng đạt mốc doanh thu kỷ lục vào năm 2016 với gần 3.000 tỷ đồng nhờ việc bàn giao nhà cho khách hàng tại dự án khu nhà ở sinh thái Xuân Phương (Foresa Villa).
Năm 2017, Tasco bắt đầu chứng kiến sự sụt giảm về mặt doanh thu khi các hợp đồng xây dựng và dự án bất động sản bị chậm tiến độ, chưa được bàn giao. Kể từ đó, mức doanh thu của công ty dao động 700 – 1.100 tỷ đồng năm 2017 – 2022. Lợi nhuận liên tục sa sút, có năm 2020 thua lỗ tới 243 tỷ đồng. Tasco giải trình nguyên nhân thua lỗ phần lớn do ảnh hưởng từ số lỗ của dự án Thu phí không dừng VETC.
![]() |
Nguồn: Báo cáo tài chính. |
Xét về cơ cấu doanh thu của Tasco, giai đoạn trước 2015, phần lớn đến từ các hợp đồng xây lắp, xây dựng. Hai năm tiếp theo 2016 và 2017, công ty ghi nhận doanh thu lớn từ mảng bất động sản khi mảng này đem về lần lượt 2.146 tỷ và 1.356 tỷ đồng, đóng góp hơn 60% cho tổng doanh thu của công ty.
Từ năm 2018, mảng thu phí trở thành nguồn thu chính cho Tasco, trong khi các hoạt động bán hàng, cung cấp dịch vụ, hợp đồng xây dựng hay bất động sản đều suy giảm mạnh.
Từ năm 2023, với sự hợp nhất của nhà phân phối ô tô SVC Holding, doanh thu của Tasco vọt tăng lên gần 11.000 tỷ đồng, tuy nhiên lúc này lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 56 tỷ, giảm hơn 60% so với năm trước đó.
Sang năm 2024, Tasco ghi nhận doanh thu hợp nhất năm 2024 đạt khoảng 30.700 tỷ đồng, gấp 2,7 lần cùng kỳ năm trước. Đây cũng là con số cao kỷ lục mà doanh nghiệp đạt được sau khi sáp nhập SVC Holdings. Lợi nhuận sau thuế tăng hơn 5 lần lên 304 tỷ đồng.
Dù năm 2024 cho thấy sự tăng trưởng trong kết quả kinh doanh kể từ sau khi sát nhập SVC Holdings, nhưng sức khỏe tài chính, các chỉ số sinh lời của Tasco giảm mạnh.
Nếu tính theo biên lợi nhuận gộp, chỉ số này đã giảm từ mức 36,35% năm 2022 xuống 9,4% năm 2023 và 8,86% năm 2024. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên doanh thu cũng giảm mạnh từ mức 2 con số trong năm 2022 (13,4%) xuống 0,51% năm 2023 và 1,01% năm 2024.
Tương tự, các chỉ số ROE (tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu) và ROA (lợi nhuận/tổng tài sản) không những suy giảm mạnh mà còn đạt ở mức rất thấp. Chẳng hạn ROE của năm 2024 là 1,05%, tức là cứ 100 đồng vốn bỏ ra thì Tasco chỉ nhận về vỏn vẹn 1 đồng lợi nhuận.
![]() |
Nguồn: Báo cáo tài chính. |
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2025, ông Phạm Văn Dũng – Chủ tịch Tasco Auto cũng thừa nhận biên lợi nhuận của công ty hiện tại chưa cao. “Trong kinh doanh ô tô, phần lợi nhuận và doanh thu bán xe mới chỉ chiếm 20%, 75% đến từ giá trị các dịch vụ gia tăng trọn đời. Do đó, chiến lược của công ty sẽ là mở rộng và tích hợp theo chiều dọc, thông qua đó sẽ cải thiện biên lợi nhuận lĩnh vực ô tô".
Với tham vọng chọn mảng ô tô là ngành chiến lược chủ chốt trong nhiều năm tới, Tasco đang hướng đến thượng nguồn ngành ô tô thông qua việc đầu tư sở hữu 100% Sweden Auto, đơn vị nhập khẩu và phân phối chính hãng Volvo trên toàn quốc.
Bên cạnh đó, tháng 9/2024, Tasco ký kết hợp tác chiến lược với Geely để liên doanh sản xuất và lắp ráp ô tô (CKD) tại tỉnh Thái Bình. Geely là công ty mẹ của hãng xe Volvo - cổ đông lớn của Mercedes-Benz, và đầu tư vào loạt thương hiệu như Aston Martin, Lotus, Polestar.
“Cách làm của Tasco là chưa xây nhà máy mà phân phối bán lẻ, xây cửa hiệu trước. Nghĩa là chúng tôi sẽ đi buôn trước khi đầu tư, từ đó bớt đi rủi ro chọn nhầm”, người đứng đầu Tasco nói.
Ngoài ra, ông Dũng cũng nhấn mạnh về phần hạ nguồn, công ty sẽ không chỉ làm xe mà còn tiến tới làm dịch vụ khách hàng sử dụng hàng ngày như sửa chữa, bảo dưỡng và thậm chí rửa xe ô tô. “Nhu cầu rửa xe của người dân cũng quan trọng không kém nhu cầu nhiên liệu. Do đó, Tasco không ngại vừa bán cả xe Volvo, vừa làm dịch vụ rửa xe. Đó chính là tích hợp theo chiều dọc”, Chủ tịch Tasco thông tin.
Vị này cũng bày tỏ tham vọng xuất khẩu ô tô sang thị trường Đông Nam Á, do có thế mạnh chuỗi cung ứng và gần với Trung Quốc, Tasco sẽ là cửa ngõ phát triển trong ASEAN và phát triển ở các thị trường có hiệp định thuế quan khác.
Tại ĐHĐCĐ thường niên hồi tháng 5, một cổ đông bày tỏ lo lắng về việc “những cổ phiếu của Chủ tịch Vũ Đình Độ không đem lại quyền lợi cho cổ đông bên ngoài”.
Trả lời câu hỏi này, Chủ tịch Tasco Vũ Đình Độ cho biết với ngành ô tô, các yếu tố cạnh tranh đặc biệt đã làm xói mòn tổng lợi nhuận của ngành. Ông Độ chia sẻ: "Nếu cổ đông quan sát các nhà đầu tư trên thị trường thì sẽ thấy sự đặc biệt, có nhiều hãng mới ra đời và bối cảnh đó đã làm xói mòn giá trị gia tăng của ngành rất nhiều, qua đó ảnh hưởng hiệu quả hoạt động công ty. Ngày xưa Tasco có thương hiệu công ty "premium" một năm đem về lợi nhuận khoảng 400 - 500 tỷ, song giờ còn một nửa là may rồi. Nhiều đơn vị thì hòa vốn, gặp khó khăn hoặc thua lỗ. Đó là thực tế khách quan”.
![]() |
Cổ phiếu HUT từng tăng dựng đứng giai đoạn năm 2021 - 2022 lên 45.000 đồng/cp, sau đó điều chỉnh về vùng 12.700 đồng/cp như hiện tại. (Nguồn: TradingView). |