Bộ Giao thông Vận tải đề nghị các tỉnh, thành phía Nam nghiên cứu giải pháp không cách ly y tế đối với lái xe chở hàng. ( Ảnh minh họa)
Nguy cơ thiếu lái xe khi phải cách ly dài ngày
Tại cuộc họp trực tuyến giữa Bộ GTVT và các địa phương phía Nam chiều 15-7, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, tại một số chốt kiểm soát hướng từ TPHCM đi các tỉnh xảy ra ùn tắc. Nghiêm trọng nhất là tại Tây Ninh do tỉnh này mới bắt đầu áp dụng chỉ thị 16 khiến số lượng xe tăng đột biến gần 10.000 xe (trong đó xe vận tải hàng hóa là gần 6.000 xe). Sau khi xảy ra ùn tắc cơ quan chức năng tỉnh Tây Ninh đã phân luồng, cấp tốc giải phóng xe tại các chốt kiểm soát.
Tính đến ngày 15-7, tất cả các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam điều đã lập 72 chốt kiểm dịch trên các tuyến quốc lộ.
Hiện nay, các hiệp hội vận tải và doanh nghiệp phản ánh đang gặp nhiều khó khăn trong khâu vận chuyển hàng hóa khi cơ quan chức năng yêu cầu nhiều giấy tờ và lái xe phải có giấy xét nghiệm âm tính với Covid-19 với hiệu lực rất ngắn.
Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho biết, hiện nay một số địa phương quy định lái xe đi từ vùng có dịch phải cách ly 7 ngày dài hơn là14 ngày, thậm chí có nơi yêu cầu cách ly 21 ngày. “Khi lái xe chở một chuyến hàng từ tỉnh có dịch về phải cách ly 14 ngày thì chỉ trong một thời gian ngắn doanh nghiệp sẽ không có lái xe để vận chuyển hàng”, ông Quyền nói.
Trước những bất cập này, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam kiến nghị cơ quan chức năng xem xét không cách ly y tế với lái xe. Để phòng chống dịch, các doanh nghiệp sẽ sắp xếp nơi ở tập trung cho lái xe và hạn chế tiếp xúc với người bên ngoài.
Tương tự, ông Bùi Văn Quản, Chủ tịch Hiệp hội vận tải hàng hóa TPHCM cho biết, việc vận chuyển hàng hóa trong thời gian TPHCM giãn cách xã hội gặp rất nhiều khó khăn khi doanh nghiệp và lái xe phải làm nhiều thủ tục mới được qua các chốt kiểm dịch.
Đối với lái xe thời hạn của giấy xét nghiệm quá ngắn khiến họ phải xét nghiệm liên tục vừa tốn kém về chi phí và thời gian. “Hiện nay, nhiều lái xe không muốn chạy xe đường dài vì cách phòng, chống dịch ở mỗi địa phương khác nhau gây khó khăn cho cả lái xe và doanh nghiệp”, ông Quản phản ánh.
Đề xuất ưu tiên tiêm vaccine, không cách ly y tế bắt buộc với lái xe chở hàng
Liên quan đến những vấn đề doanh nghiệp vận tải phản ánh, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam thừa nhận, thời gian hiệu lực xét nghiệm âm tính Covid của các địa phương chưa thống nhất, như Bình Dương, TPHCM là 3 ngày; Long An 5 ngày; Đồng Nai 7 ngày đã gây khó khăn cho lái xe khi vận chuyển hàng hóa.
Để tháo gỡ những khó khăn doanh nghiệp phản ánh, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể đề nghị các địa phương nghiên cứu áp dụng thống nhất hình thức kiểm soát y tế đối với riêng đội ngũ lái xe chở hàng.
Trong đó, không yêu cầu xét nghiệm lại đối với lái xe có giấy xét nghiệm Covid-19 âm tính còn hiệu lực, đồng thời nghiên cứu giải pháp để không phải cách ly y tế bắt buộc với lái xe khi trở về từ các địa phương có dịch. "Phải đưa lái xe là đối tượng đặc biệt để ưu tiên tiêm vaccine, không phải cách ly y tế bắt buộc" ông Thể đề xuất.
Bộ trưởng Bộ GTVT cho biết, hiện tại, Bộ Y tế đã có công bố về hiệu lực giấy xét nghiệm theo phương pháp test nhanh và PCR là như nhau (đều có giá trị trong vòng 72 giờ), các địa phương cần nắm rõ để kiểm soát và tạo điều kiện cho lái xe hoạt động.
Ông đề nghị Bộ Y tế phối hợp với Bộ Công an, Bộ GTVT sớm nghiên cứu, nâng cấp kết nối dữ liệu về các thông tin liên quan đến kết quả xét nghiệm còn hiệu lực, thông tin tiêm chủng, thông tin về phương tiện, lộ trình di chuyển, lái xe… để dễ dàng kiểm soát, đảm bảo chặt chẽ, thuận lợi cho cơ quan quản lý cũng như doanh nghiệp và lái xe.
Lê Anh