Tiếng Việt, bắt đầu giai đoạn 1990 mới có từ doanh nhân, chỉ đối tượng thương nhân từ quan niệm cũ sang mới, ghi nhận những người làm ăn kinh doanh gắn với thành phần kinh tế tư nhân và chủ nghĩa tư bản. Khác biệt và mở rộng hơn phạm trù thương nhân, doanh nhân không chỉ buôn bán, mà còn là nhà đầu tư, có đầu óc kinh tế, tham gia vào chuỗi sản xuất, phân phối thương mại tài chính.
Doanh nhân trong tiếng Việt, vì thế là những người tham gia vào kinh tế xã hội với các giá trị thành đạt cao, có nhiều cống hiến cho xã hội. Hoạt động tạo nguồn lợi kinh tế của họ dựa vào sản xuất và kinh doanh thương mại, dịch vụ, thông qua tổ chức các hoạt động đáp ứng nhu cầu, vấn đề tiêu dùng… để tạo lợi nhuận và thu hoạch từ các lợi nhuận đó. Nếu chiếu theo gốc từ Hán, đó là áp dụng chữ doanh 營, nghĩa là mưu lợi, tính toán. Doanh nhân (營人), được hiểu cơ bản là người có mưu lược làm ăn, giỏi làm ăn buôn bán và đầu tư.
Quan niệm xã hội gần đây, doanh nhân được xem là người đã thành công trong làm ăn buôn bán, đầu tư kinh doanh, có đóng góp vào xã hội. Những khái niệm “khẩu ngữ” như đại gia, ông chủ lớn, tổng tài… đều gắn liền với hình ảnh doanh nhân thành đạt. Chiếu theo gốc từ Hán, thì doanh nhân ở nghĩa này, gắn với chữ doanh 贏, nghĩa là dư lợi, người có nhiều tiền.
Cả hai chữ doanh ấy, dĩ nhiên cần được các nhà ngôn ngữ học phân tích hợp lý, để định nghĩa doanh nhân, đưa vào từ điển Việt ngữ một cách chính xác.
Song về cơ bản, đến nay, tức là 30 năm sau khi từ doanh nhân được giới truyền thông Việt Nam đưa ra, trỏ vào đối tượng xã hội mới với các vị thế tích cực, hình ảnh doanh nhân đã được xã hội công nhận và tôn vinh. Vai trò doanh nhân trong xã hội hôm nay ngày càng được đề cao và được bảo vệ. Hai chữ doanh nhân, nhất là từ khi Ngày Doanh nhân 13/10 được ấn định, ngày càng có ý nghĩa tích cực với cộng đồng xã hội.
Hơn nữa, trong bối cảnh kinh tế thị trường, hình ảnh doanh nhân hôm nay ngày càng cụ thể hơn, không chỉ gắn với những giá trị thành đạt lớn, mà còn khiêm tốn và cụ thể. Con người doanh nhân, chính là đội ngũ doanh nhân thời cuộc, lãnh đạo, tổ chức kinh doanh tại các doanh nghiệp nhỏ và vừa, những hạt nhân cực kỳ quan trọng của kinh tế quốc gia. Những doanh nhân này, đang ngày ngày giờ giờ tham gia vào công cuộc kiến thiết kinh tế đất nước, lặng lẽ đóng góp tâm huyết vào lộ trình kinh tế quốc gia.
Trong Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10, bởi thế không thể không đặt lời tri ân và cổ vũ, đến những doanh nhân vừa và nhỏ của đất nước!
Nguyên Đức